Ngày 23-3-2023, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà vì những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, đặc biệt là sau 21 ngày đêm (từ 20-11 đến 10-12-1968) kiên cường chốt giữ, ngăn chặn, đẩy lùi, phá tan cuộc hành quân, càn quét “Cooc dom” của Mỹ-ngụy vào huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Sau trận đánh này, Tiểu đoàn vinh dự được
Tháng 10-1967, sau khi tách từ Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320A) về Mặt trận 44 Quảng Đà, Tiểu đoàn 3 được giao nhiệm vụ bám trụ, mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ vững chắc hành lang, căn cứ kháng chiến của ta trên địa bàn các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam). Được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, trong một thời gian ngắn, Tiểu đoàn đã tổ chức đánh hàng chục trận, tiêu hao, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, từng bước mở rộng vùng giải phóng. Trước tình hình đó, tháng 11-1968, Mỹ-ngụy đã huy động hơn 7.000 quân cùng sự chi viện của không quân, pháo binh, mở cuộc hành quân “Cooc dom” đánh phá ác liệt vào các xã thuộc huyện Điện Bàn, hòng thực hiện âm mưu lập vành đai trắng.
Đại diện Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, ngày 23-3-2023. |
Với quân số, vũ khí trang bị áp đảo, sáng 20-11-1968, địch đã càn quét, bắt hơn 1 vạn dân, những ai chống đối đều bị chúng bắn giết dã man. Trên trời, các loại máy bay địch liên tục quần thảo, do thám, rải truyền đơn, phát loa kêu gọi bộ đội ta buông súng đầu hàng. Song, thứ mà kẻ địch nhận được chỉ là những loạt đạn đanh giòn, thẳng như kẻ chỉ vào chúng. Trưa hôm đó, không quân, pháo binh địch điên cuồng ném bom, bắn phá, sau đó sử dụng máy bay trực thăng, xe bọc thép liên tục đổ quân, khép chặt các ngả đường ra vào vùng B Điện Bàn. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Dương Nguyễn Hiệp, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ lợi dụng hệ thống công sự, hầm hào đã kiên cường đánh trả, gây cho chúng nhiều tổn thất. Sau 5 ngày, Tiểu đoàn 3 tiêu diệt được 160 tên địch, thu nhiều súng các loại.
Những ngày sau, Mỹ-ngụy tiếp tục phát loa kêu gọi đầu hàng, rồi sử dụng phi pháo đánh phá với mật độ dày đặc vào các khu vực nghi ngờ có lực lượng của ta. Cả ngày quần thảo đánh địch, đêm xuống, Tiểu đoàn tập trung khâm liệm, chôn cất đồng đội hy sinh. Đạn dược vơi dần, bộ đội phải tiết kiệm, chờ địch đến thật gần mới đánh. Do mưa lớn liên tục dài ngày, trong các công sự, hầm hào, nước đều ngập quá thắt lưng khiến cuộc sống, sinh hoạt, công tác bảo đảm hậu cần, chăm sóc thương binh, chôn cất tử sĩ vô cùng khó khăn.
Bước sang ngày thứ 17, vòng vây 3 lớp của địch với sự yểm trợ của xe tăng, xe bọc thép, máy bay đã dồn Tiểu đoàn 3 vào giữa thôn La Thọ Nam. Phòng tuyến của các đại đội lần lượt bị chọc thủng, cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh nhiều; lương thực, vũ khí, đạn dược gần hết, Chính trị viên Tiểu đoàn lệnh cho các bộ phận mở đường máu để bảo toàn lực lượng, song khi vượt qua dốc Ba Lê thì gặp xe tăng địch nên phải quay lại trận địa cũ. Sáng 10-12-1968, với những quả đạn, thủ pháo cuối cùng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 vẫn kiên cường nổ súng đánh địch, bắn cháy 3 xe bọc thép. Biết không thể khuất phục được quân ta, chiều cùng ngày, địch cho máy bay trực thăng đến chở quân đi rồi sử dụng phi pháo cày nát cả một vùng rộng lớn.
21 ngày đêm kiên cường chiến đấu, Tiểu đoàn chỉ còn lại 17 người, song họ đã phá vỡ và đập tan kế hoạch lập vành đai trắng của Mỹ-ngụy tại vùng B Điện Bàn. Ghi nhận công lao, đóng góp và sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, cuối năm 2022, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Tiểu đoàn 3.
HÀ LÊ