Ngày 31/12 là hạn chót lắp camera giám sát với ô tô từ 9 chỗ trở lên. Hiện tỷ lệ xe lắp đặt camera trên cả nước chưa cao, chỉ có 3 tỉnh bất ngờ "cán đích" là Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang.
Hàng vạn xe trong diện phải lắp camera giám sát
Tính đến thời điểm 14/12, có 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đã lắp đặt camera giám sát trên tổng số xe hoạt động đạt trên 70%.
Cụ thể: Bạc Liêu (đạt 100%), Kiên Giang (đạt 100%), Hậu Giang (đạt 100%), Nam Định (gần 97%), Ninh Thuận (gần 94%), Hà Tĩnh (hơn 91%), Lai Châu (gần 90%), Nghệ An (hơn 88%), An Giang (hơn 84%), Trà Vinh (gần 80%), Cao Bằng (hơn 76%), Lâm Đồng (gần 75%), Đắk Lắk (gần 75%), Hưng Yên (hơn 72%), Khánh Hòa (hơn 71%).
Như vậy, trong số các tỉnh có tỷ lệ xe lắp camera cao, đã có 3 tỉnh cán đích lắp camera giám sát trên xe hoạt động thuộc diện phải lắp theo quy định là Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang.
Đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Hậu Giang cho hay, để "cán đích" sớm, Sở đã có nhiều văn bản đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải xong trước ngày 31/12. Quá thời hạn trên nếu đơn vị nào không thực hiện, các phương tiện đó không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải, Sở GTVT xem xét việc thu hồi phù hiệu đối với phương tiện xe vi phạm.
"Các bến xe khách thực hiện kiểm tra các phương tiện ra, vào bến; kiểm tra chặt chẽ việc lắp camera giám sát theo lộ trình quy định đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera giám sát. Đến thời hạn hết ngày 31/12, đối với các phương tiện không thực hiện lắp camera giám sát trên xe theo quy định, yêu cầu bến xe không cho xuất bến và không xác nhận vào lệnh vận chuyển" - đại diện Sở GTVT tỉnh Hậu Giang nói.
Ô tô kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên bắt buộc phải lắp camera giám sát trong xe.
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - thông tin, mặc dù đã có nhiều văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình.
"Số phương tiện đang hoạt động của 58 địa phương là hơn 79.700 xe; trừ Vĩnh Phúc, TPHCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng chưa thống kê được. Tổng số phương tiện đã lắp camera của 58 địa phương hơn 35.800 xe, đạt tỷ lệ gần 45%. Đến nay, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera tuy đã có cải thiện khá nhiều so với tháng 10 nhưng đạt tỷ lệ chưa cao" - bà Hiền cho hay.
Để đảm bảo tiến độ lắp đặt camera đúng theo quy định tại Nghị định số10 và Nghị quyết số 66/2021của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp đặt camera trên phương tiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thiếu camera xử lý thế nào?
Lý giải về việc chậm trễ lắp đặt camera, đại diện một số Sở GTVT cho biết, doanh nghiệp vận tải đưa ra lý do, thời gian qua, xe ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có nguồn thu, giờ lại thêm chi phí cho việc lắp camera giám sát sẽ khiến gặp thêm nhiều khó khăn.
Hoạt động vận tải khách đã hoạt động trở lại gần 3 tháng nay, nhiều tỉnh thành phố cho phép hoạt động 50% công suất của doanh nghiệp vận tải. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt chỉ nên quy định cho phép phương tiện hoạt động trên đường mới phải lắp camera giám sát.
Liên quan tới tiến độ lắp camera giám sát với xe kinh doanh vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu rõ quan điểm của Bộ GTVT là thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Trong đó, có quy định về ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông.
Bộ GTVT yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt camera giám sát (Ảnh: Nguyễn Dương).
Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện tối đa trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đây, việc lắp camera giám sát trên xe của các doanh nghiệp là tự phát, mỗi doanh nghiệp lắp một kiểu, không có tiêu chuẩn đồng nhất. Vì vậy, khi có quy định pháp luật về vấn đề này thì buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại để có lộ trình thực hiện.
"Đơn cử như doanh nghiệp đang có 100 đầu xe kinh doanh vận tải nhưng do gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên lắp đặt 50% số lượng xe hoặc nhiều hơn tùy vào tình hình. Khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục lắp đặt số phương tiện còn lại. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính sau ngày 31/12/2021 đối với những xe lưu thông kinh doanh vận tải trên đường" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, đối với doanh nghiệp có hàng trăm xe nên việc bỏ ra chi phí để lắp camera sẽ rất khó khăn, nên xem xét cụ thể giải quyết khó khăn để doanh nghiệp trụ lại được thị trường. Vì vậy, nên cho phép lùi thời hạn lắp camera đến hết năm 2022 đối với phương tiện không hoạt động, còn phương hoạt động vẫn lắp bình thường.
Ghi nhận từ một số đơn vị cung cấp thiết bị cho thấy, đầu tháng 12 tình hình lắp chưa đột biến, nhưng gần đây bắt đầu "nóng" lên. Trên thị trường cả dòng camera hợp chuẩn và không hợp chuẩn, tuy nhiên đa số khách hàng chọn loại hợp quy chuẩn TCVN13396 đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng.
Châu Như Quỳnh/dantri.com.vn