Chiến lược quân sự đúng đắn của Đảng-hạt nhân cốt lõi trong đại thắng mùa Xuân 1975

Thứ 7, 30.04.2022 | 09:32:22
638 lượt xem

Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả sự hội tụ hợp quy luật của toàn bộ tiến trình chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng là kết quả quá trình phát triển các nhân tố hợp thành tiến trình đó.

Đối với một dân tộc nhỏ, với trang bị vũ khí kỹ thuật còn hạn chế, để chống lại đối thủ có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, không thể chỉ bằng sự hy sinh, lòng dũng cảm, mà phải bằng trí tuệ và tài thao lược; phải biết thắng địch từng bước vừa với khả năng và sức lực của mình. Từ quan điểm tiến hành chiến tranh nhân dân, chiến lược quân sự cách mạng của Đảng ta đều nhằm thực hiện mục tiêu cách mạng đã đề ra, với những phương thức thực hiện đa dạng, ngày càng phát triển lên trình độ cao hơn. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các hình thức đấu tranh với các loại hình tác chiến; phối hợp giữa các vùng chiến lược; giữa các mũi tiến công; giữa tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật của ba thứ quân; kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; là nghệ thuật quân sự “tạo thế”, “tranh thời” và “chuyển lực”.   

Sự chủ động chiến lược của Đảng trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân giải phóng đã được thể hiện rõ trong giai đoạn chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong mấy tháng đầu sau khi ký Hiệp định Paris (27-1-1973), ta đã nhanh chóng chuyển thế chiến lược trên tất cả các chiến trường ở miền Nam. Đặc biệt, việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cách mạng, hình thành các quân đoàn chủ lực thể hiện rõ sự chủ động chiến lược của ta.

Chiến lược quân sự đúng đắn của Đảng-hạt nhân cốt lõi trong đại thắng mùa Xuân 1975
Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu 

Nét nổi bật trong chiến lược quân sự cách mạng của Đảng ta là vận dụng sáng tạo phương pháp tiến công chiến lược, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường, phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy. Từ tiến công giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, ta nắm bắt được thời cơ, tiếp tục triển khai Chiến dịch Huế-Đà Nẵng và liên tục tiến công để bảo đảm chắc thắng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Ta chủ động tiến công đồng loạt, khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn thì các chiến trường khác đẩy mạnh tác chiến phối hợp, không cho địch ứng cứu, và khi Chiến dịch Tây Nguyên thắng lớn, các chiến trường kịp chuyển sang chuẩn bị toàn diện cho tổng tiến công và nổi dậy... làm cho sức mạnh tiến công của ta được phát huy cao độ, đồng thời dồn đối phương vào thế hoàn toàn bất ngờ, bị động, chống đỡ và nhanh chóng đi đến thất bại.

Phương thức tác chiến cũng được phát triển vượt bậc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. Thời kỳ đầu, ta vận dụng kinh nghiệm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, đồng thời phát triển mới về nghệ thuật quân sự, đặc biệt, chuyển từ đồng khởi sang chiến tranh cách mạng; từ đấu tranh chính trị sang kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng sức mạnh tổng hợp để tiến công địch, thúc đẩy chiến tranh nhân dân phát triển lên trình độ mới.

Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng, kết luận: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đầy đủ điều kiện về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Toàn bộ tiến trình phát triển phương thức tác chiến chiến lược của chiến tranh nhân dân giải phóng được hội tụ chín muồi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy này. Đó chính là tạo, nắm bắt, tận dụng thời cơ; đẩy nhanh tổng tiến công với tốc độ cao chưa từng có, giảm thương vong; giữ được nhiều thị xã, thành phố nguyên vẹn, giành thắng lợi lớn nhất trong thời gian ngắn nhất, vượt kế hoạch dự định giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc toàn thắng trong thời gian gần hai tháng.

Đó chính là tạo ưu thế lực lượng, bảo đảm đánh địch trên thế mạnh, hình thành sức mạnh áp đảo trong chiến dịch. Khi địch còn ổn định, ta đánh có chuẩn bị, đánh chắc thắng như trong Chiến dịch Tây Nguyên. Khi địch hoang mang rút chạy, ta chớp thời cơ, đánh địch trong hành tiến như Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Khi đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch, ta tập trung lực lượng đến mức cao nhất với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả tất yếu, là sự hội tụ chín muồi của nghệ thuật chiến dịch quân sự Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tiến hành các chiến dịch quy mô lớn, diễn ra ở cả vùng rừng núi, đồng bằng, nông thôn, lẫn đô thị, với không gian rộng lớn, thời gian và diễn tiến chiến dịch nhanh chóng. Đảng ta đã trực tiếp chỉ đạo, chọn hướng tiến công chiến lược đúng, xác định cách đánh đúng, nắm bắt nhanh diễn biến chiến trường và nhạy bén trước mọi động thái, tình huống, liên tục bổ sung quyết tâm chiến lược với nhịp độ phát triển cực nhanh của toàn bộ chiến trường, đồng thời bảo đảm bất ngờ, táo bạo.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó chứng minh đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chính xác, kịp thời, kiên quyết, táo bạo và sắc bén. Đại thắng mùa Xuân 1975 là đại thắng của chính nghĩa, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại thắng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó chiến lược quân sự cách mạng đúng đắn của Đảng là hạt nhân cốt lõi. Đây là thắng lợi của trí tuệ và ý chí Việt Nam, của năng lực tổ chức toàn dân đánh giặc và trình độ làm chủ trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại.

Bài học của chiến tranh nhân dân đã chỉ rõ các nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh, như tính chính nghĩa; sức sống của chế độ chính trị-xã hội thể hiện ở con người giác ngộ chính trị cao, có tinh thần yêu nước, gắn bó với chế độ và nền văn hóa dân tộc. Ban lãnh đạo tối cao của đất nước hội tụ trí tuệ của dân tộc, ngang tầm thời đại, huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; quân đội nhân dân kiên cường, mưu trí và sáng tạo, làm chủ vũ khí trang bị, lại được bạn bè quốc tế ủng hộ rộng rãi. Một chiến lược quân sự cách mạng hội tụ được tất thảy các yếu tố “nhân hòa” ấy thì không có lý do gì không dẫn đến thành công.


Thiếu tướng, GS, TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-luoc-quan-su-dung-dan-cua-dang-hat-nhan-cot-loi-trong-dai-thang-mua-xuan-1975-693157

  • Từ khóa