Sau nhiều năm triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gắn với tái thiết đô thị, tiến độ cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn rất chậm trễ, trong đó "nút thắt" chính được xác định là hệ số bồi thường và tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư.
Nhà G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Ðình, Hà Nội) đã xuống cấp, cần cải tạo, xây dựng lại.
Sau hai lần tiến hành kiểm định chất lượng, chung cư cũ G6A Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Ðình đều cho kết quả nhà nguy hiểm cấp độ D, cấp độ buộc phải di dời người dân và tài sản ra khỏi tòa nhà để cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, sau hơn bảy năm cơ quan kiểm định công bố kết luận về chất lượng tòa nhà và Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình đã nhiều lần vận động, tổ chức đối thoại, rào chắn cảnh báo nguy hiểm, nhưng công tác di dời người dân ra khỏi tòa nhà vẫn gặp không ít khó khăn. Thậm chí, không ít người dân chủ quan, coi thường tính mạng và tài sản của bản thân, vẫn cố tình không chịu di dời.
Phần lớn người dân đều đồng tình, ủng hộ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm để cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người dân rất băn khoăn, lo lắng về hệ số bồi thường, bố trí tái định cư và năng lực của chủ đầu tư.
Anh Nguyễn Văn H., người dân sinh sống tại nhà G6A cho biết, gia đình anh đã di chuyển khỏi tòa nhà nguy hiểm đến nơi tạm cư được gần bảy năm, cuộc sống có nhiều xáo trộn, nhưng đến nay vẫn chưa biết ngày trở về. Phương án bồi thường, hệ số đền bù, chính sách tái định cư cho người dân, chủ đầu tư thực hiện dự án… đều chưa có. Anh rất lo lắng chưa biết gia đình mình với năm nhân khẩu, sẽ được bố trí căn hộ tái định cư diện tích bao nhiêu; số tiền đền bù liệu có đủ chi trả cho phần diện tích chênh lệch giữa căn hộ mới với căn hộ cũ của gia đình chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hơn 30 m2, cộng với phần diện tích cơi nới hơn 20 m2…
Ðể đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư nguy hiểm, Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm năm tòa nhà: G6A, G6B, G22, G23, G24, trong đó đề xuất dành riêng khu đất tòa G6A và G6B hiện tại để xây dựng chung cư cao tầng phục vụ tái định cư cho tất cả các hộ dân.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình, khu đất đề xuất xây dựng tòa nhà tái định cư có vị trí đẹp, mặt đường rộng, nhìn thẳng ra công viên, kết nối giao thông thuận lợi, mang lại điều kiện sống tốt nhất cho cư dân. Nếu việc lấy ý kiến người dân, phê duyệt phương án thuận lợi, chính quyền sẽ tổ chức hội nghị với các nhà đầu tư để người dân lựa chọn chủ đầu tư đưa ra thỏa thuận về hệ số bồi thường, cam kết về chất lượng, tiến độ thi công phù hợp nhất để thực hiện dự án ngay trong năm 2024. Ngược lại, nếu người dân không đồng tình, muốn tái định cư tại chỗ thì tiến độ giải phóng mặt bằng, lập phương án bồi thường, bố trí tái định cư mất nhiều thời gian và khó khăn, phức tạp.
Không chỉ đối với chung cư nguy hiểm-loại nhà buộc phải phá dỡ, xây dựng lại, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm qua cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 1.500 chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Ðề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, với các kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể. Ðề án đã thu hút gần 100 nhà đầu tư quan tâm, mong muốn được triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Sở Xây dựng thường xuyên rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhưng mới chỉ có hai dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng là chung cư 3A Quang Trung, phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) và dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 tại số 93 phố Láng Hạ, phường Láng Hạ (quận Ðống Ða). Ðến cuối năm 2023, thành phố mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 tòa chung cư cũ, đạt tỷ lệ hơn 1%.
Nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chậm trễ là do vướng mắc trong việc thống nhất phương án bồi thường giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu căn hộ chung cư rất khó khăn. Chủ sở hữu căn hộ, nhất là các hộ dân tại tầng 1 thường yêu cầu hệ số bồi thường cao, trong khi quy hoạch chung cư giới hạn tầng cao, diện tích sàn xây dựng có hạn, dẫn đến chủ đầu tư khó cân đối hiệu quả tài chính của dự án.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định về hệ số bồi thường làm căn cứ để các địa phương, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với người dân.
Ðại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mỗi chung cư cũ nằm ở một vị trí khác nhau; quy hoạch và mật độ dân số cũng khác nhau, cho nên việc xác định hệ số bồi thường không thể giống nhau. Vì thế, cuối năm 2023, Sở Xây dựng đã có tờ trình kèm dự thảo quyết định về việc ủy quyền cho ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, nơi có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại, phê duyệt hệ số bồi thường khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quản lý, trên tinh thần bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Mới đây, tại phiên họp tháng 2/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất ủy quyền cho ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phê duyệt hệ số bồi thường và ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư đối với từng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Ðình Minh cho rằng, việc thành phố Hà Nội ủy quyền cho ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phê duyệt hệ số bồi thường và ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư đối với từng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ sẽ góp phần tháo gỡ "nút thắt", đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Các quận, huyện, thị xã nắm được chính xác vị trí từng dự án, quy mô dân số cũng như toàn bộ quy hoạch chung cư cũ tại địa bàn cho nên việc tính toán hệ số bồi thường sẽ phù hợp nhất, bảo đảm tiêu chí hiệu quả cho chủ đầu tư, quyền lợi cho người dân, gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị. Sở Xây dựng sẽ phối hợp cùng các địa phương trong việc xác định hệ số bồi thường, lựa chọn chủ đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo nhandan.vn