Nhận định đường 70 đoạn Hà Đông - nút giao Tứ Hiệp là tuyến trọng yếu nhưng đã xuống cấp nặng nề, Hà Nội thống nhất dành gần 5.500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến đường này giai đoạn 2024-2028.
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nội dung về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021-2025 cấp thành phố.
Theo đó, trong số 27 dự án được UBND TP trình, các đại biểu đã biểu quyết thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư 25 dự án, bao gồm 3 dự án nhóm A.
Dự án thứ nhất là cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển - nút giao Tứ Hiệp. Theo đó, thành phố dự kiến xây dựng tuyến đường dài 7,08km, mặt cắt ngang 50m. Điểm đầu nối với khu đô thị Văn Quán, điểm cuối tại nút giao Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì.
Tuyến đường này dự kiến kết nối với đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.484 tỷ đồng, nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện giai đoạn 2024-2028.
Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển chạy qua nhiều trường học, bệnh viện lớn nhưng đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng (Ảnh: Mạnh Quân).
Ngoài xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình, dự án được đầu tư thêm 3 cầu trên tuyến, bao gồm: xây mới cầu vượt sông Tô Lịch và quốc lộ 1A, xây mới cầu qua sông Hòa Bình, mở rộng cầu Tó qua sông Tô Lịch.
Để thực hiện, Hà Nội tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành một dự án thành phần với vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND quận Hà Đông.
Theo tính toán, để thi công dự án trên, huyện Thanh Trì có khoảng 200 hộ dân cần di dời với tổng diện tích đất bị thu hồi hơn 41.300m2, trong khi quận Hà Đông có 193 hộ với tổng 6.163m2 đất bị thu hồi.
"Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã tính toán áp dụng đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng đất ở cho các hộ này theo đề nghị, yêu cầu, nguyện vọng của chính quyền địa phương và cao sát giá thị trường. Nên việc giải phóng mặt bằng sẽ không gặp nhiều khó khăn", UBND TP Hà Nội cho biết.
Dự án cải tạo đường tỉnh 70 nối từ đường Nguyễn Khuyến, Hà Đông qua Văn Điển đến nút giao Tứ Hiệp (đường màu cam) (Ảnh: Hà Mỹ).
Đánh giá về sự cần thiết của dự án trên, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết những năm gần đây, khu vực phía nam thành phố đô thị hóa tăng nhanh, nhiều khu đô thị và các chung cư cao tầng được xây mới, làm mật độ dân số tăng cao cùng hệ thống bệnh viện, trường học phát triển.
Vì vậy, tuyến đường 70 thường xuyên ùn tắc giao thông kéo dài, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Một số điểm ùn tắc cục bộ trầm trọng vào giờ cao điểm như trước cổng Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều, nút giao đường 70 với đường Chu Văn An, đoạn qua cầu Tó...
Dự báo thời gian tới, lưu lượng giao thông tiếp tục tăng, trong khi đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển đang xuống cấp nặng. Đây còn là tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố, kết nối với các trục hướng tâm và đường vành đai.
Do đó, cơ quan thẩm tra đánh giá việc triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường trên là rất cần thiết.
Đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải
Dự án nhóm A thứ hai được duyệt chủ trương đầu tư là xây dựng hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án được đặt mục tiêu cải thiện môi trường sống của người dân các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì.
Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 2.598 tỷ đồng, dự kiến thực hiện giai đoạn 2025-2030.
HĐND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024, chiều 29/3 (Ảnh: Thanh Hải).
Cùng với đó, HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải tây sông Nhuệ. Tổng mức đầu tư khoảng 2.950 tỷ đồng, dự kiến thực hiện giai đoạn 2025-2030 với công suất xử lý đến năm 2035 là gần 70.000m3/ngày đêm.
Tại kỳ họp chuyên đề ngày 29/3, HĐND TP Hà Nội cũng quyết nghị phê duyệt điều chỉnh văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị.
Theo đó, tổng vốn dự án sau khi điều chỉnh là gần 343 tỷ đồng, tương đương hơn 14 triệu USD. Nguồn vốn không hoàn lại của ADB và EU.
Cũng liên quan đường sắt đô thị, Hà Nội thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ chủ đầu tư quản lý đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Tổng mức đầu tư là hơn 6,53 triệu USD, bao gồm 5,8 triệu USD vốn vay ODA của ADB, còn lại 720.000 USD từ vốn ngân sách thành phố.
Theo dantri.com.vn