Độc đáo nghề nhuộm vải chàm của người Nùng ở Thiện Thuật

Thứ 5, 03.02.2022 | 10:28:18
2,569 lượt xem

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề nhuộm vải chàm của người Nùng tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây là nghề truyền thống, thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người dân nơi đây.

Với sự phát triển không ngừng của xã hội, đã có một khoảng thời gian, nghề nhuộm vải chàm của người Nùng huyện Bình Gia đứng trước nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, đến với xã Thiện Thuật, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân mặc trang phục vải chàm vào các dịp như: lễ, tết, cưới hỏi, ngày hội đại đoàn kết… Không sặc sỡ nhiều màu sắc như trang phục các dân tộc khác, trang phục của người Nùng nơi đây có màu sắc chủ đạo là màu chàm, màu lam sẫm đơn giản, ít thêu thùa trang trí nhưng vẫn thể hiện nét độc đáo, tinh tế, mang đậm bản sắc văn hóa của người Nùng. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết: hiện nay, trên địa bàn xã còn có khoảng 40 hộ lưu giữ nghề nhuộm vải chàm, tập trung ở các thôn như: Khuổi Lù, Khuổi Cưởm, Pác Là, Pác Luống, Pác Khuông… Đến thời điểm này, Thiện Thuật là xã có nhiều hộ lưu giữ nghề nhuộm vải chàm truyền thống nhất ở Bình Gia.

Người dân thôn Pác Khuông, xã Thiện Thuật phơi vải chàm

Một buổi chiều cuối năm 2021, có dịp đến thôn Pác Khuông, xã Thiện Thuật, chúng tôi được “mục sở thị” các công đoạn mà người dân làm nên một tấm vải chàm. Chúng tôi đến nhà bà Mông Thị Ngân, đúng lúc bà đang tất bật chuẩn bị nhuộm vải để chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết của thôn. Bà Ngân chia sẻ: Ngay từ nhỏ, tôi đã được các bà, các mẹ chỉ bảo cách nhuộm chàm. Đến năm 16, 17 tuổi, những cô gái như tôi hồi đó phải làm thuần thục các công đoạn nhuộm vải chàm thì mới được công nhận là một người trưởng thành. Cô gái nào cũng phải biết nhuộm vải chàm để làm quần áo cho mình mặc hằng ngày và làm nên những bộ quần áo đẹp mặc vào ngày lễ, tết, cưới hỏi… Màu sắc của tấm vải chàm chính là thước đo tay nghề của người phụ nữ.

Nhuộm chàm không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì và có sự hỗ trợ nhịp nhàng của nhiều người. Vì thế, để nhuộm, mọi người phải cùng nhau thực hiện, thường là các thành viên trong gia đình hoặc những người hàng xóm đứng quây quần bên nhau, vừa làm, vừa chuyện trò rôm rả. Người này phụ giúp người kia, phối hợp ăn ý thì mới tạo ra được thành phẩm ưng ý với sắc chàm đặc trưng. Bàn tay của người nhuộm chàm lâu năm đều chuyển sang sắc xanh đậm hoặc nhạt. Hình ảnh đó thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ dân tộc Nùng nơi đây.

Để nhuộm được một tấm vải chàm phải mất nhiều thời gian và công đoạn. Nguyên liệu chính để làm nên sắc chàm gồm 2 loại cây rừng, theo tiếng dân tộc gọi là cây lỏm, cây làm và nước vôi. Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, bà con lại gieo hạt các loại cây này, đến tháng 7 âm lịch bắt đầu thu hoạch.

Lá chàm lấy về được cho vào chum nước lã ngâm từ 1 đến 2 ngày rồi vắt lấy nước. Nước vắt được quấy lên cùng vôi đến khi sóng sánh màu xanh, chờ tinh bột lắng xuống thì gạn ra, phơi khô nhưng vẫn phải giữ được độ mềm, dẻo, công đoạn này mất 15 đến 20 ngày. Đến bước làm nước nhuộm thì lấy lá cây sau sau hơ lửa, vo với bột chàm rồi hòa vào chum nước chắt từ tro bếp. Chum nước này để từ 3 đến 5 ngày sẽ có màu xanh, mùi thơm của chàm.

Làm được nước chàm đã khó, để nhuộm nên một tấm vải chàm có màu sắc ưng ý càng khó hơn. Do đó, nhuộm chàm là một công đoạn khó. Theo bà Ngân, trước khi nhuộm, phải cho vải vào nước sôi luộc lên, phơi khô. Nhuộm chàm phải chọn ngày nắng, công đoạn ngâm, vắt, phơi cứ lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 ngày.

Với cách thức hoàn toàn thủ công này, người Nùng ở Thiện Thuật nhuộm ra những tấm vải có màu chàm tươi xanh, giữ nguyên màu cho tới khi rách. Hơn nữa, vải nhuộm chàm mặc rất mát và sạch sẽ, khi giặt không cần đến xà phòng, chỉ vò qua đã sạch. Bà con thường dùng vải nhuộm chàm để may quần áo, làm khăn đội, may túi khoác vai, may chăn đệm…

Bà Lâm Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống nhuộm vải chàm. Hiện nay, xã lựa chọn sản phẩm vải chàm tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và đang hoàn thiện hồ sơ nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống này.

Ngày nay, mặc dù trên thị trường có nhiều thuốc nhuộm bán sẵn thế nhưng nghề nhuộm chàm của người Nùng ở Thiện Thuật không hề bị mai một mà còn được lưu giữ và tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt. Dù ở bất cứ nơi đâu, nét đẹp văn hóa trong trang phục của người Nùng vẫn được họ gìn giữ và phát huy như một lời nhắc nhở con cháu trân quý từng hạt giống trời ban.


MAI LINH - KIM HUYÊN/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/474288-doc-dao-nghe-nhuom-vai-cham-cua-nguoi-nung-o-thien-thuat.html

  • Từ khóa