Khắc họa hình tượng Bác Hồ trên sân khấu nhạc kịch

Thứ 7, 07.05.2022 | 14:52:00
617 lượt xem

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), lần đầu tiên, Nhà hát Công an nhân dân đã xây dựng hình tượng Bác Hồ bằng ngôn ngữ nhạc kịch qua vở diễn "Người cầm lái". Ngay trong buổi đầu công diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát (27/4/1982-27/4/2022), vở diễn đã chạm đến trái tim người xem bằng sự đầu tư nghệ thuật dụng công và nhiều sáng tạo trong cách thức dàn dựng.


Cảnh trong vở nhạc kịch Người cầm lái. (Ảnh QUANG VINH)

"Người cầm lái" được dựng theo kịch bản nhạc kịch của biên đạo múa, tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh, với sự chỉ đạo nghệ thuật của Thượng tá, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân. Ðược kết cấu theo ba hồi: Quê hương-Tiếng vọng non sông-Chuyến tàu định mệnh, vở diễn là sự chuyển tải nghệ thuật về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các giai đoạn lịch sử, từ những năm tháng ấu thơ cho tới khi ra đi tìm đường cứu nước, nung nấu quyết tâm giải phóng dân tộc và trở thành người cầm lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi.

Từ đây, vở diễn góp phần làm nổi bật tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm ngời sáng hình tượng vừa vĩ đại, vừa gần gũi, thân quen về Bác. Thượng tá, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thúy Hiền chia sẻ: Dù đã dựng nhiều vở về đề tài Bác Hồ nhưng khi thể hiện bằng ngôn ngữ nhạc kịch-loại hình đòi hỏi người diễn phải có nhiều kỹ năng kết hợp, các nghệ sĩ của Nhà hát vẫn không khỏi cảm thấy áp lực. Thời điểm tổ chức dàn dựng vở lại đúng lúc tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp, nên để hoàn thành một vở diễn quy tụ đội ngũ hùng hậu lên tới gần 200 nghệ sĩ, diễn viên ở các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa là cả nỗ lực lớn.

Thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết: Ðiểm nhấn và cũng là thách thức của vở nhạc kịch là làm sao để truyền tải được hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau: Khi là cậu bé 5 tuổi cùng cha mẹ và anh cả Khiêm từ Nam Ðàn vào kinh thành Huế; khi phải trải qua nỗi đau đầu đời mất mẹ và em trai năm 11 tuổi; khi là chàng thanh niên tuổi đôi mươi Nguyễn Tất Thành lập chí lớn đi tìm đường cứu nước; khi trở thành nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Mỹ, Quảng Châu...; rồi thành Già Thu khi về nước năm 1941... Và để kết nối, xâu chuỗi những lát cắt ấy, ê-kíp sáng tạo đã huy động sự xuất hiện của nhân vật người dẫn chuyện. Ðảm nhận vai diễn đặc biệt này, hai giọng ca giàu nội lực của Nhà hát Công an nhân dân là Thu Hường và Kim Long đã tạo ra những nhịp nối mềm mại linh hoạt, kết hợp cùng dàn hợp xướng lúc mở ra, lúc khép lại những trường đoạn diễn xuất, tạo nên mối liên kết chặt chẽ của tổng thể vở diễn.

Theo dõi "Người cầm lái", người xem có thể cảm nhận rõ nét tinh thần của một vở nhạc kịch Việt, bởi dù được xây dựng theo hình thức giao hưởng-đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm, vở diễn vẫn phát huy được vẻ đẹp của kịch hát truyền thống với những thanh âm của nhạc cụ dân tộc và chất liệu múa dân gian đương đại. Ðiểm thú vị là trong khi phần lớn vở diễn thường hay kết cấu theo tuyến tính thời gian hay sự vận động của ký ức thì ở vở nhạc kịch "Người cầm lái", những yếu tố quá khứ, hiện tại, tương lai, đau thương, mất mát, khát vọng... được tái hiện đan xen thông qua những sự kiện diễn ra cùng lúc ở những khu vực biểu diễn khác nhau trong cùng một trường đoạn âm nhạc.

Ðặc biệt, sự xuất hiện của những lớp múa được dàn dựng công phu, nhất là ở những phân đoạn thể hiện hồi ức, diễn biến nội tâm của Bác đã góp phần thể hiện sâu sắc hơn quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Ấy là sự kết tinh từ truyền thống gia đình, từ lịch sử dựng nước, giữ nước oai hùng với biết bao tấm gương yêu nước của các bậc tiền nhân, từ sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và tài năng, hoạt động thực tiễn sáng tạo của Người. Ðáng chú ý, toàn bộ phần âm nhạc trong vở diễn đều được sáng tác mới bởi các nhạc sĩ Ðình Thắng, Hoàng Huy, Duy Minh với phần lời của biên đạo Tuyết Minh. Các tác phẩm như đơn ca Khúc hát ru mẹ làng Sen, song ca Người bước ra đại dương, Nỗi đau và tìm mẹ, tam ca nam Con đường mưa bụi, tốp ca Người yêu nước họ Nguyễn, song tấu piano và nhị Ðêm trắng... đã khơi lên nhiều xúc cảm nơi người xem bởi ngôn ngữ âm nhạc giàu màu sắc cùng ca từ được trau chuốt, gọt giũa, giàu tính kịch. Âm nhạc đã trở thành chất keo tạo mạch kết nối, góp phần đẩy cao cảm xúc và mạch vận động cho vở diễn.

Vở diễn không chỉ gây xúc động với người xem mà còn mang đến những xúc cảm đặc biệt cho chính những diễn viên thể hiện. Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Tâm, người đảm nhận vai diễn bà Hoàng Thị Loan-mẹ của Bác Hồ cho biết: Dù chỉ xuất hiện ở một lớp diễn ngắn nhưng lần nào tập cùng bé Song Tùng (vai cậu bé Nguyễn Sinh Côn) chị cũng rơi nước mắt. Chất giọng cao, vang và sáng của bé đã chạm được đến cảm xúc người nghe khi lột tả nỗi đau mất mẹ, mất em của Bác khi còn nhỏ. Ðại úy, ca sĩ Lê Hồng Tuân trong vai Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Già Thu cho biết: Ðược đảm nhận vai diễn về Bác là vinh dự nhưng cũng là áp lực. Phong thái của Bác luôn gần gũi, giản dị nên khi vào vai, Ðại úy Lê Hồng Tuân luôn cố gắng giữ được tâm thế thoải mái, tự tin nhất để thể hiện. Anh đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử về Bác; đồng thời tiếp cận các đoạn phim tư liệu về Người để học hỏi, hoàn thiện thêm cách diễn. Ðêm công diễn gần nhất của Nhạc kịch "Người cầm lái" dự kiến diễn ra tối 17/5/2022 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội ■


TRANG ANH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/di-san/khac-hoa-hinh-tuong-bac-ho-tren-san-khau-nhac-kich-695956/

  • Từ khóa