Đến giữa năm 2024 đã có gần 5,7 triệu xe (hơn 96% số ô tô cả nước) sử dụng dịch vụ thu phí điện tử (ETC). Tuy nhiên, gần như toàn bộ giao dịch qua ETC là chi trả phí đường bộ, trong khi khả năng mở rộng các dịch vụ khác trên nền tảng này vẫn còn rất lớn.
Từ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đến lợi ích rõ ràng của ETC
Thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy đến 30/6/2024, toàn bộ 162 trạm thu phí trên cả nước đã triển khai 925 làn thu phí ETC. Tổng số xe dán thẻ, mở tài khoản thu phí đạt 5.677.944 chiếc, chiếm hơn 96% tổng số ô tô cả nước.
Số lượng giao dịch thông qua ETC chiếm tới 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí cả nước (từ khi triển khai đến nay đã có hơn 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC). Bộ Giao thông vận tải đánh giá đến thời điểm này, cơ bản hệ thống ETC tại các trạm thu phí vận hành ổn định.
Có thể nói rằng kết quả trên xuất phát từ quá trình chỉ đạo sát sao của Chính phủ từ năm 2014, khi thực hiện chủ trương triển khai thu phí ETC thay cho thu phí 1 dừng (dừng xe trả tiền mặt) thường xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí. Mục tiêu của ETC nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, vai trò tiên phong của nhà đầu tư dịch vụ ETC là Liên danh TASCO-VETC (doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH thu phí tự động VETC), quá trình triển khai ETC trên thực tế vẫn gặp những trở ngại khi một số nhà đầu tư BOT giao thông chưa đồng thuận; người dân còn ngần ngại khi chưa hiểu rõ lợi ích của ETC.
Để đẩy nhanh sự phát triển của ETC, tiến tới xóa bỏ thu phí một dừng, Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị yêu cầu các chủ thể liên quan quyết liệt khắc phục những tồn tại, tuyên truyền vận động người dân dán thẻ, tham gia dịch vụ ETC.
Thu phí không dừng tại Trạm thu phí Long Phước. |
Đặc biệt sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng thể hiện cụ thể hơn khi quy định từ ngày 1/8/2022 các tuyến cao tốc chỉ thu phí ETC.
Trong báo cáo nghiên cứu khoa học với tiêu đề “Triển khai thu phí điện tử (ETC) trên cao tốc: Động thái toàn cầu, lợi ích ước tính từ nghiên cứu trường hợp của Việt Nam và những thảo luận chính sách” vừa được PGS, TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - công bố gần đây, lần đầu tiên lợi ích từ ETC đã được lượng hóa cụ thể.
Theo tính toán của TS Vũ Minh Khương, từ 1/8/2022 Việt Nam thực hiện thu phí ETC hoàn toàn trên đường cao tốc và chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy (còn lại là ETC) tại trạm thu phí trên quốc lộ đã có tác động tích cực ngay lập tức về nhiều mặt. Cụ thể là giảm đáng kể về mức tiêu thụ xăng và dầu diesel (60.816 tấn), giảm lượng khí thải carbon - CO2 (192 tấn) và giảm thời gian chờ của xe. Nếu quy đổi ra tiền, tổng chi phí tiết kiệm được lên tới 442 triệu USD trong năm 2023. Lợi ích này sẽ tăng lên theo thời gian, ước tính giai đoạn 2019-2030, tổng lợi ích từ ETC mang lại cho xã hội khoảng 5,3 tỷ USD.
Từ lợi ích thực tế, cần tối đa hóa lợi ích của ETC
Với chủ trương triển khai đầu tư đường cao tốc theo quy hoạch như hiện nay, trong thời gian tới ETC tiếp tục phát huy hiệu quả và lợi ích khi mạng đường cao tốc ngày càng nhiều hơn và các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu tiếp tục thu phí ETC.
Tuy nhiên, qua thực tế ứng dụng ETC tại nhiều quốc gia, nền tảng ETC không chỉ dùng cho thu phí đường bộ mà còn ứng dụng cho nhiều dịch vụ khác. Tại Việt Nam, ETC đã bắt đầu được áp dụng để xe trả phí sân đỗ khi vào sân bay; nhiều điểm đỗ xe tại Hà Nội cũng đã dùng ETC thay cho tiền mặt và nhận được sự hưởng ứng của người dùng. ETC cũng được xem là giải pháp thanh toán phù hợp nếu chính quyền các đô thị áp dụng thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới.
Đáng chú ý, từ tháng 4-2023 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH thu phí tự động VETC nâng cấp ứng dụng thu phí ETC do doanh nghiệp này cung cấp thành ví điện tử VETC. Như vậy, khách hàng dùng ETC có thể chi trả nhiều dịch vụ hơn khi tài khoản thu giao thông trở thành ví điện tử.
Đánh giá quá trình chuyển đổi thu phí một dừng sang ETC hoàn toàn ở Việt Nam là một mô hình mẫu mực, TS Vũ Minh Khương khuyến nghị để tối đa hóa lợi ích của ETC, cần thực hiện:
Triển khai ETC cho các dự án cơ sở hạ tầng mới như tàu điện ngầm và các dịch vụ thu phí khác nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế và những lợi ích môi trường
Thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân là mô hình hợp tác có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế để nâng cao hiệu quả hợp tác công-tư, đảm bảo cân bằng lợi ích cho các bên liên quan.
Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ thu phí thủ công (MTC) sang ETC. Điều này bao gồm việc lựa chọn các công nghệ phù hợp, thúc đẩy áp dụng rộng rãi và có khả năng ban hành các quy định thực hiện bắt buộc.
Triển khai rộng rãi công nghệ ETC trong hệ thống thanh toán kỹ thuật số tích hợp cho các dịch vụ bãi đỗ xe, cảng biển, sân bay, trạm xăng không tiền mặt, thu phí nội đô hoặc các cơ sở thu phí khác. Áp dụng ETC công nghệ RFID cho xe máy, hướng tới việc thu phí không dùng tiền mặt cho các dịch vụ liên quan đến xe máy.
Về quản trị dữ liệu, việc thu thập và phân tích dữ liệu trong quá trình triển khai rộng rãi ETC có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối giao thông và quản lý các thành phố thông minh. Các khung pháp lý cần được thiết lập để tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên dữ liệu đồng thời đảm bảo an ninh tối đa.
Rộng cửa để ETC phát triển hơn
Những đòi hỏi từ cuộc sống, dư địa phát triển của ETC cũng đã được Bộ Giao thông vận tải nhận thấy và đưa vào dự thảo nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ để làm cơ sở triển khai.
Theo Bộ Giao thông vận tải hiện nay tài khoản thu phí ETC mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ là chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống
Thực tế, trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đã đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống ETC đã đầu tư cho các dịch vụ: thu phí tại các sân bay, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe, phí kiểm định…
Ứng dụng công nghệ ETC vào thu phí gửi xe tại Bãi đỗ xe trên đường Lý Thái Tổ-Hoàn Kiếm- Hà Nội. |
Bộ Giao thông vận tải nhận định việc mở rộng các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án ETC khi chỉ sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ. Qua đó, tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ xe, tiết kiệm chi phí; phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt
Giải pháp này cũng góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông tĩnh hiện còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, bãi đỗ xe… Đồng thời tận dụng được nền tảng, hệ thống ETC đang có mà không phải đầu tư mới một số hệ thống tương tự, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả của các dự án ETC.
Theo Bộ Giao thông vận tải việc mở rộng thêm dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống ETC phù hợp với quy định tại quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về triển khai ETC.
Tuy nhiên, quyết định 19/2020/QĐ-TTg quy định ETC chỉ phục vụ việc thanh toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm thu phí, không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác…
Vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Chính phủ đã xây dựng nội dung thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Tại điều 43 của Luật Đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định các nội dung thanh toán điện giao thông đường bộ là việc thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông. Tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
Vì vậy, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông để thay thế cho quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/con-nhieu-du-dia-de-toi-da-hoa-loi-ich-tu-etc-post827315.html