Thực hiện Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan đến HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở KCB đủ điều kiện được KCB cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thẻ BHYT đã trở thành “tấm thẻ vàng” đồng hành cùng bệnh nhân là người nhiễm HIV/AIDS trong quá trình điều trị, KCB.
Từ tháng 5/2019, sau khi các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS kết thúc, nguồn quỹ BHYT và một phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh đã trở thành nguồn chi trả chính điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Tức là bệnh nhân HIV không được điều trị miễn phí theo các kênh viện trợ nữa mà phải mua thẻ BHYT để quỹ BHYT thanh toán các chi phí điều trị, KCB.
Đoàn viên thanh niên diễu hành tuyên truyền về lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đến ngày 28/11/2022, toàn tỉnh có 783 đối tượng đang điều trị ARV có thông tin và quản lý, trong đó 769 trường hợp đang điều trị tại tỉnh, 14 trường hợp điều trị ngoại tỉnh. Trong đó, 755 trường hợp có thẻ BHYT; 13 trường hợp bệnh nhân đang chấp hành án trong các trại tù, trại tạm giam không được thực hiện các quyền công dân như có thẻ BHYT; 1 trường hợp mới mua thẻ BHYT chưa đủ thời gian. Tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ BHYT tính đến cuối tháng 11/2022 là 99,8% và sẽ đạt 100% vào cuối tháng 12/2022 (khi trường hợp mới mua đủ thời gian cấp thẻ BHYT), tăng 2% so với năm 2021.
Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực trong truyền thông, vận động của cán bộ ngành y tế, ngành BHXH cùng cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các địa bàn có người nhiễm HIV/AIDS trong những năm qua. Bác sĩ Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC tỉnh cho biết: Năm 2021, cả tỉnh còn 5 người nhiễm HIV chưa mua thẻ BHYT, các trường hợp này chủ yếu sống tại thành phố Lạng Sơn, sang năm 2022 cơ bản người nhiễm HIV tham gia điều trị thuốc ARV đã có thẻ BHYT. Qua tuyên truyền về lợi ích chi trả từ nguồn quỹ BHYT, phần lớn bệnh nhân là người nhiễm HIV đã hiểu rõ quyền lợi trong việc lĩnh thuốc ARV điều trị hằng ngày và khi KCB, làm các xét nghiệm liên quan đến các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Nhất là trong bối cảnh giá thuốc điều trị có tăng hơn so với năm trước. Nếu năm 2021, nguồn quỹ BHYT chi trả tiền thuốc điều trị khoảng 250.000 đồng/người/tháng thì năm 2022, bình quân mức chi trả tiền thuốc điều trị là 300.000 đồng/người/tháng.
Điều trị ARV là giải pháp điều trị liên tục và suốt đời, nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí gần 4 triệu đồng/năm. Cùng với đó, Quỹ BHYT không chỉ chi trả tiền thuốc cho bệnh nhân là người nhiễm HIV điều trị ARV theo định kỳ mà còn chi trả kinh phí KCB cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Ông Nông Văn Hoan, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Qua tổng hợp từ tháng 5/2019 đến tháng 11/2022, toàn tỉnh đã có trên 24.000 lượt người nhiễm HIV/AIDS đi KCB được Quỹ BHYT chi trả với tổng số tiền thanh toán khoảng 6,6 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ sở y tế đã KCB cho 6.115 lượt bệnh nhân HIV, với số tiền gần 2 tỷ đồng. Trong đó, có 1 bệnh nhân có chi phí KCB lên tới trên 111 triệu đồng, còn lại trung bình khoảng 20-30 triệu đồng tuỳ theo các mức độ bệnh tình của bệnh nhân HIV.
Anh N.V.A, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: Nhờ tham gia BHYT nên việc uống thuốc điều trị ARV của tôi được thực hiện đều đặn, liên tục. Ngoài ra, khi tôi đau ốm phải đi làm xét nghiệm hay KCB, nằm viện điều trị, tôi đều được quỹ BHYT thanh toán.
Có thể thấy rằng, khi ốm đau đi viện, người bệnh nào cũng đối mặt với gánh nặng kinh phí nếu họ không có thẻ BHYT, đối với người nhiễm HIV/AIDS sẽ càng khó khăn hơn. Việc thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền cho bệnh nhân HIV mua thẻ BHYT đã đạt được kết quả thiết thực và cần tiếp tục được duy trì để tấm thẻ BHYT trở thành người bạn đồng hành san sẻ khó khăn với bệnh nhân HIV, qua đó, giúp họ điều trị ổn định, hoà nhập cộng đồng.
ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam sử dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. |
THANH HUYỀN/baolangson.vn