Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau về chất độc da cam vẫn còn dai dẳng trong nhiều gia đình. Thấu hiểu nỗi đau đó, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) huyện Chi Lăng luôn quan tâm và thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các nạn nhân, giúp họ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Nhã (sinh năm 1953), thôn Lạng Nắc, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng – tham gia chiến trường Tây Nguyên, bị ảnh hưởng chất độc da cam. Bà có con trai là Hoàng Văn Côi (sinh năm 1992) cũng bị di chứng chất độc da cam, chân tay teo tóp chỉ nằm một chỗ và không nói được. Chồng bà mất sớm, để lại 2 mẹ con bà sống trong hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp hằng tháng. Trước hoàn cảnh đó, năm 2018, Hội NNCĐDC huyện Chi Lăng đã hỗ trợ gia đình bà Nhã 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở có diện tích 50 m2. Ngoài ra, bà còn được Hội NNCĐDC huyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện kết nối với nhà hảo tâm gắn địa chỉ nhân đạo, hỗ trợ thường xuyên từ 3 năm nay.
Lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại khu Ga Nam, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng
Đây chỉ là một trong 66 trường hợp NNCĐDC trên địa bàn huyện Chi Lăng được Hội NNCĐDC huyện vận động nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ, chăm sóc thường xuyên. Bà Nhã là 1 trong số 20 NNCĐDC trên địa bàn huyện được Hội NNCĐDC hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà mới từ năm 2013 cho đến nay.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: để góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NNCĐDC, Hội NNCĐDC huyện Chi Lăng luôn xác định công tác vận động nguồn lực trong xã hội là phương án hiệu quả nhất để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đơn cử như trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, hội đã tích cực vận động, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ “Hỗ trợ NNCĐDC huyện Chi Lăng”. Theo đó, hội đã tiếp nhận được hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ xây mới 1 ngôi nhà và sửa chữa 2 nhà ở cho NNCĐDC với tổng trị giá 100 triệu đồng. Mỗi năm, vào các dịp lễ, tết, hội trích nguồn quỹ bình quân trên 30 triệu đồng/năm để thăm, tặng quà cho toàn bộ NNCĐDC. Đồng thời, hội đã lựa chọn NNCĐDC đủ điều kiện sức khỏe đi điều dưỡng, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng tại Hà Nội. Cho đến nay, 30/36 NNCĐDC trực tiếp đã được đi xông hơi, giải độc.
Ông Phạm Hữu Lương, Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Chi Lăng, cho biết: Để công tác chăm lo, giúp đỡ các đối tượng NNCĐDC được sát thực, phù hợp, hội luôn chủ động tham mưu cho Tỉnh hội và phối hợp với các ngành chức năng giám định y khoa cho các đối tượng nghi phơi nhiễm CĐDC. Qua đó, sẽ có thêm các NNCĐDC được hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và có thêm điều kiện chăm lo ổn định cuộc sống.
Song song với việc hỗ trợ về vật chất và tinh thần, các cấp hội NNCĐDC trên địa bàn huyện còn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân, kêu gọi sự chung tay, góp sức cải thiện đời sống NNCĐDC. Riêng 7 tháng đầu năm 2021, hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể được trên 10 đợt cho trên 500 lượt người tham gia.
Những việc làm trên đây của các cấp hội NNCĐDC huyện Chi Lăng càng khẳng định rõ ý nghĩa của thông điệp “Khi hạnh phúc là được sẻ chia, hạnh phúc sẽ được nhân lên – Khi nỗi đau được sẻ chia, nỗi đau sẽ vơi dần đi”. Tiếp theo, các cấp hội ở huyện sẽ không ngừng thực hiện tốt thông điệp này để chung tay, góp sức xoa dịu nỗi đau da cam để luôn là điểm tựa, giúp NNCĐDC vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
ĐĂNG THÙY/baolagson.vn