Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là bất khả xâm phạm

Thứ 7, 24.04.2021 | 15:30:14
1,463 lượt xem

Các tài liệu trong nước cũng như nước ngoài đều chứng minh chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được bắt đầu từ thời các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn, triều Nguyễn và xuyên suốt cho tới nay

Ngày 23-4, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo khoa học "Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam". Đây là hội thảo quốc gia nhằm thể hiện tiếng nói khách quan của giới sử học, luật học ở Huế, Đà Nẵng, TP HCM về một vấn đề được nhân dân và quốc tế quan tâm.

Xuất hiện trong lịch sử Việt Nam lâu đời

Trong đề dẫn hội thảo, PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ lâu đời, đến thời các chúa Nguyễn, vương triều Tây Sơn và vương triều Nguyễn, 2 quần đảo này hoàn toàn thuộc chủ quyền của nhà nước quân chủ Việt Nam.

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là bất khả xâm phạm - Ảnh 1.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi .Ảnh: TỬ TRỰC

Tìm hiểu về quá trình xác lập chủ quyền của nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trung tá - tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho rằng đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo này là vào năm 1816 khi vua Gia Long đưa quân ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. "Từ thời điểm này không còn giao phó hoàn toàn việc kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa cho Đội Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa trở thành tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn" - trung tá Nguyễn Thanh Minh khẳng định.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, đã đưa ra minh chứng thuyết phục về tính liên tục chủ quyền dưới thời Tây Sơn. Một trong những ấn phẩm nước ngoài ra đời dưới triều vua Quang Trung có đề cập diện mạo, phạm vi và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là bộ từ điển của John Malham, xuất bản tại London (Anh) năm 1790, sau đó tái bản bằng tiếng Pháp năm 1803 ở Paris - Pháp. Ấn phẩm này ngoài việc công nhận quần đảo Hoàng Sa nằm trong lãnh thổ địa lý của xứ Đàng Trong còn mô tả đặc điểm địa lý, cảnh quan, tính chất nguy hiểm về hàng hải và vị trí tọa độ, phạm vi phân bố trên biển của quần đảo này.

Trong tham luận "Chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Hoàng Sa dưới triều Nguyễn", PGS-TS Đỗ Bang nhận xét: "Qua các minh chứng sử liệu chính thống của triều đình Huế có giá trị pháp lý quốc gia và quốc tế như châu bản, mộc bản, quốc đồ, quốc sử được quốc tế thừa nhận, Việt Nam là nước duy nhất xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sử liệu cũng không ghi lại bất cứ cuộc tranh chấp nào với các nước trong khu vực. Hoàng Sa và Trường Sa đã được triều Nguyễn xác lập chủ quyền một cách vững chắc, bất khả xâm phạm trong suốt thế kỷ XIX".

Chủ quyền đích thực, trọn vẹn

Trong tham luận "Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) - thành tựu tổng hợp, dấu ấn nổi bật của lịch sử chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa", GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, khẳng định hoạt động thực thi chủ quyền ở 2 quần đảo này được nâng lên cao nhất của thời quân chủ là dưới triều vua Minh Mạng. Cụ thể, lực lượng mà vị hoàng đế này đưa ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa - Trường Sa, bên cạnh các đội thủy quân còn có vệ giám thành, biền binh, binh đinh và dân phu các tỉnh duyên hải miền Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cho thấy Philippe Vandermaelen (1793-1869) - nhà địa lý học kiệt xuất người Bỉ, chuyên gia bản đồ lớn nhất thế kỷ XIX - năm 1827 (năm Minh Mạng thứ 8) cho xuất bản bộ "Atlas Thế giới" gồm 6 tập về các châu lục. Trong đó, "Partie de la Cochinchine" có thể được xem là tấm bản đồ đầu tiên tính đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác về kinh độ, vĩ độ, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

"Nghiên cứu các bộ "Atlas Thế giới", "An Nam đại quốc họa đồ" và "Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838)" có thể nhận ra nhiều nét tương đồng, qua đó phản ánh thực tế chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Cơ sở của sự thống nhất giữa 3 tập bản đồ này chính là chúng đều phản ánh khách quan, trung thực, chuẩn xác chủ quyền đầy đủ, đích thực và trọn vẹn của An Nam Đại quốc, của đế chế An Nam hay của nước Đại Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa" - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc đúc kết.

Công bố chiếm hữu được thế giới biết đến

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết ông đã thu thập được 10 đầu tài liệu của 7 quốc gia trên thế giới liên quan đến sự kiện năm 1816 vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa về mặt nhà nước.

Theo tài liệu của Hội Địa lý Hoàng gia Anh ghi chép năm 1850 mà nhà nghiên cứu này thu thập được, có nội dung: Chúng ta sẽ không đề cập đến Paracels (Hoàng Sa - Cát Vàng) nằm cách bờ biển An Nam từ 15-20 dặm biển và trải dài 15-17 độ vĩ Bắc, 111-113 kinh độ Đông, nếu vua Gia Long không tuyên bố đây là tài sản của mình năm 1816 và nhiều đảo nhỏ đá ngầm rất nguy hiểm cho hàng hải... Từ thời xa xưa, số lượng lớn tàu thuyền từ Quảng Nam đã hiện diện hằng năm ở đó... Chính phủ An Nam nhận thấy được những lợi ích mà họ có thể gặt hái được nếu tăng phí neo đậu, giữ doanh thu thuế thuyền bè, đóng lực lượng đồn trú nhỏ tại chỗ...


Quang Nhật/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/chu-quyen-hoang-sa-truong-sa-cua-viet-nam-la-bat-kha-xam-pham-2021042321554599.htm

  • Từ khóa