Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai giải pháp thiết thực để đẩy mạnh việc tập hợp, thu hút hội viên. Tuy nhiên hiện nay, công tác tập hợp hội viên phụ nữ vẫn còn hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.
Phụ nữ huyện Chi Lăng tham gia giao lưu dân vũ dịp 8/3/2023
Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 – 2027 đề ra 8 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu “Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên, phấn đấu 100% cơ sở hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn”. Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 200 cơ sở hội phụ nữ xã, phường, thị trấn; 1.658 chi hội phụ nữ cơ sở với 151.924 hội viên/266.255 phụ nữ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ tập hợp hội viên là 57,07%. Điều đáng nói là toàn tỉnh còn 82/200 hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) cấp xã (chiếm 41%) có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức hội, trong đó vẫn còn 18/200 hội LHPN cấp xã có tỷ lệ tập hợp phụ nữ dưới 50% (chiếm 0,9%).
Nhiều khó khăn trong tập hợp hội viên
Trong thực tế, công tác tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là ở các địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Cụ thể hiện nay, toàn tỉnh còn 88/200 xã và 664 thôn đặc biệt khó khăn và hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Với áp lực cuộc sống, nhiều phụ nữ ưu tiên tập trung mưu sinh, đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp, nên không có thời gian và chưa muốn tham gia tổ chức hội.
Chị Dương Thị Dung, (25 tuổi) thôn Lân Gặt, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Do điều kiện kinh tế khó khăn, tôi phải đi làm công nhân ở khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang nên chưa có thời gian tham gia vào hội phụ nữ. Hơn nữa trong gia đình cũng có mẹ tôi sinh hoạt hội phụ nữ rồi nên tôi nghĩ mỗi nhà chỉ cần một người tham gia là đủ.
Cùng với đó, một số địa bàn chưa có mô hình phong phú, phát triển rộng để thu hút và tạo việc làm cho hội viên; nội dung sinh hoạt của một số chi, tổ hội còn thụ động, chưa gắn kết với việc chăm lo các quyền và lợi ích thiết thực của hội viên và phụ nữ; năng lực của một bộ phận cán bộ hội còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động của các cấp hội còn hạn chế dẫn đến việc tập hợp hội viên đạt tỷ lệ chưa cao.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thiết thực
Trước khó khăn trên, các cấp hội đã đẩy mạnh biện pháp, xây dựng các mô hình hiệu quả để thu hút, tập hợp hội viên. Đặc biệt các giải pháp tập trung tại 82 cơ sở hội chưa đạt tỷ lệ thu hút trên 60%. Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm, cấp huyện nắm chắc số lượng, tình hình cơ sở hội khó khăn để có biện pháp giúp đỡ nâng cao năng lực, tổ chức triển khai các hoạt động cho cán bộ hội cơ sở.
Nổi bật Hội LHPN tỉnh đổi mới nội dung, cách thức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ hội cơ sở theo hướng “cầm tay chỉ việc”, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác hội. Đơn cử từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức hơn 60 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho hơn 4.000 lượt cán bộ hội chuyên trách các cấp, chi hội trưởng tham dự, trong đó chú trọng cán bộ hội mới, cơ sở còn hạn chế trong hoạt động.
Các cấp hội cũng đã sáng tạo trong nội dung, hình thức sinh hoạt chi/tổ hội, tổ chức diễn đàn, tọa đàm, hội thi theo chuyên đề và nhóm đối tượng đặc thù nhằm thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, khu vực biên giới. Hiện 100% cơ sở duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10… Đặc biệt dịp 8/3/2023 vừa qua, Hội LHPN tỉnh và 11/11 hội LHPN cấp huyện đã lựa chọn ít nhất một chi hội phụ nữ khó khăn trong hoạt động, có tỷ lệ tập hợp hội viên thấp để hướng dẫn cách tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”.
Đồng thời, các cấp hội duy trì hàng nghìn mô hình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút hội viên phụ nữ. Tiêu biểu như duy trì hoạt động của trên 700 câu lạc bộ, tổ, đội thể thao, văn hóa, văn nghệ; hơn 200 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; hơn 800 mô hình xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch… Qua đó, đáp ứng nhu cầu, thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt hội.
Huyện Cao Lộc có tỷ lệ tập hợp hội viên cao nhất tỉnh (63,91%). Hội phụ nữ các cấp ở huyện đã tổ chức nhiều hình thức sinh động để tập hợp hội viên. Bà Hà Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang quản lý 22 cơ sở phụ nữ cấp xã, hơn 18.000 hội viên. Để thu hút hội viên, cùng với việc tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã tổ chức các hội thi cấp huyện để tạo sân chơi, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ hội viên. Đơn cử như năm 2022, hội tổ chức hội thi nhảy dân vũ; năm 2023, hội tổ chức hội thi Chi hội trưởng phụ nữ giỏi.
Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để đảm bảo các cấp hội đạt tỷ lệ thu hút hội viên trên 60%, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức triển khai các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chiều sâu cho đội ngũ cán bộ hội các cấp đặc biệt là đội ngũ chi hội trưởng vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên phụ nữ; tập trung xây dựng cơ sở hội vùng tôn giáo, địa bàn vùng cao, biên giới; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội, tăng cường khai thác nguồn lực xây dựng các mô hình hoạt động tại chi hội, song song với tạo việc làm cho chị em. Cùng đó là tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường gắn với lợi ích thiết thực của hội viên, tạo điều kiện cho hội viên được nâng cao kiến thức, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững nhằm thu hút đông đảo hội viên tham gia tổ chức hội. Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai việc phát triển hội viên danh dự, có thể là nam giới có uy tín, có đóng góp cho phong trào hội, để đồng hành, góp phần tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới.
Với các giải pháp cụ thể, thiết thực, tin tưởng rằng công tác tập hợp hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát triển, thu hút hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tích cực tham gia tổ chức hội.
DƯƠNG DUYÊN - THU HIỀN
https://baolangson.vn/xa-hoi/581303-go-kho-cho-cong-tac-tap-hop-hoi-vien-phu-nu.html