Nhồi máu cơ tim khi chạy bộ, leo núi: Nhịp tim khi tập thế nào cho an toàn?

Thứ 2, 25.12.2023 | 15:31:32
627 lượt xem

Nhiều người yêu thích chạy bộ, leo núi... và đã có trường hợp xảy ra tai biến khi đang tập luyện. Vậy những trường hợp nào không nên tập luyện? Nhận biết dấu hiệu cảnh báo tim đến ngưỡng như thế nào?

TS.BS Đoàn Đức Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, câu hỏi này là sự quan tâm chung của rất nhiều người, vì mọi người ngày càng có ý thức hơn trong tập luyện thể dục thể thao, duy trì sức khỏe.

"Tôi không khuyên không tập thể dục. Ai cũng nên tập thể dục nhưng tập luyện cần điều độ, dựa vào khả năng gắng sức của bản thân. Mỗi người có một giới hạn gắng sức khác nhau, phụ thuộc vào giới, tuổi tác, tình trạng bệnh", TS Dũng thông tin.

Nhồi máu cơ tim khi chạy bộ, leo núi: Nhịp tim khi tập thế nào cho an toàn? - 1

Nhiều người lựa chọn sử dụng đồng hồ thể thao để theo dõi nhịp tim khi tập luyện (Ảnh minh họa: Hồng Hải).

Theo chuyên gia này, về mặt y khoa, với một cá nhân khi đến gặp bác sĩ để được tư vấn về luyện tập, các bác sĩ sẽ tiến hành nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức tối đa của người này là bao nhiêu, trung bình bao nhiêu. Từ đó đo lường khả năng gắng sức của từng người, đưa lời khuyên phù hợp về luyện tập cho từng người.

"Đó là lý do có người đủ sức khỏe để chạy marathon, có người tham gia trận bóng 90 phút được, nhưng có người chỉ nên đi bộ, bơi nhẹ, tập thái cực quyền", TS Dũng cho biết.

Liên quan bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, có bệnh lý tim mạch, hoặc đã can thiệp vẫn còn nhánh động mạch vành đang kiểm soát bằng thuốc, mức độ gắng sức chỉ nên vừa phải.

Cùng quan điểm này, ThS.BS Dương Thu Anh, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết, thể dục thể thao, từ đạp xe, chạy bộ, leo núi... ngày càng phổ biến. Trên thực tế, có những trường hợp đột tử trên đường chạy.

"Vì thế, nếu chúng ta quyết định tham gia môn thể thao nào đó, nếu có điều kiện nên khám sức khỏe trước, bởi có những bệnh lý nền không nhìn bằng mắt được. Qua siêu âm tim, điện tâm đồ... có thể phát hiện được nguy cơ để xử lý trước, nếu không phát hiện khi gắng sức có thể gây đột tử", BS Thu Anh khuyến cáo.

Bởi xảy ra đột tử khi tập luyện, thường do rối loạn nhịp tim khi gắng sức quá độ. Mỗi người khi quyết định tham gia thể thao chuyên nghiệp, nên đi khám. Ngoài xét nghiệm thông thường, làm điện tâm đồ, siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức, bác sĩ biết được khả năng gắng sức của bệnh nhân đến đâu, trong quá trình gắng sức huyết áp bệnh nhân tăng lên đến mức nào…

Vậy những người đã nhồi máu cơ tim, đặt stent.. có nên tập thể dục được không? Bất kể mức độ bệnh lý mạch vành nào đều cần phải vận động. Nhưng quan trọng ngưỡng vận động như thế nào là an toàn.

Với bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim điều trị tại Bệnh viện Vinmec, sau 3 ngày can thiệp thường được làm nghiệm pháp gắng sức xác định khả năng gắng sức người bệnh, từ đó bác sĩ đưa ra lời khuyên vận động phù hợp nhất.

Với những người bình thường, tập luyện bình thường, không có điều kiện làm nghiệm pháp gắng sức, có thể tính toán nhịp tim khi nghỉ cộng thêm không quá 30 nhịp tim khi gắng sức.

Ví dụ, khi nghỉ ngơi nhịp tim là 70, khi gắng sức, nhịp tim không tăng quá 100 chu kỳ 1 phút. 

"Với người dân, thường tập môn thể thao không nhất thiết ai cũng phải đi khám tim mạch nhưng cần lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp, duy trì nhịp tim an toàn khi gắng sức", TS Dũng khuyến cáo.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhoi-mau-co-tim-khi-chay-bo-leo-nui-nhip-tim-khi-tap-the-nao-cho-an-toan-20231225111750026.htm

  • Từ khóa