65 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ Trường Sĩ quan Pháo binh, Binh chủng Pháo binh đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dạy tốt, học tốt, công tác tốt”...
Ngày 18-2-1957, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Nghị định số 32/NĐA. Nghị định có nội dung: “Nay tách hẳn Phân khoa Pháo binh thuộc Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam thành một trường pháo binh trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh lấy tên là Trường Sĩ quan Pháo binh Việt Nam.
Trường Sĩ quan Pháo binh Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan pháo binh mặt đất, pháo binh cao xạ và phụ trách cả lớp tập huấn trước đây của Bộ tư lệnh Pháo binh”. Trong dịp tới thăm nhà trường vào ngày 9-4-1964, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta. Đào tạo nhiều sĩ quan trung thành với Đảng, với nhân dân, có trình độ chính trị, chiến thuật, kỹ thuật, văn hóa cao. Sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó”.
Huấn luyện chuyên ngành pháo binh ở Trường Sĩ quan Pháo binh. Ảnh: XUÂN HOÀNG |
Thực hiện lời dạy của Đại tướng, quá trình xây dựng, phát triển, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng Đảng; xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà trường luôn là điểm sáng với các phong trào: “Lấy nhà trường làm trận tuyến chiến đấu chống Mỹ, cứu nước”, “Lấy thao trường làm chiến trường”, “Học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm, đến giờ chống Mỹ”, “Tất cả cho tiền tuyến”... Nhà trường đã cử 112 đoàn gồm 508 cán bộ, giảng viên; 1.008 học viên, chiến sĩ lên đường bổ sung cho các đơn vị chiến đấu và đi thực tế chiến trường. Thành lập 1 khung trung đoàn, 7 khung tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn hoàn chỉnh mang phiên hiệu “Tiểu đoàn 400” với 53 xe, 47 khẩu pháo chi viện cho chiến trường.
Nhiều cán bộ, giảng viên nhà trường đã tình nguyện vào miền Nam đánh giặc, trong đó nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng để bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến, các phân đội của nhà trường đã tham gia nhiều trận đánh quyết liệt, mang hiệu suất cao, điển hình là trận diễn ra ngày 14 và 27-7-1965, Tiểu đoàn 5 (Trường Sĩ quan Pháo binh) và dân quân địa phương đã hiệp đồng chiến đấu góp phần cùng bộ đội tên lửa và pháo phòng không bắn rơi 8 máy bay địch, bắt sống 3 giặc lái Mỹ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ đập Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội) an toàn. Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà trường vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 9-10-2009.
65 năm qua, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tích cực, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường đã củng cố, cải tạo và xây dựng mới cơ sở vật chất bảo đảm cho huấn luyện: Tu sửa, mua sắm mới nhiều trang thiết bị giảng đường học tập, các phòng làm việc của cán bộ, giảng viên; cải tạo, lắp đặt mới hệ thống giảng đường chuyên dùng ở các khoa. Nhà trường đã hoàn thành đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm khóa học ra trường với hơn 5 vạn cán bộ pháo binh cấp phân đội; hàng nghìn cán bộ chỉ huy tham mưu cấp trung đoàn, lữ đoàn pháo binh, giáo viên quân sự pháo binh và sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan pháo binh, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Nhà trường đã đào tạo hàng nghìn sĩ quan chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật pháo binh cho nước bạn Lào và Campuchia... đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng và chiến đấu của bộ đội pháo binh qua các thời kỳ cách mạng và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Thời gian gần đây, theo phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (tính đến đầu năm 2022, 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học trở lên; trong đó, trình độ sau đại học là 63,71%); duy trì điều hành hoạt động dạy, học linh hoạt, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch giảng bảo đảm giãn cách và các quy định an toàn trong phòng, chống dịch. Điển hình là ứng dụng hệ thống mạng LAN trong nhận, chuyển công văn, chỉ đạo điều hành huấn luyện. Tổ chức triển khai thực hiện nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, sát thực tế, tăng thời gian huấn luyện thực hành, luyện tập ban đêm; nâng cao chất lượng đầu ra cho các đối tượng đào tạo.
Quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của Binh chủng Pháo binh, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà trường thông minh, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực người học. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 3 nội dung đột phá: Nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, huấn luyện các môn quân sự chung; nâng cao chất lượng nắm, quản lý, giải quyết tư tưởng và nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Xây dựng Đảng bộ nhà trường vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tô thắm truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dạy tốt, học tốt, công tác tốt”.
Đại tá BÙI BẮC BÌNH, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Pháo binh, Binh chủng Pháo binh
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tu-luc-tu-cuong-day-tot-hoc-tot-686270