Độc đáo tín ngưỡng thờ thần sông trên vùng đất Xứ Lạng

Thứ 4, 21.09.2022 | 14:27:48
3,839 lượt xem

Từ lâu, tục thờ thủy thần (thần sông nước), đặc biệt, thờ thần sông Kỳ Cùng là tín ngưỡng văn hóa tồn tại phổ biến trong đời sống tinh thần của người dân Xứ Lạng. Nhằm bảo tồn, phát huy những nét đẹp của tín ngưỡng này, thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh đã và đang có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể.

Tính đến nay, mặc dù chưa có tài liệu nào xác định được thời gian xuất hiện chính xác của tín ngưỡng thờ thần sông tại Lạng Sơn nhưng nó đã có sự giao lưu và tiếp nhận mạnh mẽ với tín ngưỡng dân gian bản địa, ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân Xứ Lạng.

Nghi thức tế lễ tại lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ năm 2022

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Đối với Lạng Sơn, tục thờ rắn và tín ngưỡng thờ thần Sông có ở cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống dọc sông Kỳ Cùng… Vật linh được thờ đều là rắn. Đây là loại hình tín ngưỡng rất tiêu biểu, độc đáo và đặc sắc của người Xứ Lạng – thể hiện qua các truyền thuyết, di tích và lễ hội liên quan đến tục thờ rắn.

Liên quan đến tục thờ rắn có rất nhiều truyền thuyết với các dị bản khác nhau về nguồn gốc các di tích và lễ hội. Tuy nhiên, các truyền thuyết này cũng mang đậm màu sắc địa phương với nhiều tình tiết khác nhau. Trong đó, hình ảnh sông Kỳ Cùng, cuộc sống của cư dân miền sông nước Xứ Lạng với những phong tục tập quán đặc thù hiện lên rất rõ nét.

Tại Lạng Sơn, ở những địa bàn có sông Kỳ Cùng chảy qua, gần như nơi nào cũng có một vài truyền thuyết, di tích, lễ hội nổi tiếng liên quan đến tục thờ rắn. Trong đó, một số di tích thờ thần sông rất nổi tiếng từng được ghi trong các thư tịch cổ (Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí, Đại Việt địa chí, Bắc Thành địa dư chí lục, Đại Nam nhất thống chí…) như: đền Kỳ Cùng, đền Bạch Đế (đền Cửa Đông), thành phố Lạng Sơn; đền Khắc Uyên (đình Vằng Khắc) huyện Lộc Bình; miếu Nà Lình, huyện Tràng Định…

Gắn bó mật thiết với các di tích là những lễ hội quan trọng của người dân Xứ Lạng thể hiện đậm nét tín ngưỡng thờ thần sông, nước với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Tiêu biểu có thể kể đến như: Hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn (từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng âm lịch hằng năm); hội Đình Vằng Khắc, huyện Lộc Bình (từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 4 âm lịch hàng năm); hội “Phài Lừa”, Văn Mịch, Bình Gia (từ ngày 4/4 âm lịch, định kỳ 3 năm/lần)…

Cũng như nhiều nơi ở nước ta, tục thờ rắn, thờ thần sông luôn gắn liền với hội đua thuyền, bơi chải, hội rước nước. Ở Lạng Sơn, tính địa phương của lễ hội thể hiện ở lễ hội đua bè mảng, thường được gọi theo tiếng Tày “Phài lừa”. Đến nay, chỉ còn hai nơi duy trì được loại hình lễ hội này là Nà Lình (xã Quốc Việt, huyện Tràng Định) và Văn Mịch (xã Hồng Phong, huyện Bình Gia) với những nét đặc trưng, nguyên bản nhất. Những trò diễn này tái hiện cảnh rắn thần đánh nhau với thuỷ quái để cứu giúp dân làng. Họ mở hội cầu mong mưa thuận gió hoà, không bị thiên tai lũ lụt, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Hằng năm, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền đến Nhân dân về Luật Di sản văn hoá, đồng thời đề nghị các đơn vị trực thuộc và phòng văn hóa – thông tin cấp huyện tích cực tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ thần sông. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa tu bổ di tích, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, nâng cao nhận thức, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ thần sông nước đều được đầu tư, xây dựng khang trang, cụ thể: đền Kỳ Cùng được xây mới với nguồn vốn xã hội hóa là gần 20 tỷ đồng, đình Vằng Khắc tu sửa phần hậu cung với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng; đền Cửa Đông được tu sửa với số vốn gần 1 tỷ đồng…

Ông Đinh Văn Hòa, Thủ từ đình Vằng Khắc cho biết: Tôi và bà con nhân dân nơi đây rất vui từ khi ngôi đình được tu bổ khang trang, sạch đẹp. Đối với chúng tôi, đình Vằng Khắc có ý nghĩa hết sức to lớn, đã che chở cho dân làng chúng tôi về mặt tâm linh. Về phía chúng tôi, hằng ngày vẫn thường xuyên ra đây quét dọn, vệ sinh, đảm bảo cho di tích được trang nghiêm, sạch sẽ.

Song song với tu bổ, tôn tạo, Sở VHTT&DL đã hướng dẫn, đồng hành với các địa phương nghiên cứu, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng di sản phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, 2 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ thần sông nước là lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn và lễ hội Phài Lừa, huyện Bình Gia. Ngoài ra, sở đã tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu đến với du khách gần xa trong và ngoài tỉnh trên trang thông tin du lịch của tỉnh và lồng ghép trong các sự kiện như tuần văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ…

Tín ngưỡng thờ thần sông đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Xứ Lạng. Việc phát huy giá trị tín ngưỡng này là một việc làm thiết thực và quan trọng để giữ gìn, lưu truyền cho thế hệ mai sau những vốn quý của cha ông.

Tục thờ thần sông (thuỷ thần) vốn là tín ngưỡng bản địa của cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống dọc theo các con sông lớn ở nước ta. Sông nước – vốn là nguồn sống nhưng đồng thời cũng là mối thiên tai đe doạ cuộc sống của người dân vùng ven sông. Theo quan niệm dân gian, “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, thần sông được thờ dưới nhiều hình thức khác nhau: thờ cá chép, rồng, rắn, giao long, thuồng luồng… nhưng phổ biến nhất vẫn là thờ rắn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/528324-doc-dao-tin-nguong-tho-than-song-tren-vung-dat-xu-lang.html

  • Từ khóa