Sự cần thiết của việc bảo vệ tài nguyên đất và rừng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Lạng Sơn

Thứ 3, 14.12.2021 | 08:33:15
696 lượt xem

LSTV - Với đặc trưng là một tỉnh miền nùi phía Bắc nên diện tích của Lạng Sơn chủ yếu là đồi núi với địa hình Karst đặc trưng. Đất Lạng Sơn có nguồn gốc phát sinh trên các nền đá mẹ gồm: đá sa thạch, đá vôi, phiến thạch sét, cuội kết và dăm kết. Đất đồi núi hình thành do phong hóa đã mẹ tại chỗ, từ các loại đá khác nhau cho sản phẩm phong hóa khác nhau; ngoài ra còn có đất phù sa sông suối, đất lúa nước vùng đồi núi hình thành do tác động của con người qua nhiều năm (đất nhân tác). Đất Lạng Sơn được chia thành 8 nhóm đất chính với 15 đơn vị đất. [1], cụ thể là: 

+ Nhóm đất phù sa (Fluvisols) có 3 đơn vị đất với tổng diện tích là 8743,35 ha, chiếm 1,14% diện tích điều tra. Đây là những dải đất hẹp nằm ven các dòng sông, suối của tỉnh. Đất có độ phì tương đối khá, có tiềm năng cho phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm (lúa, ngô, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Nhóm đất Gley (Gleysols) có diện tích 444,86 ha, chiếm 0,06% diện tích điều tra. Đây là loại đất trũng, lầy thụt dưới chân núi, loại đất này có 2 đơn vị đất là đất gley trung tính ít chua và đất gley chua.

+ Nhóm đất xám (Acrisols): Là loại đất chủ yếu của tỉnh Lạng Sơn, có quy mô diện tích 615.754,24 ha chiếm trên 80% diện tích điều tra. Đất xám có 3 đơn vị đất là đất xám điển hình, đất xám úng nước mặt và đất xám feralic. Nhóm đất này thích hợp cho việc trồng cây lâu năm và trồng rừng. 

+ Nhóm đất đỏ (Ferralsols) có 1 đơn vị đất với diện tích 34.558,80 ha, chiếm 4,52% diện tích điều tra.

+ Nhóm đất đen (Luvisols)có 2 đơn vị đất với tổng diện tích 54.974,60 ha, chiếm 7,19% diện tích điều tra.

+ Nhóm đất nhân tác (Althrosols) có 2 đơn vị đất: dưới tác động của con người trong các hoạt động sản xuất từ nhiều năm nay đã tạo thành đơn vị đất nhân tác trung tính ít chua và đất nhân tác chua. Tổng diện tích của nhóm đất này là 44.439,71 ha, chiếm 5,81% diện tích điều tra.

+ Nhóm đất xám vàng mùn trên núi (Humic Acrisols) có 1 đơn vị đất, diện tích 2.661,07 ha, chiếm 0,35% diện tích điều tra.

+ Nhóm đất tầng mỏng (Leptosols), có 1 đơn vị đất là đất xói mòn trơ sỏi đá, diện tích 3.071,89 ha, chiếm 0,40% diện tích điều tra.

Nhiệt độ tăng và tính biến động của nhiệt độ lớn hơn, kể cả các nhiệt độ cực đại và cực tiểu, cùng với biến đổi của các yếu tố thời tiết khác và thiên tai làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ rủi ro đối với lâm nghiệp. Có nhiều loài sâu, bệnh hại rừng như: Bệnh khô xám thông, bệnh rơm lá thông, bệnh khô ngọn thông, bệnh thối cổ rễ thông, bệnh vàng lá sa mộc… đã uy hiếp nghiêm trọng hàng ngàn ha rừng và ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Lạng Sơn. 

Cán bộ kỹ thuật phổ biến cho bà con cách trồng và chăm sóc rừng

Biến đổi khí hậu có khả năng dẫn đến thảm thực vật rừng và hệ sinh thái rừng thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Nhiệt độ là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cháy rừng như làm khô, nỏ vật liệu cháy, làm độ ẩm không khí giảm và bề mặt đất nóng lên. Với ngưỡng nhiệt độ lớn hơn 38 °C sẽ gây nguy cơ cháy rừng. 

Mặc dù phụ thuộc vào một số yếu tố nhưng nhiệt độ đóng vai trò quan trọng nhất, khi nhiệt độ không khí đạt trên >38 oC thì khả năng cháy rừng xảy ra rất cao. Do đó, nhiệm vụ này xác định số ngày có nguy cơ cháy rừng thông qua số ngày có nhiệt độ đạt trên 38 oC.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có số ngày có nguy cơ cháy rừng trong năm có xu thế tăng lên trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở. Trong thời kỳ cơ sở, khu vực trạm Hữu Lũng và trạm Thất Khê có nhiều ngày có nguy cơ cháy rừng trong năm nhất, đây cũng là các khu vực có mức độ gia tăng số ngày có nguy cơ cháy rừng trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở nhiều nhất; khu vực các trạm Lạng Sơn và Đình Lập có ít ngày có nguy cơ cháy rừng trong năm hơn so với khu vực trạm Hữu Lũng và Thất Khê. Khu vực Bắc Sơn có số ngày có nguy cơ cháy rừng trong năm ít nhất so với các khu vực khác.

Từ đó có thể thấy, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong tương lai là rất cao, đặc biệt là khu vực trạm Hữu Lũng và Thất Khê. [2] 

Việc bảo vệ tài nguyên rừng là vô cùng cần thiết. Có thể liệt kê một số những biện pháp nhằm bảo vệ rừng trước những tác động của biến đổi khí hậu bao gồm: Tăng cường trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; Quản lý, bảo vệ các loại rừng; Bảo vệ tài nguyên rừng; Nâng cao hiệu suất sử dụng gỗ và hạn chế nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ; Bảo vệ giống cây trồng quý hiếm, lựa chọn và nhân giống cây trồng thích hợp với từng địa phương.

Trước sự cấp thiết của việc bảo vệ tài nguyên rừng địa phương, ngày 9/12 vừa quan, UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định phê duyệt đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025”

Mục tiêu của đề án là thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác; góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Theo đó, Công viên địa chất Lạng Sơn dự kiến xây dựng trên phạm vi hành chính của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng và Hữu Lũng, với tổng diện tích 3.845,8 km2, dân số 375.656 người, tương ứng chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. Phía bắc tiếp giáp với huyện Văn Lãng, Tràng Định. Phía nam tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang. Phía đông tiếp giáp với thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình. Phía tây tiếp giáp với tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Thời gian thực hiện đề án từ năm 2021 đến năm 2025.

[1]. Báo cáo tổng hợp Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Lạng Sơn.

[2].Báo cáo tổng hợp Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Lạng Sơn)

Nguồn tổng hợp: Nhiệm vụ Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Từ khóa