Tục thờ thần Hổ: Nét văn hóa lâu đời của người dân Xứ Lạng

Thứ 3, 01.02.2022 | 15:44:46
928 lượt xem

Lạng Sơn – mảnh đất phên giậu của Tổ quốc là nơi quần cư của nhiều cộng đồng dân tộc với những nét văn hóa đa dạng, đặc sắc, trong đó, tín ngưỡng tâm linh đã góp phần làm nên “thương hiệu” của vùng đất này. Cùng với các loại hình di sản phi vật thể khác, tục thờ thần Hổ đã phần nào làm phong phú hơn nguồn tài nguyên di sản văn hóa Xứ Lạng.

Tại Lạng Sơn, tục thờ thần Hổ xuất hiện khá phổ biến, không được thờ cúng độc lập mà gắn bó mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu. Đến nay, chưa có tài liệu thành văn nào chứng minh chính xác thời điểm ra đời của tục thờ thần Hổ tại Lạng Sơn, nhưng qua thăng trầm lịch sử, nó gắn bó mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu và đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân nơi đây.

Tượng thần Hổ thờ tại Đền Cửa Tây (Ngũ Nhạc Linh từ), phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Tiến sỹ Đinh Đức Tiến, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho biết: Lạng Sơn là một trong những nơi có tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với tục thờ các vị thần rừng núi phát triển mạnh, trong đó có thần Hổ. Hổ đóng vai trò như biểu trưng cho sức mạnh có tính chất quyền uy trong Đạo Mẫu. Vì vậy, trong ngôi đền thờ Mẫu, ban thờ ông Hổ thường được đặt ngoài trời, một số trường hợp được đặt trong điện, dưới chân điện thờ Mẫu. Ở những vị trí này, ông Hổ đóng vai trò như vị thần hộ pháp, kiểm soát và bảo vệ sự trang nghiêm của tín ngưỡng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 100 di tích trực tiếp thờ Mẫu hoặc phối thờ (có ban thờ Mẫu), 100% các di tích này có ban thờ Hổ với các danh xưng như quan ngũ hổ, quan ngũ dinh, quan hạ ban… Tượng thần hổ thường được làm bằng đá, gỗ, gốm sứ… ở thế đứng hoặc nằm với dáng vẻ uy nghi, dũng mãnh của “chúa sơn lâm”. Các cơ sở tín ngưỡng này tập trung chủ yếu ở thành phố Lạng Sơn và các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng… Một số địa điểm thờ Mẫu có phối thờ thần Hổ tiêu biểu ở Lạng Sơn như: đền Kỳ Cùng, động Nhị Thanh – chùa Tam Giáo (thành phố Lạng Sơn), đền Công đồng Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng), đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc)…

Nhân viên di tích động Nhị Thanh – Chùa Tam Giáo giới thiệu bức phù điêu bạch hổ tạc trên vách đá

Những ngày cận Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, để hiểu rõ hơn về tục thờ thần Hổ trong đời sống người dân Xứ Lạng, chúng tôi tìm đến di tích Quốc gia động Nhị Thanh – Chùa Tam Giáo tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Tại đây, chúng tôi thấy có nhiều những tượng linh vật hổ được thờ cúng trang nghiêm, đặc biệt có bức phù điêu bạch hổ tạc trên vách đá, tương truyền do Ngô Thì Sỹ cho tạc vào năm 1779 được ghi chép rõ trong bia ma nhai “Bài ký động Nhị Thanh”. Ông Trần Đức Hân, thủ nhang di tích động Nhị Thanh – Chùa Tam Giáo cho biết: Thần Hổ với chúng tôi có ý nghĩa rất quan trọng và được nhân dân gọi bằng “ông”.  Hằng ngày, chúng tôi vẫn lên quét dọn, vệ sinh tại ban thờ thần Hổ. Cứ ngày rằm, mùng một, đặc biệt là cuối năm, chúng tôi lại làm lễ cúng, đồ cúng cho thần Hổ thường là cỗ mặn, phải có thịt lợn sống và trứng sống với mong muốn thần che chở, bảo vệ cho Nhân dân được mạnh khỏe, bình an.

Bên cạnh tục thờ hổ tại các điện thần thờ Mẫu, hổ còn được đồng bào dân tộc Tày, Nùng tôn thờ như một vị phúc thần, che chở phù hộ cho bản làng no ấm. Cụ thể, tại một số gia đình trên ban thờ tổ tiên, người dân thờ hổ với danh xưng “Hắc Hổ Huyền Đàn”. Theo quan niệm của đồng bào, vị thần này có thể giúp họ trừ tà ma, yêu quái quấy nhiễu. Lễ vật dâng cúng thường là bánh khảo, khẩu sli, đặc biệt là thịt dê, lễ cúng thường diễn ra ban đêm. Ngoài ra, hổ còn xuất hiện rõ nét trong tín ngưỡng then của người Tày, Nùng, với trường đoạn “Khẩu tu Hổ Lang”. Đây là vị tướng giúp Then trên các hành trình chinh phục khó khăn, thử thách, Hổ Lang trong then được miêu tả có đến 30 vị.

Nhân viên di tích động Nhị Thanh – Chùa Tam Giáo thắp hương tại ban thờ thần Hổ tại Chùa Tam Giáo

Nói về chi tiết thú vị này, ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Khi chuẩn bị xuống ngục, then (người làm then) thỉnh Hổ Lang đến để giúp đỡ trừ các ác quỷ cản đường, dọn đường rộng lớn cho then đi. Một số dòng then như: Then Văn vùng Cao Lộc, Văn Lãng… còn thỉnh tướng Hổ Lang xuống nhập đồng trong lễ lẩu then. Hổ Lang trong then thể hiện rõ nét tín ngưỡng đa thần trong quá trình gìn giữ tổ nghề cũng như bảo vệ thần chủ của mình.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, tục thờ thần Hổ đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Xứ Lạng. Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, cùng tìm hiểu một vài khía cạnh tốt đẹp trong phong tục thờ thần Hổ để ta thêm yêu, thêm trân quý các giá trị truyền thống.


HOÀNG HIẾU/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/474278-tuc-tho-than-ho-net-van-hoa-lau-doi-cua-nguoi-dan-xu-lang.html

  • Từ khóa