Đặc sản độc, lạ đón Tết

Thứ 5, 19.01.2023 | 08:28:11
645 lượt xem

Năm nào cũng vậy, nhiều nông dân tại các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang chuẩn bị đặc sản độc, lạ để tung ra thị trường những ngày giáp Tết Nguyên đán. Từ những quả dừa, khóm (dứa), bưởi, quất… bình thường, qua bàn tay khéo léo của nông dân đã tạo thành sản phẩm hình thù đẹp mắt, giúp nâng cao giá trị hàng chục lần.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dị (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) tạo dáng cây quất hình linh vật bán trong dịp Tết.

Vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng tìm đến những món quà Tết độc đáo, lạ mắt, nhất là các loại hoa, quả và cây cảnh thuần Việt mang nhiều may mắn để trưng trong những ngày Tết.

Làng khóm phụng, khóm son tất bật đón Tết

Lâu nay, vùng sâu của huyện Tân Phước (Tiền Giang) được nhiều thương lái khắp nơi đổ về tìm mua khóm phụng, khóm son để phục vụ cho người dân trưng Tết bởi mầu sắc, hình thù đẹp. Một năm chỉ trồng được một vụ Tết, nhưng khóm phụng, khóm son lại đắt gấp hàng chục lần khóm thường. Ông Trần Văn Thấy (xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước) trồng 1.000 gốc khóm phụng, 1.000 gốc khóm son bán trong dịp Tết cho biết: "Hằng năm, gia đình đều trồng các loại khóm này để bán Tết. Năm nào xử lý tốt, thời tiết thuận lợi thì lợi nhuận rất cao. Năm nay, việc xử lý để có được trái khóm đẹp rất ít. Mặc dù vậy, thương lái tìm đến ruộng khóm đặt mua nguyên cây và quả với giá 120 nghìn đồng loại 1; các loại còn lại dao động từ 10 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/quả". Gần đó, ông Nguyễn Văn Tam trồng hơn 200 gốc khóm son cho biết: "Khóm phụng, khóm son là loại khóm kiểng có mầu đỏ son sặc sỡ hoặc hình dáng như chim phụng nên được thị trường rất ưa chuộng".

Để có các loại khóm này cung cấp cho thị trường Tết, các thương lái thường phải đặt hàng từ trước Tết khoảng một, hai tháng. Tuy nhiên, loại quả đặc trưng này không dễ trồng, nên người dân thường neo đến gần Tết mới định giá và bán. Theo nông dân, kỹ thuật trồng loại khóm son rất công phu, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Thời gian thu hoạch khóm son từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho một quả. Vì vậy, muốn có khóm son bán vào đúng dịp Tết thì khoảng tháng 2 âm lịch là bắt đầu trồng cây giống, đến đầu tháng 9 âm lịch bắt đầu xử lý để khóm ra hoa bằng cách dùng khí đá hòa tan với nước tưới cho trái khóm bán đúng vào dịp Tết. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, phun xịt các loại phân, thuốc, để rệp sáp không kịp tấn công và khi thời tiết nắng nhiều ngày phải che để khóm không bị nám quả. Nhiều người có kinh nghiệm trồng khóm phụng, khóm son cho biết, khóm phụng có yêu cầu về hình dáng rất cao nên số quả đẹp mỗi vườn chỉ có khoảng 20-30%.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước Nguyễn Văn Bường cho biết: "Năm nay, toàn huyện có khoảng 10ha đất trồng khóm phụng, khóm son bán dịp Tết và tập trung ở xã Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh. Thị trường tiêu thụ rất rộng, thương lái nhiều nơi tìm đến để đặt mua. Do khó xử lý, năng suất không cao, nên trồng được bao nhiêu đều được thương lái đặt mua".

Bưởi, dừa độc, lạ hút hàng

Tết năm nay, ông Bùi Thanh Nam (ngụ phường Phú Khương, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cùng nhóm bạn liên tiếp nhận được đơn đặt hàng từ các tỉnh trong khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh và cả một số tỉnh phía bắc cho sản phẩm dưa, dừa tạo hình bằng công nghệ laser khắc chữ độc đáo. Ông Nam cho biết: "Tết Nguyên đán 2023 cũng là năm thứ tư nhóm của tôi tham gia bán sản phẩm khắc chữ trên quả dừa và quả dưa vào dịp Tết. Trung bình, mỗi năm làm mỗi loại khoảng 1.000 quả. Để làm ra sản phẩm phải chọn những buồng dừa khô quả đồng đều, mẫu mã đẹp rồi vệ sinh phần vỏ. Sau đó, quả dừa được sơn mầu vàng và sử dụng công nghệ laser khắc chữ lên vỏ. Trong máy tính đã có sẵn hơn 150 mẫu chữ "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Phúc Lộc Thọ", "Chúc mừng năm mới", "An khang thịnh vượng"… Tùy theo đơn đặt hàng mà khắc chữ vào để cung ứng cho khách hàng". Đây là tác phẩm nghệ thuật được nhiều khách hàng ưa chuộng với giá bán từ 65-120 nghìn đồng/quả. Hiện, ông Nam và nhóm bạn đang hoàn tất đơn đặt hàng 1.000 quả dừa xiêm gọt vỏ để lộ gáo dừa rồi khắc chữ lên gáo dừa. Sản phẩm nghệ thuật này dùng để bày ở bàn thờ thần tài, ông địa.

Bưởi thúng ở xã Đạo Thạnh (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là loại quả "khổng lồ" trong các loại bưởi vì to, bụng tròn như cái thúng và mỗi quả nặng khoảng 5-7kg, được nhiều khách hàng tìm mua để biếu, bày Tết. Hiện tại, loại bưởi này chưa được nhân rộng vì khó trồng, khó xử lý... và mỗi năm chỉ có một vụ Tết. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn trồng bưởi thúng, ông Võ Văn Nhì (ngụ xã Đạo Thạnh) cho biết, gia đình trồng hơn 50 gốc bưởi thúng được 3-5 năm tuổi. Trung bình, mỗi cây cho từ hai đến sáu quả (tùy cây). Mỗi đợt Tết, gia đình xử lý và bán hơn 80 quả bưởi thúng các loại. Năm nay, ông xử lý được khoảng 90 quả có hình dáng đẹp. Hằng năm, nhiều thương lái cũng như các doanh nghiệp tìm đến ký hợp đồng, đặt cọc để thu mua toàn bộ số lượng bưởi. Giá trung bình từ 900 nghìn đến 1,6 triệu đồng/cặp (hai quả). Lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại bưởi khác. Theo những người trồng và cánh thương lái mua bưởi này, giá bưởi thúng đắt là do giống bưởi này khác biệt so với các loại bưởi thông thường khác. Cây bưởi một năm chỉ cho ra trái vào dịp Tết cổ truyền. Khi bưởi chín sẽ ngả sang mầu vàng, rất đẹp; ruột bưởi có mầu đỏ, múi to nhưng vị chua hơn các loại bưởi khác. Quả bưởi này dùng làm quà biếu để bày trong những ngày Tết.

Để sản phẩm vươn xa

Mấy năm nay, nông dân không chỉ sản xuất các sản phẩm độc, lạ mà còn có nhiều cách tiếp cận thị trường. Ngoài cách bán truyền thống qua thương lái, nông dân còn bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội, bán được giá cao hơn và không bị thương lái ép giá. Gần 10 năm qua, ông Huỳnh Thanh Tâm (ngụ tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) sản xuất quả dừa tạo hình phục vụ thị trường Tết, nhưng chỉ bán theo đơn đặt hàng và bán qua các kênh mạng xã hội. Ông Tâm cho biết: "Năm nay, tôi nhận đơn đặt hàng cung ứng quả dừa tròn tạo hình chữ nổi bằng công nghệ 3D cho Tây Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... với số lượng hơn 1.000 quả. Giá dao động từ 250 đến 300 nghìn đồng/quả. Thông thường mỗi năm sẽ nhận đơn đặt hàng, ký hợp đồng xong mới sản xuất. Nhờ đã truyền thông qua các kênh mạng xã hội, báo, đài nên nhiều khách hàng biết, đến đặt hàng trong dịp Tết".

Trong khi đó, hơn 20 năm nay, năm nào ông Nguyễn Văn Dị (ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cũng tạo dáng vài chục cây quất theo hình 12 con giáp phục vụ thị trường Tết. Năm nay, ông làm khoảng 20 cặp hình con mèo, một số cặp hình cây nấm, thỏi vàng, rồng… bằng cây quất. Ông là một trong số ít nông dân ở địa phương làm ra những sản phẩm độc, lạ bằng cây quất. Ông Dị cho biết: "Để làm ra được sản phẩm hình con vật theo ý muốn phải chuẩn bị cây quất nguyên liệu từ năm trước để chăm sóc, xử lý sao cho ra quả chín vàng đúng vào dịp Tết. Đồng thời, phải tự thiết kế khung sắt theo hình các linh vật với các kích cỡ khác nhau. Sau khi chuẩn bị hết mọi thứ, đến gần Tết sẽ tiến hành ghép các chậu quất lại để lộ quả ra bên ngoài sao cho giống hình các linh vật nhất". Nhờ sản phẩm độc, lạ nên giá bán khá cao, trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/cặp tùy theo kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau. Nhiều năm kinh nghiệm sản xuất nên cơ sở của ông Dị được nhiều khách hàng biết đến thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội. Vì vậy, gia đình ông sản xuất theo đơn đặt hàng với khách hàng trong cả nước.

Những nông sản độc, lạ đã minh chứng sự nhạy bén của nông dân trong việc tìm tòi, sản xuất ra những sản phẩm mới cung ứng thị trường Tết Nguyên đán. Ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, họ đã tiếp cận cách bán hàng hiện đại để đưa sản phẩm đi xa hơn và tăng thu nhập từ những sản phẩm mình đã sáng tạo ra. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, những nông dân này lại tất bật làm đẹp cho đời mỗi dịp Tết đến, Xuân về.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/dac-san-doc-la-don-tet-post735511.html

  • Từ khóa