Thế vững quốc phòng từ những mô hình điểm ở Quân khu 7

Thứ 4, 28.06.2023 | 08:54:19
717 lượt xem

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, biện pháp củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Những mô hình tiêu biểu về công tác quốc phòng địa phương, DQTV ở Quân khu 7 đã được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao và tổ chức cho các đơn vị, địa phương tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm...

Điểm sáng chốt dân quân biên giới

Hội thi chốt chiến đấu dân quân thường trực (DQTT) biên giới đất liền (gọi tắt là chốt dân quân biên giới) vừa được Bộ CHQS tỉnh Long An tổ chức. Với nội dung thi đa dạng, bao gồm công tác xây dựng cơ bản và quản lý chốt dân quân biên giới; hệ thống văn bản chỉ đạo của ban CHQS xã về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT); sổ sách, văn kiện, nhận thức chung... lực lượng dự thi của các chốt dân quân biên giới đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trở về sau hội thi với thành tích cao, đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chốt trưởng Chốt dân quân biên giới Bình Tân (thị xã Kiến Tường) cùng đồng đội tiếp tục triển khai nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, xây dựng cảnh quan môi trường, tăng gia, sản xuất... để chốt dân quân biên giới thêm vững mạnh. Đồng chí Nguyễn Văn Giàu chia sẻ: “Không chỉ tham gia thi chúng tôi mới nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mà đây là những công việc chúng tôi vẫn làm thường xuyên để duy trì khả năng SSCĐ tại chỗ. Toàn chốt luôn tích cực tham gia đầy đủ các nội dung huấn luyện, thuần thục phương án SSCĐ; chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc từng hộ dân và những diễn biến trên địa bàn để kịp thời tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết hiệu quả các tình huống về an ninh biên giới, không để bị động, bất ngờ”.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các chiến lược về quốc phòng, quân sự của Đảng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xây dựng nền QPTD vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc; quan tâm xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Trong đó, lực lượng dân quân được chăm lo phát triển với nhiều mô hình thiết thực, nổi bật là mô hình xây dựng chốt chiến đấu DQTT biên giới đất liền. Mô hình này xuất phát từ thực trạng khoảng cách giữa các đồn, trạm biên phòng trên tuyến biên giới từ 15km đến 20km nên việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở các chốt dân quân biên giới đã có từ trước, Bộ tư lệnh Quân khu 7 cùng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thống nhất báo cáo và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho phép; Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu và ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trên địa bàn thống nhất, đồng thuận cao về chủ trương xây dựng chốt chiến đấu DQTT cơ bản, vững chắc, xen kẽ giữa đồn, trạm biên phòng.

Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: THẾ ANH  

Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: THẾ ANH  

Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã ban hành Đề án 2454 ngày 16-10-2018 về “Xây dựng chốt chiến đấu DQTT biên giới đất liền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền trong tình hình mới”. Theo đó, trung bình mỗi xã biên giới có từ 1 đến 2 chốt. Thực hiện chủ trương “Địa phương phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, Quân khu 7 đã huy động, sử dụng hiệu quả 120 tỷ đồng do TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ để kiên cố hóa các chốt; phối hợp với Trường Cao đẳng Hậu cần 2 (Tổng cục Hậu cần) đào tạo cho mỗi chốt một dân quân y tá để chăm lo sức khỏe cho dân quân tại chốt và nhân dân khu vực biên giới. Đến nay, trên địa bàn Quân khu 7, các chốt DQTT biên giới đã hoàn thiện và hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng thế trận làng, xã chiến đấu, củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ tuyến biên giới.

Theo Đại tá Phạm Phú Ý, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7, từ thực tiễn hoạt động cho thấy, các chốt chiến đấu DQTT biên giới đất liền phối hợp chặt chẽ với các đồn, trạm biên phòng tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, tham gia làm công tác vận động, giúp đỡ và là chỗ dựa cho nhân dân định cư, ổn định cuộc sống trên tuyến biên giới... Khi có tình huống, mỗi chốt dân quân biên giới sẽ hình thành trận địa phòng ngự trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Đảng ủy Quân khu 7 đã đề ra chủ trương “Xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện ngay từ cơ sở” gồm 4 nội dung: Xây dựng chi bộ quân sự cấp xã; xây dựng trụ sở làm việc riêng của ban CHQS cấp xã đạt chuẩn; xây dựng hình ảnh đẹp DQTV; thực hiện dân quân nắm hộ dân. Bộ tư lệnh Quân khu cũng chỉ đạo tổ chức lực lượng DQTT cấp xã, cấp huyện; DQTT trong khu công nghiệp; tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng và đại đội DQTT luân phiên tập trung tại tỉnh, thành phố để huấn luyện nâng cao và sẵn sàng xử trí các tình huống trên địa bàn.

Điểm dân cư xây thế vững biên cương

Nằm cách trung tâm xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) khoảng 25km, điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc ấp Tà Thiết được xây dựng khá đẹp và đồng bộ. Đời sống của các hộ dân ổn định nhờ có việc làm phù hợp. Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, con đường trải nhựa nối từ trung tâm xã ra điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới được khánh thành, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Đoàn công tác Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và chính quyền địa phương thăm điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: NGỌC TUÂN 
Đoàn công tác Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và chính quyền địa phương thăm điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: NGỌC TUÂN 

Trong số các hộ dân ở điểm dân cư liền kề thuộc ấp Tà Thiết, gia đình anh Thạch Nhỏ có kinh tế khá vững. Năm 2020, gia đình anh Thạch Nhỏ được Bộ tư lệnh Quân khu 7 và chính quyền địa phương cấp căn nhà và mảnh đất rộng hơn 4.000m2. Các đơn vị tặng gia đình anh Thạch Nhỏ cặp bò giống và ti vi, quạt điện, nồi cơm điện... Ngoài chăm sóc vườn điều, chăn nuôi bò, anh Nhỏ còn nhận cạo mủ cao su cho các doanh nghiệp nên thu nhập ổn định, khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Các hộ khác cũng được bộ đội và địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng, hỗ trợ việc làm nên cuộc sống ngày càng khấm khá. Đồng chí Đinh Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thịnh, chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị Quân khu 7 nên những gia đình ở điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đã "an cư lạc nghiệp". Cấp ủy, chính quyền địa phương rất ủng hộ chủ trương của Quân khu và có trách nhiệm chung tay chăm lo cho các gia đình để tạo “phên giậu” bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc".

Từ năm 2019, Quân khu 7 triển khai thực hiện Đề án 811 về “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng”. Đến nay, Quân khu đã quy hoạch 53 điểm dân cư; huy động hơn 130 tỷ đồng từ ngân sách các địa phương phía sau và các doanh nghiệp hỗ trợ để xây dựng 5 căn nhà/điểm. Các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An bố trí đất, làm đường giao thông, kết nối điện, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, việc làm, thủ tục pháp lý cho người dân. Đồng bào được chăm lo đồng bộ về nhà ở, đất canh tác, điện, nước sạch, việc làm, y tế, giáo dục... Ngân sách chủ yếu từ nguồn tăng gia, sản xuất của Quân khu 7 và các địa phương.

Tính đến thời điểm này, Quân khu 7 đã xây dựng được 44 điểm/411 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới; 9 điểm/66 căn nhà liền kề đồn, trạm biên phòng và dự kiến cuối năm 2023 xây dựng tại mỗi điểm dân cư một nhà trẻ. Nhờ chủ trương đúng đắn, diện mạo các khu dân cư biên giới trên địa bàn Quân khu 7 ngày một khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng nền QPTD vững mạnh; tăng cường tiềm lực bảo vệ vững chắc vành đai biên giới. Người dân ở các điểm dân cư biên giới tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ đường biên, mốc giới, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, qua đó góp phần tạo "thế trận lòng dân" vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

Theo Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, những điểm dân cư này góp phần từng bước xóa dần “vùng trắng” về dân cư trên tuyến biên giới, hướng tới bố trí dân cư đều khắp trên toàn tuyến để thực hiện tốt phong trào nhân dân tự quản đường biên, cột mốc, với phương châm “mỗi người dân là một cột mốc biên cương”, là lực lượng tại chỗ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh khu vực phòng thủ. Từ đây, quân dựa vào dân để bảo vệ biên giới, dân dựa vào quân để an tâm lao động, sản xuất, tạo nên “phên giậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã sáng tạo triển khai nhiều chủ trương, mô hình hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, tổ chức xây dựng và hoạt động của DQTV, như: LLVT Quân khu gắn kết, thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo; xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, công ty, xí nghiệp trên địa bàn; địa phương phía sau hỗ trợ địa phương phía trước; đoàn kết, gắn bó thủy chung với Quân đội Hoàng gia Campuchia...

 

HOÀNG THÀNH

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/the-vung-quoc-phong-tu-nhung-mo-hinh-diem-o-quan-khu-7-732535

  • Từ khóa