Huyện Cao Lộc có trên 73 nghìn dân, trong đó, trên 11 nghìn người lao động (NLĐ) có nhu cầu đào tạo nghề. Vì vậy, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022 công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn luôn được các cấp chính quyền huyện Cao Lộc quan tâm, chú trọng, đạt nhiều kết quả, trở thành một trong những địa phương tốp đầu của tỉnh về đào tạo nghề cho LĐNT.
Năm 2022, từ Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Cao Lộc đã được cấp kinh phí hơn 7,8 tỷ đồng để thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó, 320 triệu đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới; hơn 1 tỷ đồng từ chương trình giảm nghèo bền vững; trên 6,5 tỷ đồng từ chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các nguồn kinh phí được cấp chậm (tháng 8/2022) đã gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện của các huyện trong tỉnh nói chung, huyện Cao Lộc nói riêng.
Lao động nông thôn xã Phú Xá, huyện Cao Lộc tham gia thực hành tại lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp
Để khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả, UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, lồng ghép tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan công tác dạy nghề tới lãnh đạo, cán bộ văn hóa xã hội các xã, thị trấn phụ trách công tác dạy nghề trên địa bàn; ban hành các văn bản hướng dẫn tới các cơ sở, các phòng, ban liên quan phối hợp triển khai công tác dạy nghề; tổ chức vận động, tuyển sinh các lớp học nghề cho các đối tượng trong độ tuổi lao động nhằm nâng cao nhận thức cho LĐNT về chính sách và ý nghĩa quan trọng của công tác dạy nghề trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, giao Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) là đơn vị tuyển sinh và trực tiếp đào tạo nghề cho LĐNT.
Bà Nguyễn Thuý Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc cho biết: Với nguồn kinh phí lớn, lại được phân bổ vào thời điểm cuối năm nên chúng tôi xác định nhiệm vụ rất nặng nề bởi thời gian thực hiện gấp. Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, trung tâm đã đẩy mạnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát lại nhu cầu học nghề, tư vấn tuyển sinh đã thực hiện từ những tháng đầu năm. Đồng thời, trung tâm nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, giáo trình dạy nghề đầy đủ, phù hợp với nhu cầu các nghề mà LĐNT đăng ký học; phối hợp, liên kết để đảm bảo có đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên cho tổ chức dạy và học nghề trên địa bàn huyện.
Theo đó, trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, sử dụng nhà văn hoá các thôn bản để tổ chức các lớp nghề tại cơ sở, qua đó tạo thuận lợi cho LĐNT theo học. Kết quả, năm 2022, huyện Cao Lộc đã tổ chức được 60 lớp đào tạo nghề cho hơn 2.100 học viên. Trong đó, có 33 lớp nông nghiệp, 27 lớp phi nông nghiệp. Nội dung các lớp học nghề đa dạng như: kỹ thuật chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật trồng và nhân giống cây hồng; kỹ thuật trồng nấm, hồi; kỹ thuật may, thêu thời trang dân tộc; chế biến món ăn; sửa chữa máy nông nghiệp… Những lớp nghề được mở đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, thôn Tồng Han, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Tham gia lớp nghề kỹ thuật chăn nuôi lợn vào tháng 9/2022 , tôi đã được giáo viên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn. Chúng tôi vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành tại địa điểm chăn nuôi nên đã có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cơ bản trong chăm sóc và phát hiện điều trị kịp thời các bệnh thường gặp đối với loại vật nuôi này. Sau lớp học, tôi đã áp dụng các kỹ thuật vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chức năng, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ. Trước đây, số xã phối hợp tổ chức mở các lớp dạy nghề còn ít thì đến năm 2022 đã có 100% xã, thị trấn phối hợp tổ chức. Qua công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 61,2% năm 2021 lên 63,7% năm 2022. Nỗ lực của huyện trong đào tạo nghề cho LĐNT những năm qua và năm 2022 đã được Sở LĐTB&XH ghi nhận, đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong toàn tỉnh.
Hiện nay, nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Cao Lộc vẫn còn rất lớn. Năm 2023, huyện tiếp tục khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của nông dân, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổ chức 23 lớp đào tạo nghề cho khoảng 1,3 nghìn LĐNT, dạy nghề cho 700 NLĐ, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2023 đạt 65%.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/xa-hoi/566592-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-no-luc-cua-cao-loc.html