Những năm qua, việc kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nhằm tạo hiệu quả hơn nữa trong công tác này, năm nay, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã đổi mới công tác kiểm tra, qua đó, kịp thời khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng công tác CCHC, xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh.
Đoàn kiểm tra CCHC của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh kiểm tra tại Bộ phận "một cửa" UBND phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn
Từ năm 2021 đến hết năm 2023, chỉ số CCHC của tỉnh xếp hạng không ổn định, gần đây nhất, năm 2023, mặc dù tỉnh đạt 85,94%, xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố, tăng 4,49% và tăng 7 bậc so với năm 2022, tuy nhiên vẫn trong nhóm thấp. Năm 2024, bên cạnh các giải pháp khác, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường kiểm tra CCHC, kịp thời phát hiện xử lý vướng mắc sau kiểm tra.
Nhiều điểm mới trong công tác kiểm tra
Kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong quản lý, chỉ đạo, điều hành CCHC. Từ năm 2023 trở về trước, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã giao Sở Nội vụ (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh) tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra công tác CCHC lồng ghép với kiểm tra kỷ luật kỷ cương hành chính đối với 3 - 4 sở, ngành, UBND cấp huyện/năm, tuy nhiên cách làm này chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Năm 2024 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về CCHC nhà nước tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tại hội nghị phân tích chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số CCHC (PAR INDEX) tỉnh cuối tháng 5 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát công tác CCHC ở cơ sở, kịp thời khắc phục hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai.
Thực hiện chỉ đạo đó, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường, đổi mới công tác kiểm tra, nhằm đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi kế hoạch giai đoạn đã đề ra. Theo đó, ngày 29/5/2024, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80 về việc kiểm tra công tác CCHC tại 11/11 huyện, thành phố, mỗi đơn vị kiểm tra thực tế tại bộ phận “một cửa” 2 xã và bộ phận “một cửa” cấp huyện.
Triển khai kế hoạch, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng Ban Chỉ đạo), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ (Phó Trưởng Ban Chỉ đạo) và một số thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn kiểm tra trực tiếp công tác CCHC. Đây chính là một trong những điểm mới của công tác kiểm tra năm 2024 so với những năm trước.
Ngoài ra, nội dung kiểm tra năm nay có sự sâu sát hơn, tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; tuyên truyền CCHC; áp dụng các sáng kiến, giải pháp mới về CCHC; kết quả triển khai các nội dung của công tác CCHC; việc triển khai, thực hiện các biện pháp, giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số đánh giá CCHC của đơn vị, của tỉnh theo kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh...
Theo thông báo kết luận kiểm tra của các đoàn cho thấy, ngay từ đầu năm 2024, công tác CCHC được đa số lãnh đạo các đơn vị quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản triển khai các nhiệm vụ CCHC và tổ chức thực hiện cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đề ra; ban chỉ đạo CCHC các huyện, thành phố đã được kiện toàn kịp thời; công tác kiểm tra CCHC cơ bản được quan tâm thực hiện; các nội dung của công tác CCHC cơ bản được triển khai thực hiện đúng quy định; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” tại một số UBND cấp huyện, cấp xã cơ bản bảo đảm theo quy định, trụ sở được bố trí riêng, khang trang, hiện đại; công chức tiếp nhận TTHC am hiểu chuyên môn, giao tiếp tốt, có thể nghiên cứu, nhân rộng như UBND huyện Lộc Bình; Tràng Định; Cao Lộc; thành phố Lạng Sơn và UBND các xã: Nhân Lý, huyện Chi Lăng; Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn; Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng...
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đánh giá: Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các huyện, thành phố đã quan tâm, triển khai và xây dựng các văn bản, kế hoạch về xây dựng chính quyền điện tử chính quyền số, chuyển đổi số; kịp thời triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan cấp trên đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; quan tâm số hóa hồ sơ TTHC. Đơn cử như huyện Đình Lập, tỷ lệ số hóa toàn huyện đạt 96,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các huyện, thành phố còn có một số hạn chế trong công tác CCHC. Đơn cử như tỷ lệ thanh toán trực tuyến tại một số nơi còn thấp, như UBND huyện Hữu Lũng (8,86%), UBND huyện Bắc Sơn (11,74%), UBND huyện Tràng Định (11,98%)...
Khắc phục kịp thời sau kiểm tra
Sau khi được kiểm tra, UBND các huyện, thành phố đều đã được trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn chỉ ra kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế. Ngay sau đó, các huyện, thành phố đều bước đầu triển khai các giải pháp khắc phục.
Đơn cử như tại huyện Văn Quan, qua kiểm tra còn có một số hạn chế như công tác tuyên truyền CCHC trên Trang thông tin điện từ cấp huyện, cấp xã có nội dung chưa đa dạng, chưa đăng tải kịp thời các thông tin về CCHC. Cập nhật, xử lý hồ sơ giải quyết TTHC trên Hệ thống Thông tin một cửa điện tử còn hạn chế; còn có 5 hồ sơ TTHC giải quyết chậm hạn trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Không có phương án đơn giản hóa TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Trong 2 năm gần nhất (2022 và 2023), các chỉ số đánh giá huyện Văn Quan đều thấp, đặc biệt, chỉ số PAR INDEX của huyện đều xếp hạng 10/11 huyện, thành phố.
Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Ngay sau khi kết thúc đợt kiểm tra, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu UBND huyện khắc phục kịp thời hạn chế đã được chỉ ra; giao Văn phòng HĐND&UBND huyện và chỉ đạo UBND cấp xã khắc phục ngay hạn chế của trang thông tin điện tử, cập nhật kịp thời các thông tin về CCHC, phục vụ người dân tra cứu. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ quán triệt đến 100% cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân không để xảy ra tình trạng chậm hạn. Bước đầu, đối với 5 hồ sơ TTHC giải quyết chậm hạn trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý xong.
Cũng giống như huyện Văn Quan, huyện Bình Gia cũng đã chủ động từng bước khắc phục các hạn chế đã được đoàn kiểm tra chỉ ra. Ông Nông Ngọc Nam, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bình Gia cho biết: Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản số 1472/UBND-NV ngày 8/7/2024 về việc tổ chức khắc phục hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong quá trình kiểm tra công tác CCHC; giao cụ thể cho các cơ quan, đơn vị phụ trách từng nội dung CCHC tham mưu, chủ trì, theo dõi khắc phục các hạn chế đã được chỉ ra theo đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Theo đó, một trong những hạn chế chúng tôi đã bước đầu khắc phục được đó là tổ chức tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên (10/7/2024); tỷ lệ số hóa kết quả, hồ sơ TTHC đạt trên 50%...
Được biết, sau kiểm tra, cùng với việc thông báo kết luận kiểm tra, BCĐ CCHC tỉnh còn lấy kết quả kiểm tra làm cơ sở để tiếp tục theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục kịp thời các tồn, tại, hạn chế được chỉ ra, đồng thời yêu cầu người đứng đầu và những người làm công tác CCHC nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tạo thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ.
Theo baolangson.vn