Phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới.
Đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, góp phần trực tiếp thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới về GD&ĐT là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”(1). Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định.
Giờ học ngoại ngữ của học viên Học viện Hậu cần. Ảnh: VĂN DINH |
GD&ĐT có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Bởi, GD&ĐT chính là công tác xây dựng nguồn lực con người-nhân tố quyết định trong mọi công việc. Vì vậy, để thực hiện phương hướng, mục tiêu xây dựng quân đội mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... thì đòi hỏi công tác GD&ĐT trong quân đội phải đổi mới mạnh mẽ, tạo đột phá về nâng cao chất lượng GD&ĐT. Các cơ sở GD&ĐT trong quân đội cũng phải tiến lên hiện đại để đáp ứng với yêu cầu hiện đại hóa quân đội.Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội tiến lên hiện đại, đòi hỏi phải xây dựng các nhà trường quân đội đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục điều chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế hệ thống nhà trường quân đội tinh gọn theo hướng xây dựng nhà trường thông minh và chuyển đổi số. Để thực hiện mục tiêu: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại mà Đại hội XIII của Đảng xác định, đòi hỏi toàn quân trước mắt phải tiếp tục điều chỉnh, xây dựng lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh.
Theo đó, các nhà trường quân đội cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh tổ chức biến chế theo hướng tinh gọn, xây dựng nhà trường thông minh và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác GD&ĐT, xây dựng hệ thống nhà trường quân đội, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở điều chỉnh, sắp xếp hệ thống nhà trường quân đội theo biểu tổ chức biên chế mới, các nhà trường cần đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế bảo đảm ổn định về chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề, lưu lượng, bậc học, trình độ đào tạo, phù hợp với nhiệm vụ, phương hướng tổ chức quân đội theo lộ trình đã xác định. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh tổ chức lực lượng, nhiệm vụ theo quy hoạch đã được phê duyệt và định hướng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, tiếp tục có các biện pháp đột phá xây dựng nhà trường thông minh và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD&ĐT trong tình hình mới.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo trong các nhà trường quân đội
Quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: Tập trung đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế. Theo đó, các nhà trường quân đội cần rà soát toàn bộ chương trình, nội dung đào tạo hiện có; loại bỏ những nội dung lạc hậu, không phù hợp và cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, có tính dự báo cao về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển của khoa học, nghệ thuật quân sự, trang bị, vũ khí thế hệ mới và thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống của quân đội... Kiên quyết khắc phục sự trùng lặp về chương trình, nội dung giữa các cấp học, bậc học, môn học. Điều chỉnh chương trình, nội dung theo hướng giảm tỷ lệ khối kiến thức giáo dục đại cương, tăng khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; rút ngắn thời gian lên lớp, tăng thời gian thực hành, tự học, tự nghiên cứu; gắn thực tiễn nghề nghiệp với nghiên cứu khoa học, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực cho người học theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu đào tạo theo chức vụ gắn với đào tạo học vấn, tập trung vào chức trách ban đầu; bồi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp với bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Các cơ quan chức năng phối hợp nghiên cứu xây dựng chương trình thí điểm đào tạo chuyên gia giỏi những ngành mũi nhọn thuộc một số chuyên ngành đặc thù của quân đội. Cùng với đó, cần tích cực đổi mới chương trình, nội dung dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đào tạo được những cán bộ, sĩ quan có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Ba là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu trước mắt và cơ bản lâu dài. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần trực tiếp tạo nên uy tín và thương hiệu của nhà trường quân đội. Vì vậy, các nhà trường quân đội phải thường xuyên quan tâm kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm số lượng, hợp lý về cơ cấu, có chất lượng cao, nhất là có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, gương mẫu, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, tận tụy với công việc, có kiến thức toàn diện, chuyên ngành sâu, có năng lực sư phạm, có trình độ ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng những tri thức, tài năng trẻ, nhà giáo giỏi, chuyên gia đầu có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới.
Nhà giáo phải thực sự là những người truyền lửa, truyền nhiệt huyết, cảm hứng, khát vọng để học viên phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn, chiếm lĩnh tri thức khoa học, hoàn thiện nhân cách theo mục tiêu yêu cầu đào tạo.
Bốn là, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng GD&ĐT và đầu tư, hiện đại hóa vật chất, trang thiết bị dạy học. Đây là vấn đề rất quan trọng đang đặt ra trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là thực hiện định hướng nhiệm vụ, giải pháp về: Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong GD&ĐT. Các nhà trường quân đội phải thực sự là môi trường sư phạm quân sự mẫu mực, tiêu biểu, nơi nuôi dưỡng, phát triển, lan tỏa giá trị nhân văn, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra cho các nhà trường quân đội cần đẩy mạnh phân cấp quản lý đào tạo; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra huấn luyện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành huấn luyện ở các cấp. Đặc biệt, coi trọng việc phát huy vai trò của cơ quan khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo; xây dựng chuẩn chất lượng đào tạo, có cơ chế kiểm soát và điều kiện bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng GD&ĐT. Các nhà trường tiếp tục hoàn thiện hệ thống ngân hàng đề thi, đáp án, quy chế, quy định trong thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo bảo đảm dạy thật, học thật, thi thật; đẩy mạnh tự đánh giá, đánh giá đồng cấp và đánh giá ngoài theo quy định của quốc gia.
Các nhà trường quân đội phải từng bước đầu tư hiện đại hóa vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất bảo đảm cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH); đặc biệt, là hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, các trung tâm mô phỏng, các phòng thí nghiệm hiện đại, các phòng học trực tuyến, hiện đại hóa và sử dụng hiệu quả các thư viện điện tử; xây dựng giảng đường có các trang thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà trường thông minh, tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm là, tăng cường hợp tác đào tạo, NCKH giữa các trường trong và ngoài quân đội và hợp tác quốc tế. Sản phẩm đào tạo của các nhà trường quân đội trong tương lai phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, đặc biệt Quân đội ta tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày càng sâu rộng. Thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường hợp tác GD&ĐT, NCKH giữa các trường trong và ngoài quân đội để bảo đảm công tác GD&ĐT trong quân đội tiếp thu tri thức hiện đại, tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Theo đó, các nhà trường theo nhiệm vụ được phân công cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế; chú trọng nâng cao hiệu quả và mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo với nước ngoài. Đồng thời, cần tổ chức các đoàn đi nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo của các trường quân sự nước ngoài; mở rộng, phối hợp GD&ĐT, NCKH và mời chuyên gia giảng dạy một số chuyên ngành theo chỉ đạo của cấp trên.
Đi đôi với đẩy mạnh hợp tác quốc tế, các nhà trường quân đội cần tiếp tục tăng cường hợp tác đào tạo, NCKH giữa các trường trong và ngoài quân đội, nhất là với các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu thuộc hệ thống giáo dục ngoài quân đội. Thông qua đó để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội trên một số lĩnh vực và thực hiện kết hợp quốc phòng với kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Thiếu tướng, PGS, TS ĐẶNG SỸ LỘC/qdnd.vn