Những năm qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, các cấp, ngành đã tập trung tuyên truyền, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở làm công tác này, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 142 vụ bạo lực gia đình, trong đó, đã xử phạt hành chính 40 vụ; góp ý phê bình tại cộng đồng 93 vụ; áp dụng các biện pháp giáo dục tại cơ sở xã, phường, thị trấn 6 vụ…; có 95 trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình đến khám và chăm sóc tại cơ sở y tế. Trong số các vụ bạo lực gia đình xảy ra thời gian qua, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trong đó phần lớn là trẻ em gái). Điều này cho thấy thực tế còn tình trạng bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ, nhiều người phụ nữ, người vợ, người mẹ trở nên yếu thế, chưa có tiếng nói trong gia đình.
Cán bộ kiêm nhiệm công tác BĐG, VSTBCPN các sở, ngành tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2022
Để giảm thiểu tình trạng các vụ bạo lực gia đình xảy ra cũng như bảo vệ quyền, lợi ích cho phụ nữ, trẻ em gái, nâng cao vị thế của họ trong gia đình, xã hội, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông về thực hiện Luật BĐG trong các tầng lớp Nhân dân. Một trong những giải pháp để tuyên truyền hiệu quả chính là việc các cấp, ngành đã chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG, VSTBCPN từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 cán bộ chuyên trách làm công tác BĐG cấp tỉnh; 233 cán bộ kiêm nhiệm từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong đó 200 xã, phường, thị trấn phân công công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm thực hiện công tác BĐG.
Theo số liệu của Sở LĐTB&XH, trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh tổ chức triển khai tập huấn trực tiếp được 30 cuộc với gần 8 nghìn lượt người được tập huấn, trong đó có các cuộc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng cử cho nữ đại biểu HĐND từ cấp tỉnh đến cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cùng với đó, các đơn vị là thành viên Ban VSTBCPN tỉnh chủ động triển khai tập huấn bằng hình thức trực tuyến trong ngành, đơn vị mình phụ trách, cụ thể như: ngành giáo dục và đào tạo tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến công tác chuyên môn lồng ghép công tác BĐG, VSTBCPN và một số kỹ năng tổ chức hoạt động nữ, các hoạt động thúc đẩy BĐG trong nhà trường; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến lồng ghép công tác chuyên môn và công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới – xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em…
Chị Hoàng Thị Viện, Công chức Văn hóa – Xã hội xã Hồng Phong, huyện Bình Gia chia sẻ: Hồng Phong là một xã vùng ba, đời sống của Nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao với trên 200 hộ. Được tham gia nhiều đợt tập huấn ở tỉnh, huyện về công tác BĐG và VSTBCPN, tôi đã tham mưu cho UBND xã triển khai tuyên truyền đến Nhân dân tại 9/9 thôn để góp phần nâng cao nhận thức về BĐG trong Nhân dân. Vì vậy nhiều năm qua, trên địa bàn xã chưa có vụ việc bất BĐG hay bạo lực trong gia đình xảy ra.
Là giảng viên tham gia truyền đạt những kiến thức về BĐG, VSTBCPN cũng như phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho các cán bộ, công chức làm công tác này tại tỉnh Lạng Sơn, tiến sĩ Lê Thị Hằng, Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính quốc gia cho biết: Tôi đã được nghe chia sẻ những khó khăn từ thực tế của cơ sở, địa phương. Vì vậy, trong quá trình giảng tôi đã trao đổi nhiều những kỹ năng giải quyết, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ làm công tác này có thể ứng dụng, thực hiện vào công việc sau khi kết thúc tập huấn. Qua đó, mong rằng sẽ có những hiệu quả thiết thực hơn nữa trong việc thực hiện công tác BĐG, VSTBCPN và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Từ việc được tập huấn kiến thức, kỹ năng trong thực hiện tuyên truyền BĐG và VSTBCPN, cán bộ phụ trách, kiêm nhiệm thực hiện công tác này đã tham mưu cho các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức được 5.090 cuộc với trên 438 nghìn lượt người xem, nghe tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BĐG, các văn bản pháp luật mới ban hành, văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, góp phần làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng của các tầng lớp Nhân dân. Ông Trương Anh Núp, Khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua nghe tuyên truyền của các cấp, ngành, tôi thấy vị thế của phụ nữ bây giờ ngày càng được coi trọng, đàn ông ngày càng biết tôn trọng và chia sẻ hơn với phụ nữ. Trong gia đình tôi, mọi việc dù to, dù nhỏ thì cũng đều được đưa ra để vợ, chồng, các con cùng bàn bạc và thống nhất. Tôi cho rằng, gia đình ngoài tình yêu thương thì rất cần sự tôn trọng lẫn nhau, việc gì mà cũng có được sự đồng thuận, thoải mái thì sẽ tiến hành thuận lợi hơn.
Có thể thấy rằng, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG, VSTBCPN từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua đã có hiệu quả thiết thực. Sau các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đã ứng dụng vào thực tiễn, nỗ lực truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, việc thực hiện BĐG trong mỗi gia đình, góp phần làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành động về BĐG trong các tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội và trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm đã được nâng lên, từng bước xóa bỏ tình trạng “trọng nam, khinh nữ” cũng như bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương.
Thanh Huyền/baolangson.vn