Với mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa nghệ thuật hát then, đàn tính của dân tộc, thời gian qua, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan đã tích cực tổ chức truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh trong nhà trường.
Đến Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan vào một chiều cuối tuần đầu tháng 5/2022, chúng tôi được nghe những khúc hát, điệu then, đàn tính rộn ràng, ấm áp lòng người của các em học sinh nhà trường. Tìm hiểu được biết, đây là hoạt động truyền dạy hát then, đàn tính được nhà trường triển khai và duy trì từ năm học 2020 – 2021. Để việc truyền dạy đạt hiệu quả, từ tháng 4/2021, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ (CLB) “Hoa Hồi Xanh”, hằng tuần, câu lạc bộ tổ chức truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh trong trường vào các buổi tối hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần.
Giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan trong một buổi truyền dạy hát then, đàn tính
Thầy giáo Phùng Văn Thời, Phó hiệu trưởng, Chủ nhiệm CLB “Hoa Hồi Xanh” của nhà trường cho biết: Trường có 280 học sinh từ khối lớp 6 đến lớp 10, các em chủ yếu là con em dân tộc Tày, Nùng sinh sống trên địa bàn huyện. Với mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa, từ năm học 2020 – 2021, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy hát then, đàn tính cho học sinh trong trường. Việc mở lớp học hát then, đàn tính của trường gắn với thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng tình hưởng ứng.
Từ khi tổ chức dạy đến nay, nhà trường đã mở được 5 lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho 138 học sinh, chủ yếu là học sinh khối lớp 6, lớp 7. Tham gia học, các em được truyền dạy các làn điệu then của quê hương như: điệu Pây tàng, múa Chầu, Khai hoa, khai bjoóc… và cách đánh đàn tính. Các lớp này do thầy giáo Phùng Văn Thời, một người say mê với nghệ thuật dân gian, đã có nhiều năm tìm hiểu về hát then, đàn tính và một số nghệ nhân tại địa phương truyền dạy.
Em Triệu Tuấn Minh, học sinh lớp 8A chia sẻ: Khi nhà trường mở lớp truyền dạy hát then, đàn tính, em đã đăng ký tham gia học vì em yêu thích các làn điệu then. Hằng ngày, sau các buổi học, em đều tự luyện đàn và hát, nhờ đó đến nay, em đã đàn, hát thành thạo nhiều làn điệu then, đàn tính. Qua hát then, đàn tính đã giúp em hiểu và thêm yêu hơn về các giá trị văn hóa của dân tộc.
Để việc truyền dạy đạt hiệu quả cao, nhà trường, Ban chủ nhiệm CLB đã tích cực tuyên truyền, vận động kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí hoạt động dạy và học hát then, đàn tính. Qua vận động, đơn vị đã tiếp nhận được gần 100 triệu đồng kinh phí ủng hộ, từ đó mua sắm nhạc cụ, trang phục, thiết bị phục vụ biểu diễn.
Ngoài ra, nhà trường, CLB còn thường xuyên tổ chức cho các em tham gia các hoạt động biểu diễn, đóng góp tiết mục tại các hội diễn, các sự kiện kỷ niệm của nhà trường và của địa phương như: biểu diễn văn nghệ tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện; tham gia đóng góp tiết mục tại ngày lễ kỷ niệm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri; tham gia hoạt động văn nghệ tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Văn Quan (năm 2021)…
Bà Lương Thùy Nha, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Hai năm gần đây, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan là điểm sáng về hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là dạy hát then, đàn tính cho học sinh ở khối trường học trên địa bàn huyện. Hoạt động truyền dạy hát then, đàn tính của nhà trường hiện nay đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống, qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng cho thế hệ mai sau. Thời gian tới, phòng sẽ tuyên truyền, khuyến khích thực hiện mô hình dạy hát then đàn tính của trường đến các trường khác trên địa bàn huyện.
THẢO NGUYÊN/baolangson.vn