Trung tướng Tô Ân Xô nói về khó khăn khi bỏ sổ hộ khẩu

Thứ 5, 02.03.2023 | 13:30:37
739 lượt xem

Bộ Công an cho biết, bước đầu triển khai việc bỏ sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy gặp một số khó khăn như hạ tầng kỹ thuật tại một số nơi chưa đáp ứng với yêu cầu dẫn đến có lúc bị tắc nghẽn...

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc mà dư luận đang quan tâm trong việc thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin đến báo chí về vấn đề này.

Bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú giấy là xu thế tất yếu

Thưa Trung tướng, theo Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1/1/2023 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết hiệu lực. Bộ Công an đã có những chuẩn bị như thế nào để triển khai thực hiện quy định này và hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính?

- Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy là xu thế tất yếu trong chuyển đổi số quốc gia, thay thế vào đó là cách thức quản lý mới trên điện tử, sẽ tạo ra nhiều tiện ích trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Bộ Công an đã có những bước chuẩn bị rất cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Trong đó, có những vấn đề quan trọng là: Hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo quy định;

Xây dựng hành lang pháp lý; đội ngũ nhân lực, nhất là ở cơ sở. Đặc biệt, thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các địa phương kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thành lập nhiều Đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố để kiểm tra việc triển khai thác phương thức sử dụng thông tin về cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính. Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã họp, có văn bản đôn đốc việc thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Trung tướng Tô Ân Xô nói về khó khăn khi bỏ sổ hộ khẩu - 1

Trung tướng Tô Ân Xô (Ảnh: Nguyễn Anh).

Vậy đã có những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu giấy chính thức hết hiệu lực, thưa Trung tướng?

- Việc không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch dân sự là một vấn đề hoàn toàn mới. Trong quá trình triển khai có nhiều thuận lợi, chúng ta có thời gian một năm để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thay đổi từ nhận thức của cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính, nhận thức của người dân, doanh nghiệp…

Đây cũng là vấn đề được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí và sự đồng tình, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân. Chúng ta cũng có hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Tuy nhiên, bước đầu triển khai việc bỏ sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Mặc dù có thời gian để chuẩn bị nhưng việc chuyển động là không đồng đều, chưa quyết liệt ở một số bộ, ngành, địa phương. Do đó, việc kết nối với hệ thống dữ liệu dân cư, dẫn đến việc thực hiện các thủ tục hành chính hiện nay chưa thống nhất;

Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu dẫn đến đường truyền mạng còn chậm, đôi khi bị tắc nghẽn, đòi hỏi phải có thời gian khắc phục;

Nhiều bộ, ngành chưa ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Do vậy các cơ quan, đơn vị thực hiện giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú; chưa ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin không nằm trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dẫn đến triển khai thực hiện chưa thống nhất theo quy định của pháp luật;

Nhiều cán bộ chưa nắm vững quy định, quy trình, thủ tục mới nên vẫn yêu cầu công dân xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú dù công dân đã có căn cước công dân có gắn chip.

Kiên quyết xử lý cán bộ cố tình gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân

Vừa qua, một số ý kiến phản ánh gặp khó khăn, phiền hà khi thực hiện các thủ tục hành chính, vẫn phải xin xác nhận cư trú dù đã có căn cước công dân gắn chip. Trung tướng có thể cho biết, Bộ Công an có chỉ đạo, giải pháp gì để tháo gỡ cho người dân?

- Như đã nói ở trên, bước đầu triển khai việc bỏ sử dụng hộ khẩu, sổ tạm trú giấy gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là việc người dân thực hiện các thủ tục hành chính, khi các cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu phải có giấy xác nhận cư trú dù đã có căn cước công dân gắn chip.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công an đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 23/2 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; phối hợp tham mưu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký công điện số 90/CĐ-TTg, ngày 28/2/2023 chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Trung tướng Tô Ân Xô nói về khó khăn khi bỏ sổ hộ khẩu - 2

Căn cước công dân gắn chip thay thế nhiều giấy tờ trong giao dịch dân sự (Ảnh: Bộ Công an).

Đồng thời, Bộ Công an đã đẩy mạnh việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; rà soát sửa đổi văn bản pháp luật theo hướng tăng giá trị hiệu lực của mẫu xác nhận thông tin về cư trú; tiếp tục hoàn thiện và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VneID.

Bộ Công an tích cực phối hợp với các bộ, ngành xác thực, cập nhật, làm sạch dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường kiểm tra việc cán bộ sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Kiên quyết xử lý, kỷ luật những trường hợp không thực hiện đúng quy định, cố tình gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg và Công điện số 90/CĐ-TTg. Đề nghị các địa phương chưa tiến hành kết nối, khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính. Quán triệt, thực hiện nghiêm việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền...

Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công an, tăng cường tuyên truyền về triển khai thực hiện Đề án 06 nói chung, các quy định về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nói riêng để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ và cùng thực hiện.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/trung-tuong-to-an-xo-noi-ve-kho-khan-khi-bo-so-ho-khau-20230302090045583.htm

  • Từ khóa