Để đảm bảo tiến độ theo lộ trình, các cơ quan chức năng và chủ phương tiện đang “chạy đua” với thời gian trong việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá.
Theo quy định, ngày 1 tháng 4 năm 2020 là thời điểm cuối cùng cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét phải có thiết bị giám sát hành trình mới được cấp phép khai thác thủy sản.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn tàu cá đánh bắt xa bờ ở tỉnh Quảng Ngãi sẽ không có giấy “thông hành” vươn khơi. Mấy ngày nay, nhiều chủ tàu cá ở huyện đảo Lý Sơn hối hả đăng ký lắp đặt thiết bị. Ngư dân Bùi Nam, chủ tàu cá QNg 96562, công suất 700 CV ở xã An Vĩnh lựa chọn loại thiết bị nhiều chức năng tích hợp, kết nối với điện thoại thông minh để khi ra khơi, gia đình cũng có thể biết được vị trí hoạt động của tàu cá.
Bên cạnh việc tự giác chấp hành của nhiều ngư dân, nhiều chủ tàu vẫn còn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị giám sát. |
Bên cạnh việc tự giác chấp hành của nhiều ngư dân, nhiều chủ tàu vẫn còn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhiều người còn viện dẫn nhiều lý do, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Theo lý giải của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, do một số tàu nằm bờ không hoạt động, khó khăn về kinh tế; phần mềm giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản thường xuyên bị lỗi nên các chủ tàu cá còn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị giám sát. Thiết bị Movimar lắp đặt trên tàu cá trước đây đã thu hồi nhưng dữ liệu trên hệ thống vẫn còn nên khi lắp đặt thiết bị mới hệ thống không chấp nhận, gây khó khăn cho chủ tàu và cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Cũng có một số chủ tàu không chịu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vì thường xuyên hoạt động sai tuyến, sai vùng,...
Hàng ngàn tàu cá ở Quảng Ngãi vẫn chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. |
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho rằng: “Hiện giờ tàu hành nghề giã cào hết hạn đăng kiểm mà muốn được đăng kiểm thì từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Toàn bộ tàu này lắp giám sát hành trình vô là sẽ vi phạm rất nhiều. Chính vì thế ngư dân cũng né tránh, hạn chế lắp đặt thiết bị này.”
Thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá; quản lý nhật ký khai thác; truy xuất nguồn gốc thủy sản. |
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 3.350 tàu đánh cá dài từ 15 mét trở lên thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, hiện mới có 276 tàu cá được lắp thiết bị này, đạt tỷ lệ hơn 8%. Điều đáng nói, trong số 174 tàu cá dài từ 24 mét trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát trước ngày 1/7/2019, nhưng cũng chỉ có 57 tàu cá thực hiện. Thời hạn cuối cùng cho việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đang đến gần.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân chấp hành pháp luật. Đồng thời xử lý nghiêm các chủ phương tiện không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Sau ngày 01/4/2020 những tàu cá từ 15 mét trở lên không có biết thiết bị giám sát hành trình sẽ không được cấp giấy phép khai thác và không cho ra khơi. |
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Sau ngày 01/4/2020, những tàu cá từ 15 mét trở lên không có thiết bị giám sát hành trình sẽ không được cấp giấy phép khai thác và không cho ra khơi”.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá được qui định rõ trong Luật Thủy sản năm 2017. Khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu dễ dàng quản lý được phương tiện qua việc kết nối với điện thoại thông minh. Ngư dân cũng dễ tiếp nhận được các thông tin về thời tiết, ngư trường thông qua thiết bị giám sát để phục vụ việc khai thác, nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý và cả ngư dân. |
Một vấn đề rất quan trọng đó là, thiết bị giám sát hành trình sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá; quản lý được nhật ký khai thác; truy xuất nguồn gốc thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam…
Ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU theo yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc, trong đó có việc xác nhận, chứng nhận. Trong đợt kiểm tra lần trước của EC thì họ cho rằng ngư dân ghi sai điểm đánh bắt. Khi có thiết bị giám sát hành trình, chúng ta sẽ ghi nhật ký chính xác hơn về địa điểm đánh bắt, tránh xâm phạm vùng biển bất hợp pháp"../.
Vinh Thông/VOV/VN
https://vov.vn/tin-24h/ngu-dan-chay-dua-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-tau-ca-1016146.vov