Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS), thời gian qua, Chi cục THADS thành phố Lạng Sơn luôn chú trọng công tác vận động, thuyết phục trong THADS. Qua đó hạn chế khiếu nại, tố cáo và những vụ việc phải cưỡng chế.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS), thời gian qua, Chi cục THADS thành phố Lạng Sơn luôn chú trọng công tác vận động, thuyết phục trong THADS. Qua đó hạn chế khiếu nại, tố cáo và những vụ việc phải cưỡng chế.
Công tác THADS là công việc khó khăn phức tạp và gặp nhiều rủi ro, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của những người thi hành án. Vì vậy, nếu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ tác động tích cực đến toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc thi hành án. Ông Lê Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố cho biết: Công tác vận động, hòa giải thành công không chỉ mang lại lợi ích cho người thi hành án mà người phải thi hành án cũng tránh được những chi phí phát sinh, bởi nếu phải dùng đến biện pháp cưỡng chế thì người phải thi hành án sẽ phải chịu toàn bộ các chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế. Việc thuyết phục các đương sự tự nguyện hòa giải hoặc tự nguyện thi hành án giúp cơ quan thi hành án hoàn thành công việc một cách thuận lợi, giảm áp lực về thời gian, tiết kiệm công sức, kinh phí.
Đơn cử như vụ việc của bà Tào Thị P, phường Hoàng Văn Thụ với ông Dương Văn L, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Theo phán quyết của Tòa án Nhân dân thành phố ngày 25/10/2018, bà P phải sang tên thửa đất 82.8 m2 cho ông L, còn ông L phải trả bà P số tiền là 1,95 tỷ đồng đã vay để kinh doanh trước đó. Sau khi bà P có đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục THADS thành phố đã ra Quyết định thi hành án ngày 6/5/2019 và tổ chức thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án, cả hai bên không nhượng bộ, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Để thi hành án, cán bộ Chi cục THADS thành phố đã kiên trì, khéo léo, vận dụng các quy định của pháp luật để giải thích, phân tích cho từng bên về hoàn cảnh của đối phương, hậu quả của việc phải cưỡng chế thi hành án. Kết quả, sau một thời gian dài tuyên truyền vận động (6 tháng) hai bên đã tự nguyện thi hành án mà không phải cưỡng chế. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc, Chi cục THADS thành phố áp dụng công tác vận động, thuyết phục để THADS.
Để làm tốt công tác vận động, thuyết phục đương sự thi hành án, chấp hành viên phải vận dụng các quy định của pháp luật, lý lẽ, tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì, nhiều lần mời đương sự đến trụ sở làm việc hoặc đến tận nơi để gặp gỡ, vận động. Ông Đỗ Quang Bình, chấp hành viên Chi cục THADS thành phố chia sẻ: Khi nhận bản án chúng tôi chủ động nghiên cứu kỹ, tìm hiểu rất rõ về thân nhân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội và các vấn đề gây bức xúc của các đương sự để tìm cách vận động, thuyết phục hiệu quả nhất. Với từng đối tượng là trí thức, công nhân, nông dân, người có tiền án, người cao tuổi… lại có cách tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả. Để đương sự chuyển từ trạng thái không hợp tác sang thái độ tự nguyện là cả một quá trình kiên trì khéo léo của các cán bộ thi hành án.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong THADS. Trong năm 2019, Chi cục THADS thành phố đã vận động, thuyết phục được 9 vụ việc tự nguyện thi hành án không phải tổ chức cưỡng chế huy động lực lượng. Chỉ có 2 vụ việc cưỡng chế, nhưng nhờ công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đến khi cưỡng chế đương sự đã giảm đi đáng kể sự chống đối, cản trở việc thi hành án.
Năm 2019, Chi cục THADS thành phố đã làm tốt công tác vận động, thuyết phục trong THADS, do đó kết quả thi hành án đạt cao. Đơn vị đã thi hành xong 1.132/1.249 việc có điều kiện thi hành, đạt 91%; thi hành được hơn 29,2/41,3 tỷ đồng, đạt 76% (vượt 16% về việc, 41% về tiền so với chỉ tiêu Chi cục THADS tỉnh giao). Trong thi đua, đơn vị được bình xét xếp hạng A, được Cục THADS tỉnh đề nghị khối thi đua cơ quan tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc tặng cờ thi đua ngành tư pháp.
baolangson.vn/phap-luat/263963-thanh-pho-chu-trong-cong-tac-van-dong-trong-thi-hanh-an-dan-su.html
Theo baolangson.vn