Với nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh, thường có câu cửa miệng quen thuộc “tấc đất như tấc vàng”. Đó là để ví von về sự đắt đỏ của đất ở đô thị nơi đây. Nhưng hơn 20 năm qua, hàng triệu mét vuông đất đã được người dân hiến để Nhà nước mở rộng các tuyến hẻm, chỉnh trang đô thị theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Hẻm 85 Rạch Bùng Binh (quận 3) được người dân hiến đất mở rộng trở nên sạch sẽ, thoáng mát.
Từ cách làm này, hàng nghìn tuyến hẻm, con đường trên địa bàn thành phố đã “thay da đổi thịt”, trực tiếp tác động tích cực lên đời sống của người dân. Bộ mặt đô thị cũng khang trang, sạch đẹp hơn hẳn.
Khơi đúng sức dân
Dẫn chúng tôi tới thăm các tuyến đường khu vực ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, ông Võ Văn Chò ở A1/15, ấp 1, xã Bình Lợi cho biết: Trước kia, các tuyến đường chung quanh đây rất lầy lội, trũng thấp, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa, đường nhỏ, trơn trượt, cho nên mọi người đi lại hằng ngày rất vất vả. Là nông dân, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc trồng lúa và chăn nuôi, nhưng khi được chính quyền vận động, phân tích những lợi ích trong xây dựng hạ tầng, đường sá, ông Chò đã không chút phân vân, đồng ý hiến hơn 1.000m2 đất thổ cư của gia đình (giá thị trường hơn 3,2 tỷ đồng) cho Nhà nước. Không dừng lại ở đó, ngoài công việc đồng áng, ông sắp xếp thời gian vận động các hộ dân khác. Trong thời gian ngắn, chỉ riêng tổ 1, ấp 1, có 30 hộ dân đồng thuận hiến hơn 10.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và đê bao ngăn lũ kênh Bà Tỵ. Đi trên tuyến kênh Bà Tỵ kiên cố hôm nay, ông Võ Văn Chò không giấu được niềm vui khi xã Bình Lợi có hệ thống đường giao thông thuận lợi, khang trang, đời sống của người dân đang khá lên từng ngày, trong đó có sự đóng góp của chính ông và nhiều hộ dân khác.
Là tuyến hẻm dân sinh tự phát hình thành từ năm 1997, hẻm 300/23 đường Nguyễn Văn Linh (phường Bình Thuận, quận 7) dài 350m, rộng 4-5m. Trong đó, 170m có bề ngang quá hẹp. “Trong bối cảnh tấc đất tấc vàng như hiện nay, để mở rộng được đoạn này là một vấn đề nan giải với chính quyền địa phương”, Chủ tịch UBND phường Bình Thuận Nguyễn Đỗ Minh Thiện chia sẻ. Quyết tâm là làm, sau khi ban hành các nghị quyết, kế hoạch về vấn đề này, lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể,… tổ chức tiếp xúc, gặp mặt, nắm bắt tâm tư của các hộ dân. Qua nhiều lần gặp, các bức xúc, tâm tư, khó khăn của người dân từng bước được giải quyết. Kết quả, toàn bộ 39 hộ dân đồng ý hiến 202m2 đất, trị giá thị trường hơn 12 tỷ đồng để mở rộng những “nút thắt cổ chai” trên tuyến đường hẻm 300/23. Chia sẻ về “bí quyết”, ông Nguyễn Đỗ Minh Thiện cho biết: Trước hết, là sự đồng thuận trong hệ thống chính trị; đồng thời, thực hiện xuyên suốt tiêu chí “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân hiến đất, Nhà nước đầu tư hạ tầng; trước khi đối thoại người dân, chúng tôi đã khảo sát xã hội học rất kỹ các nguyện vọng, tâm tư, vướng mắc để tháo gỡ, hỗ trợ cho các hộ dân những vấn đề đang gặp phải. Đặc biệt, quá trình này, các đảng viên trong khu phố cũng là lực lượng tiên phong đi đầu để nêu gương.
Tại quận 3, việc vận động người dân hiến đất mở đường khó khăn hơn. Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 3 Trần Thị Hường cho biết: Địa bàn có khoảng 600 tuyến hẻm rộng dưới 3m cần được nâng cấp để tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, sinh hoạt và nâng cao mỹ quan đô thị. Từ năm 2000, quận đã có chủ trương vận động người dân hiến đất mở hẻm, nhưng do công tác thực hiện chưa đồng bộ, cho nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Rút kinh nghiệm, hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục quyết tâm thông qua nhiều cách làm hay, cụ thể như: mỗi đợt vận động đều phân công, phân việc cụ thể, rõ ràng; phát huy tính tiên phong của các đảng viên, gia đình có truyền thống cách mạng; kịp thời giải quyết các vướng mắc của các hộ dân trong quá trình đối thoại; nhân rộng, tuyên dương các hộ dân hiến đất làm đường;… Nhờ đó, sau hơn 20 năm, quận 3 đã có hơn 3.700 hộ dân hiến đất làm đường tại 95 tuyến hẻm.
Những cá nhân tiêu biểu như ông Võ Văn Chò (huyện Bình Chánh); cách thực hiện vận động hiệu quả của UBND phường Bình Thuận (quận 7), Quận ủy quận 3… là những điển hình trong số rất nhiều gương điển hình, cách làm hay xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 20 năm qua. Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Ở một đô thị lớn và đất đai đắt đỏ như Thành phố Hồ Chí Minh, việc người dân đồng tình, ủng hộ hiến đất mở rộng hẻm không chỉ giúp thay đổi diện mạo thành phố, cải thiện đời sống nhân dân mà còn toát lên nét đặc trưng văn hóa tốt đẹp của người Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó rất cần được trân trọng và phát huy.
Cân bằng lợi ích các bên
Thực tế, trước năm 2000, Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại nhiều tuyến đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, thành phố có tốc độ phát triển cao, mật độ dân cư ngày một đông, kéo theo nhiều vấn đề cấp thiết về nhà ở, giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy,… Thực hiện chủ trương xã hội hóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 6, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7, nhiệm kỳ 2000-2005, Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa các nhiệm vụ; trong đó, có công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm.
Sau hơn 20 năm thực hiện, thành phố có hơn 168.000 hộ dân hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, tương đương số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng, phục vụ 5.230 công trình. Trong đó: 3.874 công trình mở rộng hẻm, ước tính số tiền khoảng 6.600 tỷ đồng, 1.237 công trình mở rộng đường, ước tính số tiền hơn 3.300 tỷ đồng và 119 công trình khác, ước tính với số tiền hơn 48 tỷ đồng. Ngoài hiến đất, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm là chủ trương đúng đắn và thiết thực của thành phố. Phong trào này không chỉ tác động lớn đến đời sống của nhân dân mà sẽ là động lực, xung lực mới để thành phố triển khai các hoạt động, công tác khác.
Để phong trào tiếp tục lan tỏa, nhân rộng, những năm tới, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị trong quá trình thực hiện cần bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân, trong đó, tính đến phương án, cơ chế hỗ trợ, bù đắp thiệt hại cho người dân. Bên cạnh công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, thành phố cũng yêu cầu các địa phương phải quản lý tốt các tuyến hẻm đã chỉnh trang, tránh bị lấn chiếm gây mất mỹ quan, an ninh trật tự tại các khu dân cư.
Đường cống thoát nước chung cư Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10) trước và sau khi nâng cấp. (Ảnh Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh) |
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nguoi-dan-thanh-pho-ho-chi-minh-hien-dat-mo-rong-hem-post710807.html