Nghệ thuật phản công trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947

Chủ nhật, 21.01.2024 | 08:30:21
862 lượt xem

Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 có ý nghĩa to lớn cả về quân sự, chính trị, tinh thần; tạo ra bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang giai đoạn mới. Một trong những nét nghệ thuật quân sự độc đáo tạo nên chiến thắng là nghệ thuật phản công.

Sau khi nghiên cứu, phân tích những hoạt động của quân Pháp trong Hè-Thu 1947, nhất là khi chúng tăng quân trên chiến trường Bắc Bộ, Đảng ta nhận định nhiều khả năng địch sắp tiến hành kế hoạch mới, đẩy mạnh tiến công xâm lược. Trên cơ sở nhận định của Đảng, Bộ Tổng chỉ huy xác định chiến trường chính sẽ là Bắc Bộ nếu chúng mạo hiểm đánh lên Việt Bắc. Chiến lược của địch là “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhằm mau chóng kết thúc chiến tranh. Mặc dù phán đoán địch đánh lên Việt Bắc, nhưng ta chưa lường được việc chúng mạo hiểm cho quân nhảy dù xuống trung tâm căn cứ địa cũng như các hướng tiến công của chúng. Vì thế, trong tuần đầu, khi địch tiến công, ta bố trí lực lượng và thế trận chưa hợp lý, dẫn đến bị bất ngờ, lúng túng. Sau khi phân tích, đánh giá đúng điểm mạnh, yếu của địch, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”, trong đó vạch rõ: Điểm yếu chí mạng của địch là khâu tiếp tế, vận chuyển, xa hậu phương, địch gặp khó khăn lớn khi cơ động cơ giới, bảo đảm hậu cần, tăng viện, ứng cứu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp và cán bộ Bộ Tổng Tham mưu báo cáo kế hoạch phản công trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947. Ảnh tư liệu

Căn cứ vào chỉ thị của Trung ương, vấn đề đặt ra cho Bộ Tổng chỉ huy là lựa chọn loại hình chiến dịch nào cho phù hợp. Trong điều kiện phạm vi chiến dịch rộng (gồm 5 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang), địa hình phức tạp, cơ động khó khăn, lực lượng chủ lực của ta mới thành lập, còn có những hạn chế nhất định. Trong khi đó địch cơ động cả bằng đường bộ, đường thủy và đường không; trang bị vũ khí rất mạnh. Vì thế nếu ta tổ chức phòng ngự để ngăn chặn, chắc chắn gặp nhiều bất lợi, khó giữ được trận địa trước sức tiến công ồ ạt của địch.

Dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy đã chọn loại hình phản công, đánh vận động, đánh du kích để đánh bại cuộc tiến công của địch. Quyết định lựa chọn loại hình chiến dịch phản công là hoàn toàn phù hợp, ta phát huy được sức mạnh của các lực lượng (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân) đánh địch. Có thể nói, Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 là chiến dịch phản công, đồng thời là chiến dịch xuất hiện đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Về nghệ thuật tổ chức và điều hành chiến dịch, do không gian chiến dịch rộng, lực lượng tham gia nhiều (13 trung đoàn, 11 tiểu đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương Việt Bắc) trong khi trình độ lãnh đạo, chỉ huy cấp khu còn hạn chế, nên Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo tổ chức và chỉ huy. Trên cơ sở phán đoán hướng tiến công chủ yếu và đánh giá mạnh yếu của địch, khả năng của ta, Bộ Tổng chỉ huy đã chọn đúng hướng (khu vực tác chiến), lập thế trận chiến dịch phản công ở ba hướng với ba mặt trận: Mặt trận Sông Lô-đường số 2 (hướng Tây), đánh địch trên sông Lô và trên đường bộ, chặn địch tiếp tế tăng viện, bẻ gãy gọng kìm phía Tây của chúng. Mặt trận đường số 3 (hướng Bắc Kạn), đánh địch trên đường Bắc Kạn-Cao Bằng và bảo vệ cơ quan Trung ương. Mặt trận đường số 4 (hướng Đông), đánh địch trên đường Lạng Sơn-Cao Bằng, vô hiệu hóa gọng kìm phía Đông của địch. Việc lập ba mặt trận trên ba hướng giúp ta tránh được chỗ mạnh của địch và từng bước vô hiệu hóa, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm, phá thế bao vây của chúng. Đây là nét đặc sắc về nghệ thuật phản công trong chiến dịch Việt Bắc.

Thành công nổi bật trong chiến dịch là tổ chức binh lực thích hợp và vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt. Sau khi xác định mục tiêu tác chiến, Bộ Tổng chỉ huy quyết định phân tán lực lượng chủ lực thuộc Bộ và các khu (1, 10 và 12) thuộc Việt Bắc thành 18 tiểu đoàn, tác chiến trên ba mặt trận và chuyển gần 30 đại đội về hoạt động độc lập ở các huyện trọng điểm. Phân tán các trung đoàn chủ lực thành hai bộ phận: “Đại đội độc lập” và “tiểu đoàn tập trung” không phải là “bước lùi” về quy mô tổ chức, mà là chủ trương đúng đắn, phù hợp với trình độ tác chiến bộ đội ta trên chiến trường Việt Bắc. Xác định là phản công nhưng tư tưởng chỉ đạo của ta là tiến công, lấy tiến công để diệt địch, chứ không dàn quân phòng ngự, giữ đất chờ địch đến mới đánh.

Bộ Tổng chỉ huy triển khai các tiểu đoàn tập trung trên ba mặt trận, lấy phục kích đánh địch vận chuyển trên bộ, trên sông là chủ yếu, nhằm vào chỗ yếu của địch là buộc phải cơ động trên đường bộ, đường sông để tăng viện, tiếp tế. Điển hình là các trận tập kích địch ở Chợ Mới (15-10), Chợ Đồn (21-10); phục kích địch trên bộ, trên sông như các trận tại Kilomet số 7 đoạn Tuyên Quang-Hà Giang (22-10), Khoan Bộ (23-10), Đoan Hùng (24-10), Bông Lau-Lũng Phầy (30-10)... đánh tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực địch, buộc chúng phải rút lui, giữ vững căn cứ địa Việt Bắc, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, điểm nổi bật về nghệ thuật phản công là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Bộ Tổng chỉ huy dự đoán, đánh giá âm mưu của địch; chọn loại hình chiến dịch phản công phù hợp, xác định đúng khu vực tác chiến, lập thế trận phản công và bố trí lực lượng ở ba mặt trận trên ba hướng, vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến giành thắng lợi. Kinh nghiệm về nghệ thuật phản công trong Chiến dịch Việt Bắc vẫn nguyên giá trị, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển sáng tạo, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.    


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-phan-cong-trong-chien-dich-viet-bac-thu-dong-1947-762107

  • Từ khóa