Hiện nay, 10 huyện trên địa bàn tỉnh đều có thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tiếp nhận thông tin của bà con. Nhưng các thư viện này đều gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp, ít cán bộ và chủ yếu là kiêm nhiệm….
Thực trạng đó đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển hệ thống thư viện huyện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ngày 25/2/2020, chúng tôi có mặt tại gian nhà ngang cấp bốn trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Truyền thông huyện được đề biển “Thư viện huyện Tràng Định”. Diện tích của thư viện chỉ vẻn vẹn hơn 30 m2 nhưng đang chứa gần 16.000 đầu sách với các thể loại như: văn hóa, lịch sử, văn học, truyện thiếu nhi, pháp luật…; quá nửa trong số đó đang được cất trong bao do trụ sở quá chật chội. Hệ thống máy tính được trang bị phục vụ độc giả thì đều không sử dụng được. Chị Đàm Bích Lưu, cán bộ quản lý Thư viện huyện Tràng Định chia sẻ: Mỗi năm, thư viện cấp khoảng 50 thẻ độc giả, những người đến thư viện hầu hết là học sinh, cán bộ hưu trí. Những độc giả đến với thư viện đều chỉ mượn sách về nhà vì chúng tôi không bố trí được không gian đọc sách tại chỗ.
Cán bộ thư viện huyện Tràng Định vệ sinh, sắp xếp lại sách trên giá
Tương tự, Thư viện huyện Văn Lãng ở khu 3, thị trấn Na Sầm cũng trong tình trạng đóng cửa im lìm, xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng. Tại đây, có 5 giá sách với hơn 1.000 đầu sách về pháp luật, sức khỏe, lịch sử… Số còn lại được để trong bao tải do không có chỗ để. Bà Lương Kim Tuyết, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện cho biết: Thư viện huyện chưa có trụ sở độc lập, đang hoạt động nhờ tại căn phòng gần 20 m2 của nhà văn hóa huyện. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư cho thư viện không có nên thư viện khó phát huy được hiệu quả.
Theo thống kê của Thư viện tỉnh, thư viện các huyện có 127.515 bản sách, lượng sách luân chuyển là 12.950 lượt. Năm 2019, hệ thống thư viện huyện cấp 350 thẻ bạn đọc với hơn 5.000 lượt bạn đọc. Các thư viện huyện đang gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất đều chưa đảm bảo, các điều kiện phục vụ bạn đọc như: bàn ghế, quạt, ánh sáng… thiếu nên không thu hút được người dân tới đọc sách. Thậm chí, thư viện các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng, Hữu Lũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi thư viện được bố trí 1 cán bộ trông coi, quản lý. Tuy nhiên, đội ngũ này còn kiêm nhiệm cả công tác văn thư, trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp.
Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hiện nay, kinh phí hoạt động của thư viện rất hạn hẹp, việc bổ sung sách, báo hằng năm và tổ chức các hoạt động để nâng cao văn hóa đọc hầu như không có. Nguồn sách mới được bổ sung chỉ trông chờ vào nguồn sách từ chương trình mục tiêu quốc gia (từ năm 2018 đến nay không có) và sách luân chuyển của Thư viện tỉnh. Ngoài ra, các thư viện huyện trên địa bàn tỉnh hiện chưa được tổ chức như một thiết chế độc lập, hoàn chỉnh, chưa có tư cách pháp nhân (hoặc là thuộc sự quản lý điều hành của Phòng Văn hóa – Thông tin hoặc là thuộc sự quản lý điều hành của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông) nên việc quản lý cũng gặp không ít khó khăn.
Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, để góp phần tháo gỡ khó khăn trong phát huy hiệu quả của các thư viện huyện, chúng tôi sẽ đề xuất, tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh và huyện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các thư viện đã xuống cấp, tới năm 2025, bảo đảm 100% thư viện huyện có trụ sở độc lập, có diện tích sử dụng đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý thư viện.
Thư viện là nơi gìn giữ di sản thư tịch dân tộc, đóng góp quan trọng vào việc phát triển và nâng cao văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Chính vì vậy, việc đầu tư, khắc phục những khó khăn hiện nay tại các thư viện huyện là việc làm cần thiết. Cùng với đó, các thư viện cần đổi mới trong hoạt động để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
HOÀNG HIẾU/baolangson.vn
http://baolangson.vn/van-de-hom-nay/274082-kho-khan-trong-phat-huy-hieu-qua-cua-thu-vien-huyen.html