KHÁNH HÒA - Gần 20.000 con chuột lang và chuột nhắt được Trại chăn nuôi Suối Dầu ở huyện Cam Lâm nuôi dưỡng để nghiên cứu, sản xuất vắcxin cứu người.
Gần 20.000 con chuột được nuôi trong Trại Suối Dầu ở huyện Cam Lâm. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Cách trung tâm TP Nha Trang chừng 20 km, Trại chăn nuôi Suối Dầu - Viện Văcxin và Sinh Phẩm Y tế (IVAC) đang nuôi đàn chuột thí nghiệm, phục vụ sản xuất các loại vắcxin ho gà, bạch hầu, uốn ván... Trong đó, hơn 2.000 con chuột lang với đủ màu sắc như nâu, xám trắng, vàng..., còn đôi mắt đen láy, có con thì trong suốt hoặc đỏ, trông bắt mắt.
Căn phòng gần 200 m2 được chia ra nhiều ô, mỗi ô khoảng một mét vuông, xung quanh ốp gạch. Tầng dưới lót lớp vỏ trấu, sàn là lưới thép với các kẻ hở nhỏ để chuột con không rơi xuống; xung quanh đều có cửa sổ. Khoảng 10 con chuột bố mẹ (500-700g) sống trong một ô, bên cạnh đàn chuột con.
Ở mỗi ô, có ngăn chứa thức ăn; hệ thống nước tự động, chỉ cần ngậm vào vòi sẽ uống được. Trên trần được lắp hệ thống quạt tạo thoáng mát và luôn có camera theo dõi. Chuột lang sau 21 ngày tuổi, hoặc cai sữa ba tuần (14-18g), đảm bảo tiêu chuẩn như lông mượt trắng, nhanh nhẹn, không mang mầm bệnh sẽ được chuyển cho các cơ sở cần chuột thí nghiệm, kiểm định.
Còn gần 15.000 con chuột nhắt trọng lượng 45-50g, được bố trí trong hàng nghìn ô nhựa được phủ vỏ trấu và có ngăn chứa thức ăn, nước uống. Loài gặm nhấm này tuy nhỏ, song rất nhanh nhẹn, hay cắn và dễ bị nhiễm bệnh. Do vậy, quá trình nuôi phải theo dõi sức khỏe liên tục, mọi thứ xung quanh đều được khử trùng.
Thoạt đầu, chuột giống sau khi đưa về sẽ được lựa chọn nuôi riêng biệt. Sau đó, những con cái và con đực sẽ được nhốt chung với nhau để giao phối. Một tuần sau, chuột cái được tách ra ở riêng. Những con có chửa sẽ sinh nở sau 18-21 ngày. Cứ thế, mỗi năm, chuột có thể sinh sản 5-6 lứa và một lần như vậy từ 8 đến 12 con. Thế hệ con non sẽ được nuôi để làm thí nghiệm, phục vụ y học.
Đàn chuột lang có màu sắc trông khá bắt mắt ở trang trại. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Từ sáng sớm, chị Lê Thị Thu Hà, 47 tuổi, Phó trại chăn nuôi Suối Dầu đến các chuồng nuôi kiểm tra, đo thân nhiệt từng con. Con nào có nhiệt độ cao, nguy cơ bị bệnh, chị chuyển sang lồng khác, cách ly.
Các chậu chứa thức ăn thừa lại từ hôm trước, chị liền đổi rồi vun thêm những chiếc bánh cứng hình trụ, dài 3-4 cm. Đấy là thức ăn chế từ gạo, bột cá, bắp, đậu nành..., sau đó hấp sấy thật kỹ đảm bảo dinh dưỡng và được cung cấp thêm cỏ xanh giúp tăng khả năng sinh sản. Còn không gian sống phải làm vệ sinh liên tục, ngày vài lần.
Tốt nghiệp chuyên ngành chăn nuôi thú y, Đại học Nông Lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Hà về trang trại chăn nuôi làm từ năm 1997. Sau một năm nghiên cứu về thuốc thú y, nữ kỹ sư nhận nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc đàn chuột.
Chị Hà bảo, lúc đầu vào làm mùi hôi của chuột sực lên khắp người, bám vào quần áo rất khó chịu. Song tiếp xúc chúng mỗi ngày, rồi chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, chị dần dần quen và cảm mến. Có lúc, con nào bị bệnh, hay đẻ, chị cũng phải trắng mắt theo dõi, chăm sóc, giúp chị có nhiều cảm xúc và yêu đàn chuột. "Làm riết hơn 20 năm qua, đàn chuột trở nên thân thuộc với tôi. Mỗi lần nghỉ phép dăm ba hôm, không gặp chúng lại cảm thấy thiếu thiếu", chị Hà nói.
Theo nữ phó trang trại, công việc nuôi dưỡng đàn chuột không cực nhọc nhưng đòi hỏi sự ân cần, bởi phải luôn để mắt từng chút một, như "chăm con mọn". 15 nhân viên phụ trách luôn có mặt tại đơn vị trước 7h mỗi ngày. 30 Tết tất cả chưa được ở nhà cùng gia đình, đến mùng 3 phải đi làm lại và chia nhau trực trong các ngày nghỉ.
Chị Lê Thị Thu Hà - Phó Trại chăn nuôi Suối Dầu đang kiểm tra đàn chuột nhắt. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Gần đó, bác sĩ thú y Hà Thị Nga khá tất bật kiểm tra nhiệt độ của những chú chuột được tách ra khỏi đàn, nằm trong lồng riêng. Chị tỉ mỉ soi lông, mắt và đuôi của từng con. "Trong hôm nay, chúng sẽ được đưa đến trung tâm làm thí nghiệm, nên cần phải kiểm tra kỹ lưỡng", nữ bác sĩ thú y nói.
Hơn chục năm chăm sóc sức khỏe của đàn chuột, chị Nga bảo với công việc này thì vắng nhà một vài hôm vào dịp Tết là bình thường. "Tôi thấy hài lòng với công việc vì đúng chuyên môn, việc làm này cũng mang xứ mệnh cứu người", chị Nga nói.
Là tổ trưởng chăn nuôi động vật thí nghiệm, chị Nguyễn Thị Ngọc Trai cho hay, chuột lang và chuột nhắt có bộ gen gần giống như con người, nên được áp dụng trong các thí nghiệm các loại vắcxin, sinh phẩm và huyết thanh.
Chuột khi tiếp nhận từ trang trại đủ tiêu chuẩn nhanh nhẹn, lông mượt, mắt sáng, không bị ghẻ lở, bệnh bướu..., đưa về trung tâm sẽ được cách ly chừng ba ngày trong môi trường mới rồi mới đi kiểm định.
Đối với chuột lang tiêm vào bắp đùi lẫn ổ bụng; còn chuột nhắt chỉ tiêm vào ổ bụng. Chúng sẽ được theo dõi thay đổi trong hai giờ đầu và giám sát sức khỏe trong bảy ngày. Khoảng thời gian đó, con nào có biểu hiện bất thường thì kiểm tra lại. "Nếu nguyên nhân từ bệnh lý thì loại bỏ, còn xuất phát từ vắcxin hay huyết thanh thì bình thường, có thể đưa vào sử dụng", chị Trai nói.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC cho hay, nhờ sự tận tụy của những người làm việc tại trang trại, mỗi năm có khoảng 80.000 con chuột được đưa đến các viện nghiên cứu, hiến mình cho những liều vắcxin. Những loài thuốc mới cũng được ra đời, giúp ngăn ngừa và giảm bệnh tật cho con người.
Sắp tới, Viện IVAC sẽ đầu tư thêm nguồn giống chuột từ Thuỵ Sĩ, Thái Lan..., nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu kiểm định và thí nghiệm y học.
Xuân Ngọc/vnexpress.net
https://vnexpress.net/thoi-su/dan-chuot-hien-than-cho-y-hoc-4042250.html