Đào tạo cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Học viện Hải quân trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực, bổ sung cán bộ chủ chốt cho các đơn vị trong Quân chủng Hải quân và Quân đội, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (HL, SSCĐ) và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Thời gian qua, công tác đào tạo cán bộ theo chức vụ nói chung, đào tạo cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân nói riêng ở Học viện Hải quân đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác đào tạo tiếp tục thực hiện theo hướng gắn chức danh với trình độ, nhằm nâng cao kiến thức, năng lực tư duy, rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo trong học viện với thực tiễn xây dựng đơn vị.
Học viện coi trọng đổi mới, hoàn thiện quy trình, nội dung, chương trình, tổ chức, phương pháp đào tạo. Giảng dạy chuyển mạnh theo hướng tích cực tương tác giữa người học và người dạy, lấy người học làm trung tâm. Chú trọng phát triển tư duy cấp chiến thuật, chiến dịch, một phần chiến lược.
Đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn hệ thống tài liệu, giáo trình, các đề tài khoa học liên quan đến nhiệm vụ xây dựng đơn vị và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng bổ sung, cập nhật những vấn đề mới về khoa học quân sự, nhất là những phát triển về chiến tranh nhân dân trên biển, đối phó với các hình thái chiến tranh mới, như: Chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin; những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, “cách mạng màu”, đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh việc mở rộng giao lưu, hợp tác đào tạo trong nước và quốc tế... Nhờ đó, chất lượng đào tạo cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân không ngừng được nâng lên; khả năng tư duy, trình độ lãnh đạo quản lý, chỉ huy ở các cấp theo chức danh được khẳng định trong hoạt động thực tiễn.
Giảng viên hướng dẫn học viên đào tạo cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân thực hành soạn thảo văn kiện chiến đấu. Ảnh: Học viện Hải quân cung cấp. |
Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân, xứng tầm với vai trò là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, hạt nhân trong trong xây dựng đơn vị, HL, SSCĐ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thời gian tới Học viện Hải quân tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm của Đảng, Quân đội về xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác giáo dục và đào tạo; nhất là Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18-1-2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân và Học viện Hải quân nhiệm kỳ 2020 - 2025… cụ thể hóa thành nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của lực lượng hải quân theo hướng hiện đại, sát với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Quy trình đào tạo cần điều chỉnh hợp lý; nội dung, chương trình cần phải tăng thời gian thực hành, thực tế, bảo đảm tính liên thông, kế thừa, tích hợp, cập nhật sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại.
Thứ hai, bổ sung các môn học về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, ngoại ngữ và pháp luật, đặc biệt là về luật quốc tế. Tập trung trang bị kiến thức, kinh nghiệm, phát triển tư duy, tầm nhìn cấp chiến dịch, một phần chiến lược giúp cho cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân có khả năng nghiên cứu, phân tích, phát hiện, dự báo đánh giá đúng tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, trên Biển Đông; nâng cao năng lực tham mưu đề xuất, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp xây dựng đơn vị, HL, SSCĐ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại diện Học viện Hải quân và Trường sĩ quan không quân tham gia hội thảo trực tuyến xây dựng Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về công tác giáo dục và đào tạo. Ảnh: Học viện Hải quân cung cấp. |
Thứ ba, kế thừa, phát triển những mặt tích cực trong phương pháp dạy học truyền thống. Trong đó, chú trọng phát triển năng lực tư duy, suy luận cho cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân trong các nội dung lý thuyết và sự vận dụng trong thực tế. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với xu thế phát triển dạy học hiện đại trong cuộc cách mạng 4.0; tăng cường tương tác giữa người dạy với người học; phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, thẳng thắn trao đổi trên tinh thần dân chủ, cầu thị trong quá trình tương tác. Chú trọng phát huy vốn kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân vào quá trình tiếp nhận, truyền bá, lan tỏa kiến thức lý luận và tri thức thực tiễn.
Thứ tư, tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa công tác giáo dục – đào tạo với nghiên cứu khoa học; tập trung nghiên cứu thực tiễn giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, mâu thuẫn bất đồng về lợi ích quốc gia trên biển, trên không gian mạng, phương thức đối phó với các hình thái chiến tranh mới, phát triển lý luận chiến tranh trên chiến trường sông, biển. Tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân, Quân đội để cập nhật những phát triển mới về tình hình, nhiệm vụ vào bài giảng, bài tập.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, trong đó chú trọng đội ngũ giảng viên cấp chiến dịch, chiến lược. Xây dựng chương trình, kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên theo tiêu chí đồng bộ giữa chức danh và học vấn, giữa nâng cao trình độ, tri thức chuyên sâu với kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân. Thực hiện tốt chủ trương của trên về luân chuyển, điều động cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, năng lực chỉ huy, lãnh đạo và năng lực sư phạm về làm giảng viên tại học viện.
Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đề xuất với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân mời các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị về tham gia giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm cho học viên. Bên cạnh đó, quan tâm, thực hiện tốt các chính sách động viên, khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp lữ đoàn, vùng hải quân. Cùng với đó, coi trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật dạy học hiện đại, đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Học viện Hải quân được thành lập ngày 26-4-1955, trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, học viện đã đào tạo hàng vạn cán bộ, sĩ quan góp phần vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước. Học viện được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; 1 Huân chương Độc lập; 3 Huân chương Quân công; 3 Huân chương Chiến công; 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cùng phần thưởng cao quý khác. |
Chuẩn đô đốc, PGS, TS NGUYỄN VĂN LÂM, Giám đốc Học viện Hải quân