Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận... lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền hành chính công hiện đại, trong đó xác định phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), chuyển đổi số (CĐS) là động lực chính thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quốc gia.
Quán triệt, triển khai nhiệm vụ xây dựng CPĐT và CĐS trong quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt mặt công tác này và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cùng với nhiều đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Văn phòng Bộ Quốc phòng là một trong những cơ quan triển khai hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số. Phần mềm mang lại hiệu quả rất rõ nét; góp phần rất lớn trong việc rút ngắn thời gian xử lý văn bản, giảm thiểu giấy tờ cần in ấn, quản lý và tra cứu toàn diện văn bản... Đến nay, việc áp dụng phần mềm này (phiên bản mới) đã được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, tính đến tháng 6-2022, trên cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng đã tích hợp được 23/48 dịch vụ công của Bộ Quốc phòng lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đây là những kết quả quan trọng đạt được từ việc triển khai CPĐT và CĐS trong Bộ Quốc phòng.
Lãnh đạo Bộ tư lệnh 86 kiểm tra công tác phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Quân khu 1. |
Theo Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 86, chủ trương chung của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và CPĐT Bộ Quốc phòng là xây dựng mô hình CPĐT trên cơ sở đáp ứng cả hai mục tiêu: Phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số và tự động hóa chỉ huy. Xây dựng hạ tầng mạng máy tính quân sự rộng khắp phục vụ phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các ứng dụng dùng chung, trong đó tập trung trước mắt cho các hoạt động hành chính quân sự bao gồm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số; hệ thông tin và chỉ đạo điều hành, phần mềm truyền hình ứng dụng (họp trực tuyến), thư điện tử quân sự... Bên cạnh đó, các ứng dụng chuyên ngành cũng được nghiên cứu phát triển, như: Phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm quản lý đảng viên, phần mềm quản lý tài chính, kế toán và phần mềm bảo hiểm xã hội...
Quan điểm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng coi CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. CĐS chỉ thành công khi được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở mỗi cơ quan, đơn vị. Trên tinh thần đó, việc chọn nhiệm vụ gì, ngành gì để chuyển đổi trước được triển khai theo nguyên tắc: Nhiệm vụ được quy định bắt buộc phải thực hiện thì tổ chức triển khai trước; tiếp đó là nhiệm vụ nào khi đưa lên môi trường số tạo ra được hiệu quả vượt trội và sau cùng là những nhiệm vụ khi đưa lên môi trường số có thể tạo ra giá trị mới.
Trung tá Vũ Tuy Phước, trợ lý Phòng Phần mềm và Cơ sở dữ liệu, Bộ tư lệnh 86 lấy ví dụ: Cụ thể, đối với nhiệm vụ ưu tiêu triển khai trước, chủ trương của Bộ Quốc phòng là các đơn vị trực thuộc phải triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số. Đây là một nhiệm vụ thực hiện CĐS trong việc gửi-nhận văn bản trong toàn quân, chuyển đổi từ phương pháp truyền thống (gửi-nhận văn bản giấy, qua đường quân bưu) thành gửi-nhận văn bản điện tử có chữ ký số qua môi trường mạng truyền số liệu quân sự, rút ngắn thời gian giải quyết công văn và hạn chế việc sử dụng văn bản giấy. Tuy nhiên, nếu người chỉ huy chỉ dừng lại ở mức giao cho văn thư tiếp nhận văn bản các cơ quan, đơn vị gửi về trên hệ thống, sau đó in ra văn bản giấy và thực hiện quy trình xử lý tiếp theo bằng giấy thì về cơ bản mới chỉ CĐS một khâu đơn lẻ, chưa triệt để và toàn diện.
Qua tìm hiểu, việc CĐS trong lĩnh vực hành chính quân sự bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với triển khai hiệu quả phần quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số đến 100% đầu mối toàn quân thì hệ thống truyền hình hội nghị đã được triển khai tới các đơn vị cấp trung, lữ đoàn và tương đương. Đối với hệ thống truyền hình ứng dụng, yêu cầu để triển khai hệ thống rất đơn giản và thuận tiện, chỉ cần có máy tính nối mạng máy tính quân sự, camera, micro, loa và tài khoản tham gia cuộc họp là có thể triển khai được nhanh chóng và kịp thời. Hiện đã có 1/3 số cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng triển khai ứng dụng này. Do đó, lãnh đạo Bộ tư lệnh 86 cho rằng, các cơ quan, đơn vị khác cần nhanh chóng triển khai thực hiện để tận dụng những lợi thế về sản phẩm công nghệ đã được đầu tư...
Khi thực hiện CĐS trong các cơ quan, đơn vị quân đội, hệ thống mạng LAN sẽ được triển khai tới vị trí làm việc của người chỉ huy, trợ lý, nhân viên trong đơn vị. Từ đó thúc đẩy tỷ lệ kết nối mạng máy tính quân sự, làm cơ sở, nền tảng để triển khai các ứng dụng khác cho người dùng trong đơn vị khai thác (thư điện tử quân sự, hệ thông tin chỉ đạo điều hành, họp trực tuyến...). Mọi người trong đơn vị sẽ phải tự học và học lẫn nhau để đáp ứng yêu cầu làm việc trên môi trường mạng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo đảm kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin cho hệ thống mạng nội bộ và ứng dụng sẽ phải hoạt động chủ động, tích cực hơn. Chỉ cần thông qua một nhiệm vụ được thực hiện CĐS như trên, từng bước sẽ hình thành thói quen, văn hóa làm việc trên môi trường số tại đơn vị mình.
Để phát huy ý nghĩa, giá trị mang lại từ CĐS, trước mắt là trong lĩnh vực hành chính quân sự, rất cần tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp về CĐS. Nếu người đứng đầu không có quyết tâm chính trị, CĐS sẽ không diễn ra tại đơn vị. Mặt khác, để CĐS thành công, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS tại đơn vị mình phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS với nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị mình.
TRUNG HIẾU/qdnd.vn