Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em: Chú trọng đối tượng ở vùng khó

Thứ 6, 23.12.2022 | 16:12:03
1,042 lượt xem

Để kéo giảm sự chênh lệch về các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã triển khai các giải pháp chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em, nhất là tại các vùng khó khăn.

Toàn tỉnh hiện có 200 xã, phường, thị trấn thì có 88 xã là khu vực III. Mặc dù công tác CSSK bà mẹ, trẻ em đã có những chuyển biến tích cực song giữa các vùng vẫn còn sự chênh lệch trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CSSK sinh sản. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là CSSK bà mẹ trẻ em còn nhiều hạn chế do một số nguyên nhân như: đặc thù xã vùng III có địa bàn rộng, đồi núi nhiều, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn; đời sống kinh tế của người dân còn thiếu thốn; nhận thức của đồng bào  về dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, biến chứng thai sản… còn hạn chế. Thêm vào đó, việc thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, thiếu cán bộ chuyên môn sâu về sản, nhi… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác CSSK cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình tuyên truyền cho sản phụ về kiến thức CSSK sinh sản cho phụ nữ sau sinh

Bà Dương Thị Hà, Trưởng Trạm Y tế xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Là xã vùng III, điều kiện còn khó khăn nên người dân  chưa chú tâm CSSK bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn như: Lân Cà 1, Lân Cà 2, Lân Hoèn… hiện vẫn còn một số trường hợp phụ nữ mang thai chuyển dạ sớm, phải đẻ con tại nhà mà không kịp đến cơ sở y tế. Khi gặp những trường hợp như vậy, chúng tôi phải cử cán bộ y tế đến tận nhà để đỡ đẻ, hướng dẫn chăm sóc cho trẻ tại nhà…

Để các chỉ số sức khỏe của bà mẹ, trẻ em ở các vùng khó ngày càng được cải thiện, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp như: Thực hiện hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng; bổ sung vitamin A cho bà mẹ và trẻ em; duy trì bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai tại các vùng khó; đẩy mạnh  truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về CSSK cho mẹ và bé, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế…

Bác sĩ Chuyên khoa I Dương Thị Vinh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo cấp trên ban hành các kế hoạch để thực hiện chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em ở vùng khó. Trong đó, ưu tiên bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tháng 6/2019, chúng tôi đã triển khai bổ sung đa vi chất cho phụ nữ 3 huyện khó khăn (Đình Lập, Bình Gia, Văn Quan), từ đầu năm 2022 đến nay đã bổ sung cho 1.709 phụ nữ mang thai, đạt gần 94%; bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi đạt trên 99%…

Ngoài bổ sung vitamin, vi chất dinh dưỡng, việc CSSK cho các bà mẹ, trẻ em còn được thực hiện thông qua Đề án Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Trong đề án, đối tượng là phụ nữ mang thai tại các xã vùng III, hộ nghèo, cận nghèo được sàng lọc trước sinh miễn phí; trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được sàng lọc sơ sinh miễn phí 2 loại bệnh phổ biến gồm: thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh. Trong 11 tháng đầu năm 2022, các cơ quan y tế đã tiến hành sàng lọc cho trên 9.700 phụ nữ mang thai và sàng lọc sơ sinh miễn phí cho gần 300 trẻ, qua đó đã phát hiện 13 mẫu nguy cơ cao với bệnh.

Bên cạnh những giải pháp trên, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho bà mẹ tại các địa bàn vùng khó cũng được chú trọng. Từ năm 2017 đến nay, hằng năm, các cấp ngành liên quan đã tổ chức truyền thông , khám, tư vấn sức khỏe được trên 100.000 lượt người nghe về kiến thức CSSK bà mẹ, trẻ em; họp nhóm đối tượng được gần 900 buổi với 7.000 lượt người nghe về CSSK sinh sản; đăng tải gần 500 tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cấp xã…

Thông qua các giải pháp trên, nhận thức của người dân về CSSK sinh sản, chăm sóc mẹ và bé ở các vùng khó khăn đã dần được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tỷ lệ trẻ em trên địa bàn tỉnh bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi đã giảm từ 17,9% (năm 2017) còn 16,4% (năm 2021), 11 tháng đầu năm 2022 giảm còn 15,6%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi năm 2017 là 25,9%, đến năm 2021 giảm còn 23,1%, 11 tháng đầu năm 2022 giảm còn 22,8%; tỷ lệ phụ nữ mang thai ở 3 huyện khó khăn (Văn Quan, Đình Lập, Bình Gia) được bổ sung đa vi chất tăng qua từng năm, năm 2019 là 66,1%, hiện tăng lên gần 94%…

CSSK bà mẹ, trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Để hiệu quả cao hơn, thời gian tới, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng, nhất là tại các thôn vùng sâu, vùng xa; cung cấp kịp thời các dịch vụ y tế; tiếp tục quan tâm bổ sung chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em….


DƯƠNG KIM/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/549382-cham-soc-suc-khoe-ba-me-tre-em-chu-trong-doi-tuong-o-vung-kho.html

  • Từ khóa