Vượt qua số phận

Thứ 3, 13.02.2024 | 14:37:30
785 lượt xem

Đó là những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể, bị khuyết tật vận động, khiếm thị, khiếm thính… nhưng với ý chí kiên cường, không khuất phục số phận, họ đã vươn lên khẳng định bản thân.

Bà Vi Thị Điềm (ngồi hàng đầu trong ảnh) bên khách hàng và những sản phẩm từ len của mình 

Bà Lương Thị Hiền (sinh năm 1978, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) sinh ra vốn không được may mắn khi một mắt của bà không nhìn được, mắt còn lại thị lực 2/10. Năm 1998, bà gặp và bén duyên cùng ông Mông A Dũng (sinh năm 1975, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cũng là người khiếm thị. Niềm vui của gia đình bà được nhân đôi khi hai đứa con lần lượt chào đời đều rất khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác. Những ngày đó, con cái còn nhỏ, cuộc sống khó khăn, song vợ chồng bà không nản chí mà luôn nỗ lực để vươn lên. Bà Hiền quyết tâm học nghề nấu phở của mẹ chồng để mưu sinh. Với sự tần tảo và chăm chỉ của bản thân, bà nhanh chóng học được nghề và mở một cửa hàng bán phở ngay tại nhà để phục vụ người dân xung quanh. Còn ông Dũng, ông học nghề tẩm quất và làm tại một cơ sở tẩm quất ngay trong thành phố để tiện cho việc phụ giúp vợ chăm lo con cái. Nhờ sự chịu thương chịu khó đó nên trung bình mỗi tháng hai vợ chồng bà có thêm nguồn thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng. Giờ đây, hai đứa con bà đã trưởng thành, cậu con trai cả đã đi làm tự nuôi sống được bản thân, cô con gái út hiện đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Kinh tế quốc dân.

Trải lòng với chúng tôi, bà Hiền cho biết: Với suy nghĩ còn sức khỏe là còn cố gắng lao động để lo cho gia đình và không vì khiếm khuyết của bản thân mà mặc cảm, trở thành gánh nặng cho người thân, xã hội nên vợ chồng tôi luôn động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để nuôi dạy các con thật tốt. Tôi mong rằng những người khuyết tật (NKT) khác cũng đừng mặc cảm, tự ti và hãy biết trân trọng mỗi giây phút đi qua, để sống có ích, ý nghĩa hơn.

Chị Lương Thị Hiền, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng (NKT vận động) đã vượt qua khó khăn, vươn lên tự nuôi sống bản thân bằng nghề may. Năm 2023 được tôn vinh là 1 trong 66 cá nhân được biểu dương là phụ nữ khuyết tật có việc làm, thu nhập ổn định xây dựng gia đình hạnh phúc 

Cũng như bà Hiền, bà Vi Thị Điềm (sinh năm 1972, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) vốn được biết đến là tấm gương NKT vượt lên nghịch cảnh bằng sự nỗ lực. Từ năm 1995 đến năm 2005, bà là giáo viên dạy môn Hóa học tại Trường THPT Cao Lộc. Những tưởng cuộc sống êm ả cứ thế trôi đi nhưng đến năm 2001, đôi mắt cùng đôi chân của bà cứ yếu dần bởi căn bệnh viêm tủy, đến năm 2005, đôi chân của bà vĩnh viễn không thể đi lại được nên dù rất yêu nghề, bà đành bỏ dở công việc này. Bà Điềm nhớ lại: Đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi khi phải gác lại ước mơ của mình. Nhà lại gần trường nên mỗi khi nhìn thấy học sinh, đồng nghiệp đến lớp tôi lại thêm đau lòng, mặc cảm khi nhận thấy bản thân bỗng dưng trở thành NKT. Thậm chí, có những lúc tôi không còn muốn sống nhưng rồi được gia đình, bạn bè động viên, tôi nhận ra mình còn may mắn hơn rất nhiều người nên quyết định phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để vượt qua.

Từ năm 2016 đến nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức trên 20 lớp tập huấn, dạy nghề về tẩm quất, làm chổi chít, cắt may… cho hơn 1.500 lượt NKT tham gia. Sau khi được tập huấn, dạy nghề đã có trên 1.000 lượt NKT có việc làm. Đặc biệt, hội còn thành lập các cơ sở sản xuất nhằm tạo việc làm cho NKT như: cơ sở đan chổi chít (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) tạo việc làm ổn định cho 5 đến 7 người với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng; cơ sở may NKT (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) tạo việc làm cho 16 người với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng…

Từ đó, bà tìm kiếm những công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân và nhận thấy việc đan móc len thủ công rất thú vị. Từ năm 2010, bà học theo các video trên mạng dạy đan, móc sản phẩm len như: hoa len; gấu bông bằng len; móc khóa len… Với năng khiếu và sự tỉ mỉ, các sản phẩm của bà làm ra rất đẹp, được khách hàng ưa thích bởi sự độc đáo lẫn giá thành phải chăng. Khoảng 10 năm nay, ngoài việc bán sản phẩm cho khách đến mua trực tiếp tại nhà, bà còn quảng bá sản phẩm của mình qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh đặt mua. Từ đó đến nay, việc móc, bán sản phẩm len đem lại cho bà thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Có thể số tiền trên với một người khỏe mạnh bình thường thì chưa phải là cao nhưng với một NKT như bà thì nó thể hiện sự nỗ lực phi thường của bản thân.

Bà Hiền, bà Điềm chỉ là hai trong số nhiều NKT trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vươn lên bằng tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, vượt qua những mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Theo thống kê sơ bộ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (BTNKT&BVQTE) tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 14.200 NKT. Trong đó, có gần 50% NKT đã tìm được cho mình một công việc ổn định có mức thu nhập trên 50 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10% so với năm 2019).

Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội BTNKT&BVQTE tỉnh cho biết: Để góp phần sẻ chia, giúp NKT vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: trao tặng trên 2.000 chiếc xe lăn cho NKT; tặng trên 11.000 suất quà tết cho NKT; đào tạo dạy nghề; hỗ trợ sinh kế… Qua đó, kịp thời động viên NKT và góp phần vào thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, hội tổ chức trên 20 lớp tập huấn, dạy nghề về tẩm quất, làm chổi chít, cắt may… cho hơn 1.500 lượt NKT tham gia. Sau khi được tập huấn, dạy nghề đã có trên 1.000 lượt NKT có việc làm. Đặc biệt, hội còn thành lập các cơ sở sản xuất nhằm tạo việc làm cho NKT như: cơ sở đan chổi chít (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) tạo việc làm ổn định cho 5 đến 7 người với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng; cơ sở may NKT (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) tạo việc làm cho 16 người với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng… Đáng chú ý, hội còn tổ chức hỗ trợ sinh kế cho NKT như: hỗ trợ vốn, hỗ trợ cây, con giống… Tiêu biểu như tháng 4/2023, hội hỗ trợ sinh kế cho 5 NKT tại các huyện: Hữu Lũng, Bình Gia, Cao Lộc (mỗi NKT được hỗ trợ 20 triệu đồng để phát triển kinh tế). Sau khi được hỗ trợ, các hội viên đã dùng vốn để mua máy tính phục vụ bán hàng online; thiết kế đồ họa; chăn nuôi lợn, gà; trồng cây ăn quả… Đơn cử như chị Lâm Thị Định, NKT tại xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia đã sử dụng số tiền trên để mua máy tính làm đồ họa, thiết kế các loại logo cho cơ sở may NKT (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cho thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Cùng đó, hội còn tổ chức tôn vinh NKT tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Từ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của cộng đồng và từ chính sự nỗ lực của bản thân, nhiều NKT trên địa bàn tỉnh đã vươn lên trở thành những tấm gương sống đầy nghị lực, truyền năng lượng tích cực cho cộng đồng.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/642946-vuot-qua-so-phan.html

  • Từ khóa