Thông điệp về chiến thắng của văn hóa Việt Nam

Chủ nhật, 05.05.2024 | 09:12:35
528 lượt xem

Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như giới sử học Pháp chắc hẳn còn nhớ câu nói nổi tiếng của học giả Gustave Dumoutier (1850-1904), một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự uyên bác của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian, khi được chứng kiến hội Gióng ở Gia Lâm (Hà Nội) đã phải thốt lên rằng: “Thử hỏi ở châu Âu cổ kính của chúng ta có một dân tộc nào có được một lễ hội như

1. Với quy mô của một lễ hội về một anh hùng dân tộc (dù chỉ là truyền thuyết), nhưng Dumoutier đã nhìn thấy tiềm năng to lớn về sức mạnh của người Việt thông qua một sinh hoạt văn hóa nhằm khơi dậy và khích lệ lòng yêu nước, ý chí quật cường của một dân tộc.

Thực tế cuộc cách mạng long trời lở đất Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh điều đó và sau đó là chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” năm 1954. Người Pháp đã hiểu ra những thất bại cay đắng của họ ở Việt Nam và đã khuyên người Mỹ, song rất tiếc, lịch sử lại lặp lại đối với người Mỹ trong thập niên 1960-1970. Người Pháp từng ỷ vào sức mạnh kinh tế, vào vũ khí vượt trội nhưng không hiểu ý chí vĩ đại tiềm ẩn trong tâm thức chống ngoại xâm của người Việt, đó chính là sức mạnh văn hóa-một thông điệp khải hoàn về chiến thắng của người Việt Nam.

Thông điệp về chiến thắng của văn hóa Việt Nam
 
Thông điệp về chiến thắng của văn hóa Việt Nam

 Nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế hát vang ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” trong chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - núi vọng sông rền” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TUẤN HUY

Trong suốt quá trình lịch sử của đất nước, người Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục và chấp nhận kẻ xâm lược tồn tại trên quê hương mình. Thực tế cho thấy, từ khi đất nước được hình thành, dù phải hy sinh biết bao xương máu song người Việt Nam luôn tìm mọi cách đánh đuổi kẻ xâm lược khỏi đất nước mình, giành lại tự do, độc lập. Tâm lý chống ngoại xâm luôn thường trực trong mỗi con người Việt Nam như một loại gen văn hóa. Các triều đại phong kiến trước đây đã có đường lối nhất quán trong việc khích lệ lòng yêu nước của nhân dân thông qua các truyền thống văn hóa từ đời này qua đời khác. Bằng chứng cho điều đó là việc “nâng cấp” các vị thần linh được thờ phụng ở các làng, bản trên khắp đất nước, dù họ là thần sấm, thần mây, thần mưa hay thần nước, thần cây, thần núi... song họ được các triều đại “mặc” cho một "lớp áo" để trở thành các anh hùng dân tộc bằng xương bằng thịt, dù họ chỉ là những anh hùng trong truyền thuyết như Thánh Gióng, hay nhiều nhân vật khác.

Lịch sử qua đi, khi các cuộc chống ngoại xâm càng nhiều thì cùng với đó là sự xuất hiện của những anh hùng có thực, là con người cụ thể, được người dân thờ phụng và ghi danh, khiến cho danh sách các vị anh hùng đó nhiều lên, như: Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão... Những đền thờ, nghi thức thờ phụng, lễ hội nhằm nhớ ơn các vị anh hùng chính là cách mà chính quyền phong kiến giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân, hướng đến việc huy động nhân dân cùng đồng lòng trong cuộc chống ngoại xâm ở những giai đoạn tiếp theo. Và truyền thống đó vẫn còn được kéo dài, duy trì cho tới tận ngày nay. Để rồi trong mỗi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm khác nhau, truyền thống đó lại được huy động vào cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, như điều mà Tố Hữu đã viết trong cuộc trường chinh chống Mỹ: “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” là như vậy. Người Việt Nam thắng giặc ngoại xâm bằng văn hóa hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Việt Nam còn có một nét văn hóa khác trong lịch sử dân tộc, đó là thực tế các triều đại đã qua của đất nước, trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống xâm lược, vua quan triều đình luôn rời khỏi thủ đô để tiến hành các cuộc chiến đấu.

Thông điệp về chiến thắng của văn hóa Việt Nam
 
Thông điệp về chiến thắng của văn hóa Việt Nam
 Tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta trong chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - núi vọng sông rền”. Ảnh: TUẤN HUY

2. Nếu như ở nhiều nước phương Tây, trong lịch sử thời trung cổ, khi mất thủ đô là mất nước, chính quyền đầu hàng, thì ở Việt Nam, mất thủ đô là chuyện bình thường, thậm chí nhiều triều đại phong kiến còn chủ động “vườn không, nhà trống” để bảo toàn lực lượng và bộ máy chính quyền. Họ đi về các làng, lấy làng làm bàn đạp kháng chiến và một ngày nào đó trở lại một cách vinh quang để giành lại thủ đô, hoàn thành sứ mệnh của cuộc kháng chiến. Từ đây, có thể thấy vai trò của làng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của Việt Nam. Làng Việt là tế bào nhỏ nhất nhưng cũng bền bỉ, kiên trì và mạnh mẽ nhất, góp phần vào tất cả các chiến thắng của đất nước. Đây là nơi cung cấp nhân lực, vật lực quan trọng nhất cho tất cả các cuộc chiến tranh. Để có được nguồn nhân lực, vật lực đó và đặc biệt là để nguồn nhân lực, vật lực đó sẵn sàng đáp ứng cho chính quyền Trung ương ở mọi thời đại thì văn hóa làng chính là cái hun đúc, xây dựng và tạo nên nguồn lực đó.

Những người nông dân mặc áo lính là đội quân chủ lực trong mọi cuộc chiến, họ được rèn giũa, được tôi luyện và dạy dỗ từ những phong tục, tập quán, truyền thống của văn hóa làng. Bởi vậy mà dù họ có là những người xa lạ khi mới gặp nhau, như Chính Hữu viết: “Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau” trong kháng chiến chống Pháp, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Song, khi đã “Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”, bởi họ gặp nhau ở truyền thống yêu nước được hun đúc từ làng của họ và gắn kết với nhau khi cùng chung chiến hào chống kẻ thù xâm lược. Khi truyền thống ấy được khơi dậy, họ sẵn sàng: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” (“Đồng chí”). Cái “giếng nước gốc đa” ấy chính là toàn bộ văn hóa làng của người lính đã đồng hành với họ ra trận. Bởi họ hiểu rằng, nếu quê hương bị giày xéo, đất nước bị xâm lược thì không chỉ nhà họ, ruộng nương của họ, làng họ... mà cả đất nước này, dân tộc này bị mất, tự do, độc lập không còn thì đâu còn cuộc sống bình yên.

 3. Để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, không phải chỉ từ những hy sinh xương máu của các chiến sĩ trên chiến trường: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai... Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...”. Đó là những người trực tiếp đối mặt với kẻ thù để chiến đấu. Song còn biết bao người khác vừa có tên, vừa không tên âm thầm góp sức cho cuộc chiến đấu vĩ đại ngoài mặt trận kia. Đó là “Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện/ Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến...” (“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, Tố Hữu)-những dân công đi tải đạn, chuyên chở lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh không kém gì ngoài mặt trận.

Những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương cũng góp phần đáng kể vào cuộc kháng chiến. Đó là những bà mẹ ngày ngày bớt ăn, bỏ một nắm gạo vào hũ gạo kháng chiến, những phụ nữ dù khó khăn, vất vả bao nhiêu vẫn “Rét thì mặc rét, nước làng em lo/ Nhà em phơi lúa chưa khô/ Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong/ Nhà em con bế con bồng/ Em cũng theo chồng đi phá đường quan” (“Phá đường”, Tố Hữu). Cả một đội quân hùng hậu hướng về tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, tất cả để giành được độc lập. Những đoàn dân công hỏa tuyến từ các nẻo Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và các tỉnh từ trung du tới miền núi rầm rập đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Giống như sau này cả nước cùng ra trận chống Mỹ, thì Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc chiến tranh của sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam. Và chiến thắng đó là chiến thắng của văn hóa Việt Nam trước sức mạnh vũ khí thực dân Pháp.

Tất cả những điều đó làm nên bản anh hùng ca chiến tranh nhân dân, một thông điệp khải hoàn về chiến thắng của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy mà các nhà nghiên cứu cũng như nhiều chính khách, cả Pháp trước đây và Mỹ sau này, đã nhận định, chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của văn hóa, mà Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thông điệp như vậy.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/thong-diep-ve-chien-thang-cua-van-hoa-viet-nam-775581

  • Từ khóa