Là địa bàn thường xuyên bị thiên tai bão lụt, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, mệnh lệnh của trên về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai-tìm kiến cứu nạn (PCTT-TKCN) với nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp và hiệu quả.
Củng cố lực lượng, huấn luyện sát địa bàn.
Tại buổi huấn luyện cứu hộ, cứu nạn trên sông của Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4), hai chiếc xuồng cao tốc ST660 và VSN-1500 gắn máy đẩy lướt sóng, vượt qua các vật cản được bố trí dích dắc; cán bộ, chiến sĩ tổ cứu hộ, cứu nạn tổ chức cứu người gặp nạn, kết hợp vớt tài sản trôi sông... Từng động tác phối hợp của lái xuồng và các chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn như: Quăng phao cứu sinh, đưa người gặp nạn lên xuồng, hô hấp nhân tạo, vận chuyển vào bờ cấp cứu... diễn ra khá thuần thục, nhịp nhàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối...
Đại tá Mai Văn Thanh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 414 cho biết: "Xác định PCTT-TKCN là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình nên hằng năm, lữ đoàn đều quán triệt nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và dự kiến các tình huống, phương án thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN. Năm 2022, chúng tôi chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nâng cao trình độ chỉ huy, kỹ năng khai thác, sử dụng các trang bị, phương tiện TKCN; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, đưa kiến thức PCTT-TKCN vào chương trình huấn luyện để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội. Lữ đoàn luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ TKCN khi có tình huống xảy ra".
LLVT huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa diễn tập phòng, chống lụt bão, xử lý tình huống nước tràn đê. |
Huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có 37,2km đê sông, 72 hồ đập vừa và nhỏ, trong đó hơn 10 hồ đập có nguy cơ mất an toàn. Ngay từ đầu năm, lực lượng tham gia PCTT-TKCN được củng cố, kiện toàn và huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng các nội dung nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN...
Thượng tá Trịnh Đức Linh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thạch Thành cho biết: "Năm nay, nội dung huấn luyện PCTT-TKCN, chúng tôi tập trung vào việc xử lý tình huống vỡ đê, xử lý mạch đùn, mạch sủi chân đê. Về điều hành chỉ huy, chúng tôi tập trung vào phương pháp phối hợp với bộ đội chủ lực và các lực lượng khi sự cố xảy ra trên địa bàn rộng...".
Tìm hiểu tại tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được biết, tỉnh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 130 tỷ đồng, đề án được triển khai thực hiện từ tháng 6-2021. Bám sát phương châm "4 tại chỗ", việc thực hiện đề án đồng nghĩa với việc lực lượng tham gia PCTT-TKCN của Thanh Hóa được xây dựng, củng cố, kiện toàn; tổ chức quản lý chặt chẽ và duy trì hoạt động thường xuyên; nâng cao trình độ, năng lực, khả năng phối hợp, hiệp đồng xử lý tình huống phức tạp, phạm vi rộng; trang bị vật chất, thiết bị, phương tiện để sẵn sàng góp phần giảm đến mức thấp nhất tổn thất về người và tài sản khi thiên tai xảy ra....
Chủ động xử lý tình huống
Theo thống kê, trên địa bàn Quân khu 4 có 35 con sông và 68 hồ đập chính. Hệ thống giao thông miền núi dễ bị chia cắt cục bộ mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Tuyến đê biển, đê sông, hồ đập được xây dựng từ thập niên 1970, 1980 tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, vỡ đê, đập, hồ chứa. Địa bàn vùng núi thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt cục bộ kéo dài; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông liên xã, liên huyện... Hiện tượng lũ chồng lũ, bão chồng bão diễn ra phổ biến những năm gần đây đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người, đồng thời gây nên những thiệt hại to lớn về tài sản... Trước hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, Quân khu 4 chỉ đạo các đơn vị đề cao ý thức, trách nhiệm, chủ động bằng nhiều giải pháp, cách làm sát với thực tiễn tình hình địa phương, bảo đảm LLVT quân khu tổ chức triển khai PCTT-TKCN và giúp nhân dân khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất.
Tại các cơ quan, đơn vị, từ bộ đội chủ lực đến dân quân, tự vệ, công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ xác định nhiệm vụ PCTT-TKCN là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình... Từ đó xây dựng ý chí, quyết tâm cao, tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng vượt qua hiểm nguy, gian khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng và luyện tập các phương án theo nhiều tình huống đã xác định. Theo đó, khi xảy ra thiên tai, sự cố: Với bão lụt, sụt lở đất, sập đổ công trình... ở mức độ nhỏ, trung bình và phạm vi ảnh hưởng, thiệt hại trên diện hẹp, LLVT quân khu đã phối hợp với chính quyền, nhân dân các địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, bám sát thực tiễn hiện trường, phát huy tốt tính chủ động bảo vệ an toàn doanh trại, công trình, kho tàng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi xảy ra thiên tai, sự cố môi trường. Khi thiên tai, sự cố xảy ra ở mức độ lớn, trên diện rộng, quân khu đề nghị sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương về công tác chỉ huy, chỉ đạo và lực lượng, phương tiện chuyên trách, hiện đại hỗ trợ LLVT quân khu thực hiện nhiệm vụ.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN thường xuyên được củng cố, kiện toàn; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn; chủ động về lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn xử lý sự cố, thiên tai; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, sơ tán nhân dân, cơ sở vật chất, điều động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả..
Hoàng Khánh Trình/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-truoc-mua-mua-bao-696068