Sắc màu trang phục các dân tộc Dao

Thứ 5, 11.02.2021 | 00:00:00
11,649 lượt xem

Theo chân nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng khám phá vẻ đẹp các dân tộc Dao qua chân dung trang phục dành cho các nghi lễ truyền thống.

Cặp đôi người Dao Lù Gang trong trang phục cưới truyền thống tại xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn), cạnh bên là hai chàng trai thổi nhạc cụ kèn pí lè. Người Dao sử dụng kèn này vào những dịp như lễ cưới hỏi, lễ Tết, cúng thần lúa, thần rừng. Tiếng kèn như lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ.

Phụ nữ Dao Lù Gang diện trang phục truyền thống bên sườn núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn rợp sắc hoa đào rừng. Trang phục phụ nữ Dao là áo dài 4 thân bổ tà trước ngực. Bên trong áo có yếm thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc, trang trí bằng hạt cườm kèm thắt lưng màu trắng thêu hoa văn đen hình cành cây.

Cảnh tái hiện đám cưới người Dao Đỏ trong trang phục truyền thống tại thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Thôn Lũng Slàng có 35 hộ, 78 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao, nằm cách thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định khoảng 15 km. Xung quanh Lũng Slàng là núi non trùng điệp, đường đi lại khó khăn, chỉ có một con đường duy nhất dài hơn 2 km đi vào thôn này.

“Nếu một lần được hòa mình vào đám cưới của người Dao, du khách thấy nghi lễ chính của đám cưới diễn ra theo đúng phong tục bao đời để lại. Từ cô dâu, phù dâu, chú rể đến đoàn đi rước dâu cảm nhận được niềm vui khi mặc trang phục truyền thống của mình”, anh Tùng nói.

Triệu Thúy Thêm, cô gái người Dao Thanh Y ở huyện Đình Lập, Lạng Sơn trong trang phục truyền thống. Ban đầu, trang phục làm bằng chất liệu vải tự nhuộm nhưng trải qua thời gian nhận thấy loại vải này khó giặt nên đã dùng vải hiện đại, màu vải đen chủ đạo và gần như không có các họa tiết thêu ở phần thân áo. Tô điểm cho bộ trang phục là chuỗi hạt cườm được xỏ bằng tay và đan chỉ thành một hình dạng nhất định.

Trang phục nữ của người Dao Quần Chẹt ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ba Vì sát nhập vào Hà Nội từ năm 2008 và cộng đồng người Dao ở Ba Vì trở thành một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số đầu tiên có mặt tại thủ đô. Người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì sống quy tụ theo cộng đồng, chiếm 98% dân số của xã, với 2.000 người. Cách gọi nhóm dân này dựa vào trang phục có quần bó sát chân để phân biệt với các nhóm người Dao khác.

Anh Tùng cho biết cuộc sống tuy đơn giản nhưng với dân tộc Dao luôn tràn đầy niềm tin và hạnh phúc. Hiện nay việc mặc những bộ trang phục truyền thống của người Dao trong cuộc sống hằng ngày đang ít dần, tuy nhiên họ vẫn duy trì được nét văn hóa cổ truyền.

Cô gái Dao Đỏ ở Yên Bái diện trang phục truyền thống. Người Dao tại Yên Bái được chia thành bốn ngành chính là Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển. Phân biệt các ngành Dao này dựa vào sự khác biệt trên trang phục truyền thống của họ, trong đó trang phục Dao đỏ được xem là rực rỡ nhất gồm khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, cạp cuốn chân và giày dép. Bộ trang phục có 5 màu cơ bản nhưng chủ yếu vẫn là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ là màu của hạnh phúc, ấm no, khỏe mạnh và tạo năng lượng tích cực cho con người.

Các cô gái Dao Đỏ ở xã Bản Luốc, Hoàng Su Phì, Hà Giang rực rỡ sắc màu trong trang phục truyền thống. Huyện Hoàng Su Phì nổi tiếng với Di tích quốc gia ruộng bậc thang làm say lòng du khách, bên cạnh đó còn có những điểm nhấn về nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Toàn huyện có hơn 13.000 người dân tộc Dao, chiếm 22% tổng dân số toàn huyện với 4 nhóm gồm Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Áo Dài và Dao Quần Trắng. Trong đó, người Dao Đỏ được biết đến với nhiều nét văn hóa đặc trưng với gần 300 năm lịch sử. Tại xã Bản Luốc có 10 thôn, bản, dân tộc Dao tại Bản Luốc có nhiều nhóm khác nhau, với những phong tục tập quán riêng biệt không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào khác.

Gia đình dân tộc Dao Chàm (hay Dao Áo Dài) trong trang phục truyền thống tại làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang.

Thôn Nặm Đăm là nơi sinh sống của người dân tộc Dao Chàm, còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và nét sinh hoạt truyền thống. Hiện nay trong thôn Nặm Đăm đã xây dựng mô hình nhà lưu trú và dịch vụ ăn uống cho khách du lịch ngay tại nhà dân.

Đặng Hồng Ngân, cô gái dân tộc Dao Tiền, quê ở Tuyên Quang, diện trang phục truyền thống trong một sự kiện gặp gỡ cộng đồng người Dao diễn ra hồi tháng 6/2020 tại Bảo tàng Hà Nội.

Mỗi ngành Dao ở Tuyên Quang cư trú ở một vùng nhất định, như ngành Dao Đỏ cư trú chủ yếu ở huyện Na Hang, Lâm Bình và Chiêm Hóa, còn ngành Dao Tiền cư trú chủ yếu ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang và Hàm Yên. Khác với Dao Đỏ, trang phục của người Dao Tiền chủ yếu là sự kết hợp hai màu chủ đạo là chàm và trắng.

Tại Cao Bằng, dân tộc Dao Tiền sống chủ yếu ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình. Cộng đồng Dao Tiền nơi đây chăm chỉ quay sợi, xe tơ dệt vải, làm ra những bộ quần áo và váy nhiều màu sắc. Không chỉ se tơ dệt vải, người Dao Tiền còn nổi tiếng với nghề thêu thổ cẩm. Các sản phẩm thêu đa dạng gồm quần áo dân tộc, khăn trải bàn, khăn trùm đầu và tranh treo tường mang đậm nét văn hóa đặc trưng, qua đó phát huy hiệu quả nghề dệt, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Phụ nữ Dao Đỏ ở Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai. Điểm chú ý trong bộ trang phục truyền thống là thắt lưng cuốn 3-4 vòng và buộc chặt phía sau. Khi mặc, họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục, thể hiện sự gần gũi và thân thiện với thiên nhiên của người Dao Đỏ.

Cô gái dân tộc Dao Thanh phán ở Bình Liêu, Quảng Ninh trong trang phục truyền thống, thường đội một chiếc mũ màu đỏ giống như cái hộp trên đầu, quấn trên đầu một chiếc khăn màu đỏ, in họa tiết hoa văn và buộc dây ở cằm để thể hiện sự duyên dáng. Các họa tiết hoa văn này phản ánh đời sống văn hóa của người dân tộc như chiếc bừa dùng trong canh tác lúa, hoa đậu đũa trên nương, hoa sâm hay ruộng bậc thang.


Huỳnh Phương/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/sac-mau-trang-phuc-cac-dan-toc-dao-4214764.html

  • Từ khóa