Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ðể ngăn chặn tình trạng này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh: Báo Công an nhân dân)
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 205 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, có 23 cơ sở vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền gần 386 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm, ghi sai nhãn sản phẩm...
Mới đây, Ðội 3 Phòng Cảnh sát môi trường và Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra kho thực phẩm tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, do bà H.T.B. (sinh năm 1965, ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) làm chủ, thấy trong kho chứa khoảng gần 10 tấn sụn gà, chân gà, dạ dày động vật… được ép bánh, đóng trong các bao tải dứa, khi mở ra, nhiều sản phẩm đã bị mốc, bốc mùi hôi. Bà B. không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng nêu trên.
Tại Lào Cai, Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp Ðội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện và tạm giữ lô hàng 500kg nầm lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ lô hàng là Ðoàn Quý Ngọc (sinh năm 1994, hộ khẩu thường trú ở tổ 14, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai). Ở tỉnh Hà Giang, Công an huyện Vị Xuyên bắt quả tang ba đối tượng đang có hành vi rán thủ công mỡ động vật ôi thiu tại thôn Ðức Thành, xã Ðạo Ðức. Qua kiểm đếm có 126 bao mỡ thành phẩm, tổng trọng lượng hơn 4,4 tấn; gần 1,6 tấn tóp mỡ và 150kg mỡ động vật bốc mùi hôi thối đang chờ chế biến.
Theo khai nhận của chủ cơ sở, toàn bộ số mỡ động vật được mua tại thành phố Hà Giang với giá 5.000 đồng/kg, sau khi chế biến mang đi tiêu thụ tại Hà Nội với giá khoảng 15 nghìn đồng/kg... Hiện nay, cơ quan chức năng đã xử lý các vụ vi phạm theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, trong sáu tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra, thanh tra 9.029 cơ sở, xử phạt 910 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm với số tiền 5,2 tỷ đồng; tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng số tiền phạt là 4,32 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, vì muốn làm giàu nhanh, bất chính, kiếm tiền bằng mọi giá, một số đối tượng xấu đã cố ý cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường bán cho người tiêu dùng, bằng các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Thực trạng nêu trên cho thấy việc giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm còn nhiều mối lo.
Nguyên nhân là do việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn bất cập, các chế tài, quy định chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Họ chưa có đầy đủ thông tin để phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản còn hạn chế.
Ðội ngũ làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các địa phương biến động, không đồng nhất. Nguồn lực tại một số nơi chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, thanh tra về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp.
Việc phổ biến, vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, thường xuyên. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện tại phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, khó kiểm soát, khiến nạn buôn bán, vận chuyển, chế biến thực phẩm không an toàn vẫn tồn tại.
Ðể xử lý triệt để tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn. Tính đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản. Ðồng thời tiếp tục tổ chức giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo kế hoạch trong bối cảnh vẫn còn dịch Covid-19 để kịp thời cảnh báo, xử lý vi phạm theo quy định.
Chủ động tiếp nhận thông tin, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm. Xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang. Quan trọng hơn là cần tuyên truyền làm thay đổi được ý thức của nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín, ưu tiên các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm định.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ngan-chan-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-post709506.html