Sức mạnh của bộ đội chủ lực, tác chiến hiệp đồng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và vận dụng xây dựng quân đoàn chủ lực “tinh, gọn, mạnh”

Thứ 5, 04.04.2024 | 07:54:40
1,130 lượt xem

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định đến việc ký Hiệp định Geneva (tháng 7-1954) về lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhưng cũng vô cùng vẻ vang, anh dũng của quân và dân ta.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đầu năm 1954, lo sợ bị uy hiếp và mất quyền kiểm soát tại khu vực Tây Bắc, Navarre vội vã cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ với lực lượng lớn; bố trí thành 3 phân khu, 8 trung tâm đề kháng, 49 cứ điểm, trang bị nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Mục đích của thực dân Pháp nhằm xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh-một pháo đài không thể công phá và là nơi thu hút, giam chân, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.

Về phía ta, trên cơ sở nắm chắc tình hình, đánh giá đúng, đầy đủ về địch-ta, địa hình, thời tiết, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ta huy động một lực lượng lớn quân chủ lực gồm: 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), một trung đoàn thuộc Đại đoàn 304, Đại đoàn Công pháo 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia trận quyết chiến này.

 Quân đoàn 12 và các lực lượng tham gia diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, tháng 12-2023. Ảnh: HẢI HUY

Quán triệt nguyên tắc “đánh chắc thắng” của Trung ương Đảng, Bác Hồ và căn cứ vào thực tế chiến trường, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là sự sáng suốt, linh hoạt, thể hiện tư duy quân sự sắc sảo của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để thực hiện phương châm này, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp tác chiến, tổ chức, sử dụng lực lượng chủ lực một cách sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn, đợt chiến dịch và diễn biến chiến trường để tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch.

Thực tiễn chiến dịch cho thấy, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, ta đã diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, thu nhiều vũ khí, trang bị của chúng. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là nghệ thuật tác chiến hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực và các binh chủng phối thuộc, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung binh lực, hỏa lực giải quyết dứt điểm từng cụm mục tiêu vòng ngoài.

Trong đợt 1 (từ ngày 13 đến 17-3-1954), ta tiến công đánh chiếm trung tâm đề kháng Him Lam. Bộ chỉ huy chiến dịch xác định đây là cụm cứ điểm mạnh; thắng lợi của trận mở đầu sẽ tạo thế, tạo đà cho chiến dịch phát triển. Vì thế, Bộ chỉ huy chiến dịch tập trung lực lượng hơn hẳn 6 lần địch (5 trung đoàn), tiến công tiêu diệt 3 tiểu đoàn chiếm đóng và đề phòng 2 tiểu đoàn cơ động của địch.

Trong đợt tập kích hỏa lực đầu tiên mang tên “Sấm rền”, ta đã sử dụng 11 đại đội pháo, súng cối (chiếm khoảng 70% tổng số pháo binh tham gia chiến dịch) bí mật triển khai trên các triền núi, bất ngờ giáng đòn sấm sét xuống các mục tiêu: Him Lam, Phân khu Trung tâm, sân bay, các trận địa pháo và kho tàng của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh tiến công.

Đêm 13-3, trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt. Sau khi làm chủ Him Lam, đêm 14-3, dưới sự chi viện kịp thời, có hiệu quả của pháo binh, 2 trung đoàn bộ binh của ta đã tiến công mãnh liệt, tiêu diệt trung tâm đề kháng Độc Lập, xóa sổ một tiểu đoàn Bắc Phi, diệt 483 tên, bắt 200 tên; đánh bại các đợt phản kích của địch và làm chủ vững chắc vị trí này.

Nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng ở đây là: Ta không chỉ đánh giá sát đúng tình hình địch để tập trung lực lượng bảo đảm đủ sức tiêu diệt địch nhanh gọn, khiến chúng hoàn toàn bất ngờ, không kịp trở tay; mà còn là nghệ thuật phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ binh với pháo binh, xung lực với hỏa lực (đây là lần đầu tiên bộ đội ta đánh hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh và pháo binh với quy mô lớn nhưng chưa qua diễn tập) và giữa hoạt động đánh chiếm trận địa với đánh bại địch phản kích. Nhờ đó, bộ đội chủ lực đã tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi, mở toang cánh cửa “vòng ngoài” để đưa lực lượng vào tiến công khu vực trung tâm tập đoàn cứ điểm địch.

Thứ hai, sử dụng lực lượng chốt điểm, vây lấn hợp lý.

Bước vào đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954), Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tổ chức các trung đoàn bộ binh thành các lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi, thực hiện đánh vây lấn, chia cắt, cô lập từng cứ điểm, cụm cứ điểm, xiết chặt vòng vây vào khu trung tâm.

Để thực hiện tốt chủ trương này, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo các đơn vị trên từng hướng tiến công tổ chức lại lực lượng; tích cực xây dựng trận địa bao vây và trận địa tiến công, kết hợp chặt chẽ giữa vây lấn và đột phá trận địa phòng ngự địch, tạo cơ sở cho các lực lượng vừa thực hành vây lấn, vừa phòng ngự ngăn chặn, đánh bại phản kích của địch, khi có thời cơ tiến hành đột phá, lần lượt đánh chiếm từng cứ điểm, ổ đề kháng, từng bước thu hẹp dần phạm vi trận địa phòng ngự của chúng.

Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội đã tổ chức đào hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào chiến đấu, cơ động cùng hàng nghìn công sự và ụ súng các loại, tạo thế liên kết chặt chẽ với nhau, có thể cơ động lực lượng và mang vác một số vũ khí, thậm chí cả pháo hạng nhẹ. Với tinh thần tích cực, vượt mọi khó khăn, gian khổ, nên chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống giao thông hào, chiến hào ngày càng lấn sâu vào phía cứ điểm, cụm cứ điểm, tạo thành “sợi dây thòng lọng” mỗi ngày lại xiết chặt thêm yết hầu quân địch. Dựa vào thế trận đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đã ra lệnh cho các đơn vị chủ lực tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp, thực hiện triệt để việc “vây, lấn, tấn, diệt”... Với cách đánh này, ta vừa khắc phục được hỏa lực địch, vừa phá hủy từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm các cứ điểm ở vòng trong, làm hao mòn sinh lực địch. Do đó, đến trung tuần tháng 4-1954, quân ta từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường. Sân bay Mường Thanh bị hàng loạt chiến hào ta cắt đứt, không còn là nơi lên, xuống của máy bay địch.

Các trận địa pháo binh của ta cũng từng bước thu hẹp vòng vây; từ các vị trí có lợi dồn dập nã đạn diệt gọn các khẩu đội pháo của địch ở trung tâm Mường Thanh. Đồng thời, pháo cao xạ của ta được đưa xuống cánh đồng Mường Thanh khống chế vùng trời này, buộc địch phải thả dù ở độ cao lớn, làm cho hơn nửa số dù tiếp tế hậu cần, kỹ thuật rơi vào trận địa của ta, trở thành nguồn cung cấp đạn pháo và lương thực, thực phẩm cho các đơn vị.

Thực tế chứng minh, việc sử dụng lực lượng hợp lý, tổ chức vây hãm, đẩy mạnh đánh lấn, tiêu hao rộng khắp, triệt đường tiếp tế của địch ở Điện Biên Phủ đã đẩy chúng vào thế ngày càng khốn quẫn. Đến cuối tháng 4-1954, mặc dù quân Pháp ở Điện Biên Phủ còn hơn một vạn tên, nhưng lực lượng có đủ khả năng để chiến đấu còn rất ít. Đây là điều kiện thuận lợi cho ta tiếp tục tiến công kết thúc chiến dịch.

Thứ ba, tập trung lực lượng tổng công kích giành thắng lợi quyết định.

Trước những dấu hiệu phát triển đột biến của chiến trường, thời cơ tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã xuất hiện, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định huy động mọi lực lượng, thực hiện tổng công kích giành thắng lợi.

Chiều 7-5-1954, trên các hướng, mũi, toàn bộ lực lượng của ta đang từ thế vây lấn được lệnh nhanh chóng chuyển sang tổng công kích bằng sức mạnh áp đảo quân địch. Trên các hướng, mũi, các lực lượng tiến công hiệp đồng chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh tổng lực, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu và hẹn giờ hợp điểm chiến thắng tại trung tâm Mường Thanh.

Nét sáng tạo trong sử dụng lực lượng chiến dịch còn được thể hiện, khi thời cơ đến, Bộ chỉ huy chiến dịch táo bạo sử dụng Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) vượt cầu Mường Thanh, thọc sâu vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries, binh lính địch lũ lượt giơ cờ trắng ra hàng. Ở khu vực Hồng Cúm, Đại đoàn 304 dùng loa kêu gọi địch đầu hàng. Lợi dụng đêm tối, địch tháo chạy, ta truy kích và đã bắt sống toàn bộ. Cùng với Chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng: Bộ binh, pháo binh, phòng không, hậu cần ở các mặt trận phía sau, thậm chí cả lực lượng ở vùng địch chiếm đóng đã phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực tiến công địch ở khắp nơi, tạo thế kiềm chế, cô lập, không cho chúng hỗ trợ, tăng cường binh lực, hỏa lực cho quân đồn trú ở Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên Quân đội ta sử dụng cách đánh hiệp đồng quân, binh chủng giữa bộ đội chủ lực và các lực lượng pháo binh, pháo cao xạ tiến công quy mô lớn, tiêu diệt địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Các đơn vị của ta đã thực hiện xuất sắc tiêu diệt gọn quân địch về chiến thuật, tiêu diệt lớn về chiến dịch và chiến lược.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học sâu sắc, đặc biệt có giá trị về lý luận và thực tiễn. Trong đó, nghệ thuật sử dụng sức mạnh của bộ đội chủ lực, tác chiến hiệp đồng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vận dụng vào xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, bảo đảm đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống.

Nhằm góp phần cụ thể hóa chủ trương về tổ chức, xây dựng Quân đội trong tình hình mới, ngày 21-11-2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 6012/QĐ-BQP về việc thành lập Quân đoàn 12-quân đoàn chủ lực đầu tiên được tổ chức lại theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại. Quân đoàn 12 được thành lập trên cơ sở các đơn vị tiền thân có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2.

Sự ra đời của Quân đoàn 12 đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Quy mô tổ chức lực lượng của Quân đoàn lớn hơn, chức năng, nhiệm vụ bổ sung nhiều hơn, được trang bị nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại. Với thế bố trí mới, Quân đoàn 12 đảm nhận nhiệm vụ mở các chiến dịch có quy mô vừa và đánh bại mọi hình thái đặc trưng mới của địch trong tương lai, đồng thời thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Một tháng sau khi thành lập, Quân đoàn 12 tổ chức cuộc diễn tập có bắn đạn thật đầu tiên, với sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu của nhiều quân, binh chủng như: Phòng không-không quân, pháo binh, xe tăng, thiết giáp, công binh, hóa học, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, đặc công...; sử dụng nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, chưa từng có trong các cuộc diễn tập trước đây. Quân đoàn 12 cùng các lực lượng tham gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đây là minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Quân đoàn 12 nói riêng; đồng thời thể hiện năng lực, trình độ tổ chức chỉ huy, phối hợp hiệp đồng của các lực lượng tham gia cuộc diễn tập, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, xây dựng Quân đoàn 12 xứng đáng là quân đoàn chủ lực, cơ động chiến lược của Quân đội ta được tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại.

Để tiếp tục phát huy các giá trị, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ vào quá trình xây dựng Quân đoàn và bảo đảm đánh thắng trong mọi tình huống, Quân đoàn 12 xác định tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục sâu sắc nhiệm vụ, khơi dậy và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội và đơn vị; vận dụng sáng tạo các giá trị, bài học kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ...

Hai là, tiến hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng Quân đoàn “tinh, gọn, mạnh”, gắn với đổi mới, đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Quân đoàn và từng đơn vị. Quá trình huấn luyện chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại, sức cơ động và khả năng tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng giữa các đơn vị trong Quân đoàn và với đơn vị bạn trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Coi trọng nghiên cứu các hình thức tác chiến trong các cuộc xung đột quân sự gần đây trên thế giới; phát triển nghệ thuật quân sự vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, diễn tập để có phương thức tác chiến phù hợp. Tích cực ứng dụng khoa học-công nghệ, các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong huấn luyện, diễn tập ở các cấp, bảo đảm sát thực tế chiến đấu, rèn luyện khả năng chịu đựng khó khăn, gian khổ, tạo sức khỏe bền bỉ, dẻo dai cho bộ đội, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Ba là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cơ chế quản lý tài chính phù hợp với quy mô, lực lượng, địa bàn của Quân đoàn. Chú trọng nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ; thực hiện tốt phương châm “thực túc-binh cường”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế, nhất là các loại vũ khí mới, hiện đại. Chú trọng xây dựng, nâng cao sức cơ động để Quân đoàn thực sự là đơn vị “chủ lực, cơ động chiến lược” của Bộ Quốc phòng, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, với mọi quy mô lực lượng và cự ly, yêu cầu của hình thức tác chiến được giao.

Bốn là, thường xuyên giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; chăm lo xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì; cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thực sự tiên phong, gương mẫu, thấm nhuần và thực hiện hiệu quả tinh thần 7 dám: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, quyết tâm lãnh đạo, tổ chức chỉ huy đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; chăm lo xây dựng các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại giữa cán bộ chủ trì với cán bộ, chiến sĩ, giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh từ cơ sở. Triển khai hiệu quả công tác dân vận, chú trọng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc; chủ động chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập và tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/suc-manh-cua-bo-doi-chu-luc-tac-chien-hiep-dong-trong-chien-dich-dien-bien-phu-va-van-dung-xay-dung-quan-doan-chu-luc-tinh-gon-manh-771270

  • Từ khóa