Nhiều người hút thuốc lá điếu nhỏ để "đỡ độc hơn": Bác sĩ tiết lộ sự thật

Thứ 2, 01.04.2024 | 14:29:06
1,313 lượt xem

Bác sĩ cho biết, hiện nay nhiều người có suy nghĩ hút thuốc lá kích thước nhỏ, lượng nicotin ít sẽ đỡ độc và khỏe hơn điếu lớn. Nhưng sự thật có phải vậy?

Tại chương trình sinh hoạt câu lạc bộ bệnh hô hấp, vừa diễn ra tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM), hàng chục bệnh nhân đã được các bác sĩ chia sẻ các kiến thức về "thuốc lá - kẻ giết người thầm lặng", cũng như nghe những suy nghĩ sai lầm mà nhiều người mắc phải liên quan đến thói quen hút thuốc lá.

Nhiều người hút thuốc lá điếu nhỏ để đỡ độc hơn: Bác sĩ tiết lộ sự thật - 1

Bệnh nhân tham dự sinh hoạt về các vấn đề xoay quanh việc hút thuốc lá (Ảnh: Hoàng Lê).

Tác nhân gây ra hàng loạt căn bệnh ung thư

Bác sĩ chuyên khoa 2 Quách Minh Phong, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, nghiện thuốc lá là bệnh tâm thần - thể chất, do tương tác giữa nicotin và cơ thể. Các tác động từ nicotin gây ra trên "trung tâm thưởng phạt" ở não bộ là cơ chế gây nghiện chính của việc hút thuốc lá. Khi đã rơi vào trạng thái nghiện, bệnh nhân sẽ có cảm giác thôi thúc dữ dội, buộc phải hút thuốc lá.

Chỉ trong vòng 10 giây sau khi hút vào, nicotin sẽ tác động đến não. Trong khói thuốc lá cũng chứa Carbon monoxide (CO), làm giảm lượng oxy đến các mô của cơ thể. Đáng chú ý, 90% các chất độc trong thuốc lá khi sử dụng sẽ hấp thu vào phổi. Ngoài ra, những cơ quan khác như miệng, mũi, thực quản, dạ dày… cũng bị ảnh hưởng.

Về tác hại, khói thuốc lá là tác nhân gây ra hàng loạt căn bệnh ung thư, như: ung thư phổi, vùng đầu mặt cổ (lưỡi, tuyến nước bọt, họng), tuyến tụy, thận, bàng quang, bộ phận sinh dục, hậu môn…

Bác sĩ Phong dẫn chứng một trường hợp nam bệnh nhân nghiện thuốc lá và có thói quen ngậm thuốc ở môi khi hút. Đến khi có triệu chứng bất thường, bệnh nhân đi khám thì bị phát hiện đã mắc căn bệnh ung thư vùng xoang họng, gây hủy hoại lưỡi, phải phẫu thuật khẩn cắt bỏ khối u.

Nhiều người hút thuốc lá điếu nhỏ để đỡ độc hơn: Bác sĩ tiết lộ sự thật - 2

Hút thuốc lá gây nhiều tác hại về sức khỏe (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Bên cạnh đó, bệnh nhân lâm vào tình trạng ho, khạc đàm, khò khè, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát thường xuyên và tổn thương phế quản không hồi phục, gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản. Người đàn ông phải trải qua quá trình điều trị kéo dài, đau đớn.

Nghiên cứu của Viện Tim mạch, Phổi và Huyết học Hoa Kỳ (NHLBI) trong 10 năm trên 1.400 bệnh nhân 15-34 tuổi nghiện hút thuốc lá đã tử vong (mổ thi thể) cho thấy, các bệnh nhân có tổn thương các mạch máu sớm, trước khi biểu hiện bệnh tim, đột quỵ và những bệnh mạch máu khác.

Ngoài ra, thuốc lá cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, làm tổn thương DNA của tinh trùng, gây nguy cơ khuyết tật thai nhi…

Hút thuốc lá điếu nhỏ có đỡ độc?

Cũng theo bác sĩ Phong, qua thực tế điều trị, ông phát hiện có nhiều bệnh nhân đã lệ thuộc vào thuốc lá nhưng không biết mình nghiện.

"Có người nói tôi hứa với bác sĩ bản thân không ghiền thuốc. Tôi hỏi vậy bình thường ông hút thuốc khi nào, thì ông ấy nói chỉ hút sau khi ăn cơm và đi uống cà phê. Vậy không phải nghiện thì là gì?

Tôi hướng dẫn ông ấy "cai thuốc lá ám thị", bằng việc yêu cầu bệnh nhân ở nhà tối thiểu trong 12 tuần (mốc thời gian nồng độ nicotin trong máu có thể đào thải hết qua đường nước tiểu theo nghiên cứu), muốn uống cà phê cũng chỉ ở nhà để vợ pha, để tránh việc hút thuốc lá một mình hoặc hút với bạn bè bên ngoài.

Sau mốc thời gian này, chúng tôi kiểm tra lại các xét nghiệm, để biết bệnh nhân đã thực sự cai thuốc hay chưa", bác sĩ Phong nói.

Nhiều người hút thuốc lá điếu nhỏ để đỡ độc hơn: Bác sĩ tiết lộ sự thật - 3

Nhiều người có thói quen hút thuốc lá khi đi uống cà phê, nhậu nhẹt (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Một quan niệm sai lầm khác mà nhiều người mắc phải hiện nay, đó là suy nghĩ hút các loại thuốc lá kích thước nhỏ, lượng nicotin ít sẽ đỡ độc và khỏe hơn điếu lớn.

Bác sĩ Phong khẳng định, khi đã nghiện nicotin, người hút thuốc lá điếu nhỏ sẽ phải hít sâu hơn, rít thuốc mạnh và nhiều lần hơn, hút nhiều điếu để đáp ứng đủ lượng nicotine cần có. Thói quen này càng khiến khói thuốc lá và các hóa chất độc hại dễ vào phổi nhiều hơn.

"Bệnh nhân giàu cỡ nào, có "của núi" chăng nữa mà bị ung thư phổi vào bệnh viện cũng hết, vì điều trị rất tốn kém. Hết tiền là hết thở, hết đời. Do đó, chúng ta hãy nói không với hút thuốc lá", bác sĩ khuyến cáo.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhieu-nguoi-hut-thuoc-la-dieu-nho-de-do-doc-hon-bac-si-tiet-lo-su-that-20240331175026866.htm

  • Từ khóa