Đi bộ và chạy đều là hình thức tập luyện tuyệt vời cho trái tim. Câu hỏi đặt ra là liệu có cái nào tốt hơn cái kia? Bạn cần lưu ý gì khi tập luyện để đảm bảo an toàn?.
Nếu bạn đang muốn đốt cháy nhiều calo hơn hoặc giảm cân nhanh thì chạy bộ là lựa chọn tốt hơn. Nhưng đi bộ cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Tốt cho tim mạch
Theo Healthline, đi bộ và chạy đều là những bài tập rèn luyện sức khỏe tim mạch, hay còn gọi là cardio. Một số lợi ích sức khỏe của các bài tập cardio bao gồm:
- Giúp bạn giảm cân hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Tăng sức chịu đựng.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Giúp ngăn ngừa hoặc quản lý các bệnh mãn tính.
- Tăng cường sức khỏe trái tim.
- Có thể kéo dài tuổi thọ.
Đi bộ và chạy đều là những bài tập cardio tốt cho tim mạch (Ảnh minh họa: H.L).
Các bài tập này cũng tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Một nghiên cứu cho thấy chỉ cần 30 phút tập thể dục với cường độ vừa phải 3 lần một tuần sẽ giúp giảm lo lắng và trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không cần thiết phải tập thể dục trong 30 phút liên tục để đạt được những lợi ích này. Đi bộ mỗi lần 10 phút, ba lần một ngày cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Đi bộ có tốt hơn chạy không?
Đi bộ có thể mang lại nhiều lợi ích tương tự như chạy bộ. Nhưng chạy đốt cháy lượng calo gần gấp đôi so với đi bộ.
Ví dụ, đối với một người nặng 70kg, chạy với tốc độ 8km một giờ sẽ đốt cháy 606 calo. Đi bộ nhanh trong cùng khoảng thời gian với tốc độ 5km một giờ chỉ đốt cháy 314 calo.
Bạn cần đốt cháy khoảng 3.500 calo để giảm được 0,5kg. Nếu mục tiêu của bạn là giảm cân thì chạy bộ là lựa chọn tốt hơn so với đi bộ.
Nếu bạn mới tập thể dục hoặc không thể chạy, đi bộ vẫn có thể giúp bạn lấy lại vóc dáng.
Đi bộ so với chạy bộ để giảm cân
Đi bộ nhanh là đi bộ với tốc độ nhanh, thường là khoảng 5km một giờ hoặc cao hơn. Nhịp tim của bạn tăng cao khi đi bộ tốc độ nhanh. Bạn có thể đốt cháy nhiều calo theo cách này hơn là đi bộ với tốc độ thông thường.
Đi bộ nhanh đốt cháy lượng calo tương tự như chạy bộ.
Để tập luyện hiệu quả, hãy thử luyện tập tốc độ. Tăng tốc độ của bạn trong hai phút mỗi lần, sau đó giảm tốc độ lại. Đi bộ nhanh không đốt cháy nhiều calo như chạy, nhưng nó có thể là một bài tập hiệu quả để nâng cao nhịp tim.
Ngoài ra, đi bộ lên dốc cũng có thể đốt cháy một lượng calo tương tự như khi chạy. Nếu bạn chưa quen với việc đi bộ trên dốc, bạn có thể bắt đầu dần dần và tăng dần độ nghiêng lên tới 15%.
Theo MSN, đi bộ hằng ngày giúp tăng cường sự trao đổi chất bằng cách đốt cháy thêm calo và ngăn ngừa sự mất cơ, điều thường xảy ra khi cơ thể già đi. Chỉ bằng cách đi bộ từ nơi làm về nhà, với quãng đường dưới 1,6km cũng có thể giúp bạn giảm 2% mỡ cơ thể sau một tháng.
Để có hiệu quả bạn nên dành khoảng 3 phút đầu làm nóng cơ thể, sau đó là 25 phút đi bộ, trong đó xen kẽ khoảng 1 phút đi bộ ở tốc độ nhanh nhất có thể, 1 phút đi bộ nhanh (tốc độ ở mức 6 trên thang điểm từ 1 đến 10) và cuối cùng là 2 phút để cơ thể trở về bình thường.
Lợi ích so với rủi ro
Chạy bộ là một cách tuyệt vời để lấy lại vóc dáng và giảm cân. Nhưng đó là một bài tập thuộc dòng cardio mạnh. Các bài tập này có thể gây khó khăn cho cơ thể bạn hơn các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ.
Theo thời gian, việc chạy bộ có thể dẫn đến những chấn thương do vận động quá mức thường gặp như gãy xương do mỏi, đau xương cẳng chân…
Trên thực tế, người chạy bộ có nguy cơ gặp chấn thương liên quan đến tập luyện cao hơn nhiều so với người đi bộ. Người đi bộ có nguy cơ chấn thương khoảng 1 đến 5%, trong khi người chạy bộ có nguy cơ bị thương là 20 đến 70%.
Nếu bạn là người chạy bộ, để không bị chấn thương bạn cần nhớ không tăng số quãng đường chạy bộ quá nhanh và hãy cố gắng tập luyện một số bài bổ trợ vài lần một tuần. Hoặc thay vào đó hãy thử đi bộ. Đi bộ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như chạy bộ mà không có nguy cơ chấn thương tương tự.
Hà An
https://dantri.com.vn/suc-khoe/di-bo-hay-chay-tot-cho-suc-khoe-hon-20230830104821879.htm