Cổ vật là những di vật có giá trị về lịch sử văn hoá, có tuổi từ 100 năm trở lên. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Lạng Sơn là nơi còn lưu giữ nhiều loại hình cổ vật khác nhau. Trên những cổ vật của Lạng Sơn, bên cạnh các đồ án hoa văn trang trí như hổ, hổ phù, chim phượng, rùa, mặt trời, hoa cúc, hoa mẫu đơn… hình tượng con rồng xuất hiện mang những ý nghĩa riêng đầy thú vị.
Rồng trên quai chuông chùa Hiển Ứng (Lộc Bình) có niên đại năm Thịnh Đức thứ 5(1657)
Trong 12 con giáp thì rồng là con vật duy nhất không có trên thực tế mà là một con vật dân gian hư cấu nên để thần thánh hoá sức mạnh và sự linh thiêng của nó. Rồng có thể bay trên trời, bơi dưới nước và bò trên mặt đất. Rồng đứng đầu “tứ linh” (Long, ly, quy, phượng) với một hình dạng rất đặc biệt: trán lạc đà, mồm sư tử, tai thú, sừng hươu, mình rắn, vảy cá chép, móng chim ưng… Vẻ dữ tợn của rồng càng tăng thêm khi trên đầu có bờm, râu rất dài, luôn bay ngược về phía sau. Chính vì vậy, rồng thường được dùng trang trí ở các di tích tôn giáo tín ngưỡng để thể hiện tính linh thiêng của di tích. Các triều đại phong kiến Việt Nam cũng chọn rồng làm biểu tượng cao quý của nhà vua và vương quyền. Vì vậy, suốt chiều dài lịch sử của quê hương đất nước, rồng đã xuất hiện trong nhiều di vật còn đến hôm nay.
Ở Lạng Sơn hiện chưa tìm thấy các khối tượng rồng cổ tồn tại độc lập mà chủ yếu là các hình dùng để trang trí trên nhiều chất liệu: đồng, đá, gốm sứ, gỗ… Có thể thấy, đồ án trang trí hình rồng có niên đại xưa nhất là vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) – thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Đó là hình đôi rồng khá lớn có bốn chân bám chặt vào đỉnh chuông và đấu lưng vào nhau tạo thành quai của chiếc chuông chùa Hiển Ứng (xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình). Đây được xem là con rồng có niên đại cổ nhất hiện biết ở Lạng Sơn, tạo tác năm Thịnh Đức thứ 5 (1657), đời vua Lê Thần Tông. Rồng có thân mập mạp, đầu có hình đao mác uốn lượn, đầu đao nhọn, nằm ngang mang đặc trưng điển hình của thời Lê Trung Hưng. Trên một cạnh của bia Thuỷ Môn Đình (tạo tác năm Cảnh Trị thứ 8 – 1670) cũng có một bức chạm rồng chầu rất đẹp. Ở đó, rồng được dùng để trang trí toàn bộ cạnh bên của bia trong một khung bo hình chữ nhật. Đầu rồng hướng về phía chân bia, thân rồng uốn lượn 3 khúc mềm mại, xung quanh có mây lửa khiến hình rồng chầu nhưng lại như đang bay lượn trên bầu trời. Rồng đăng đối với hình hổ dũng mãnh ở cạnh kia trên bia Thuỷ Môn Đình đã tạo nên một mô típ quen thuộc của tạo hình Việt Nam “rồng chầu, hổ phục”, mang ý nghĩa rất linh thiêng và đầy uy lực. Trong văn bia, rồng được sử dụng khá nhiều để trang trí ở trán bia và diềm bia. Phổ biến nhất dùng đồ án “lưỡng long triều nhật” (hai con rồng chầu mặt trời) trên trán bia. Bia Chùa Thành chế tác đời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) có mặt trước và mặt sau của trán bia đều trang trí đồ án hoa văn này. Trên trán bia “Trùng tu miếu Văn Thánh” ở di tích Văn miếu (Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) chế tác năm Thành Thái thứ 12 (1900) trang trí một đôi rồng ẩn trong mây (long vân) chầu mặt trời. Đôi rồng này được chạm khắc rất đẹp và tinh xảo, mang đặc trưng điển hình của thời Nguyễn (Việt Nam). Cũng là rồng, nhưng trên mặt trước tấm bia chùa Trung Thiên ở Tú Đoạn (Lộc Bình) tạo tác năm Chính Hoà thứ nhất (1680) lại sử dụng hai con rồng để trang trí dọc hai bên diềm bia. Một con trong thế bay lên, một con chầu ngược về phía chân bia, thân rồng uốn khúc tạo nên những đường viền mềm mại hình mái ngói cho diềm bia. Có thể nói, đó là những đồ án trang trí rồng cổ có niên đại xưa nhất, giàu tính bản địa mà Lạng Sơn hiện còn giữ được.
Rồng trên bảo vật Quốc gia bia Thuỷ Môn Đình chế tác năm 1670 (Hiện vật bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)
Trong các di vật thời Nguyễn (thế kỷ XIX, XX) ở Lạng Sơn thì hình rồng chủ yếu được trang trí trên sắc phong. Lạng Sơn là nơi có khá nhiều sắc phong hiện đang lưu giữ ở các đình, đền chùa, chủ yếu là sắc phong đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại,… nhưng nhiều nhất là sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924). Một số có niên đại sớm hơn, thuộc về thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) nhưng rất hiếm. Trên sắc phong, chúng ta thường thấy hình một con rồng phủ nhũ bạc óng ánh hoặc có màu nâu sẫm hiện lên trên nền vàng tươi của giấy sắc. Rồng luôn trong tư thế chuyển động từ phải sang trái, đầu ngoái lại, miệng há to, râu và bờm dài bay ngược về phía sau đầy dũng mãnh. Hình ảnh con rồng uốn lượn như bay trên bầu trời giữa mây lửa và các vì tinh tú tạo nên vẻ đẹp lấp lánh của quyền uy tối thượng và sự trang nghiêm trong các văn bản vua ban.
Ngoài những di vật trên đây, chúng ta còn thấy hình rồng trên đồ gốm sứ, đồ đồng có nguồn gốc từ nhiều nơi được đã được lưu hành ở Lạng Sơn qua các thời kỳ lịch sử khác nhau hoặc thuộc sở hữu của Bảo tàng do các cơ quan chức năng chuyển giao. Đó là hình rồng trên bát hương, trên bình, lọ, bát, đĩa… thời Minh, Thanh (Trung Quốc, thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX), thời Lê Sơ đến thời Nguyễn (Việt Nam, thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX). Hình rồng trên đồ gốm được thể hiện rất phong phú, đa dạng, bao gồm “vân – long” (rồng – mây), “viên long” (rồng cuộn tròn), “long ẩn vân” (rồng ẩn trong mây), dây lá hoá rồng, rồng chầu mặt trời hoặc lưỡng nghi (biểu tượng âm, dương)…
Rồng là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ dân gian, mang đậm dấu ấn lịch sử, bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam. Là linh vật đứng đầu “tứ linh”, rồng xuất hiện trên cổ vật có ý nghĩa biểu tượng cho quyền uy của vua chúa, sức mạnh và sự thiêng liêng cao cả. Rồng còn tượng trưng cho quan niệm mưa thuận gió hoà của cư dân vùng canh tác lúa nước. Mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi triều đại phong kiến khác nhau rồng lại mang một đặc trưng riêng biệt. Trong cùng một thời kỳ, rồng trang trí ở các di tích, di vật thường nhất quán với nhau. Do đó, nhìn vào hình rồng có thể nhận biết được niên đại tương đối của cổ vật. Hình ảnh rồng trên cổ vật trên vùng đất Lạng Sơn là những tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Việt Nam nói chung và người Xứ Lạng nói riêng. Đó là những di sản văn hoá quý báu của dân tộc cần được gìn giữ vĩnh viễn để phục vụ nghiên cứu làm sáng tỏ những năm tháng đã qua của Xứ Lạng – một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hiến ở nơi địa đầu Tổ quốc.
Rồng trang trí trên diềm bia chùa Trung Thiên (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình) có niên đại năm Chính Hoà thứ nhất (1680)
Theo baolangson.vn