Trong thời đại Victoria, ít có cây cầu nào sánh được với cầu cạn Thung lũng Ouse về quy mô và kiến trúc. Cây cầu ngày nay được đông đảo du khách yêu thích, trở thành điểm check-in không thể bỏ qua.
Cầu cạn Thung lũng Ouse vừa là cây cầu cạn nối tuyến đường sắt London - Brighton vừa là công trình mang đậm vẻ thanh lịch của Vương quốc Anh. (Ảnh: Sussexlife)
Ouse Valley Viaduct là cây cầu đường sắt tiêu biểu của thời đại Victoria (1837 - 1901) do công ty London & Brighton xây dựng và hoàn thành vào năm 1842. Nằm ở phía Bắc của Haywards Heath và về phía Nam của Balcombe, cây cầu nằm bắc qua những ngọn đồi xinh đẹp của vùng nông thôn Sussex.
Cây cầu cạn được làm bằng gạch nung đỏ, đá vôi mịn có chiều dài 500m, được xây dựng với chi phí khoảng 38.500 bảng Anh (tương đương khoảng 3,8 triệu bảng ngày nay).
Cây cầu nhìn từ dưới lên (Ảnh: Sussexlife)
Từ 11 triệu viên gạch được sản xuất trong nước và nhập từ Hà Lan qua eo biển Manche đã góp phần tạo nên cây cầu cạn ấn tượng nhất nước Anh. Những loại đá vôi, dải nối trụ trang trí… cũng được vận chuyển từ vùng Normandy ở miền Bắc nước Pháp đủ để thấy tâm huyết của nhà thiết kế bỏ vào Ouse Valley Viaduct.
Vòm cong thẳng tắp bên dưới chân cầu (Ảnh: Sussexlife)
Đặt chân tới Ouse Valley Viaduct, khách tham quan đặc biệt ấn tượng những khung vòm ngược ở phần đáy bên trong khoảng trống của mỗi trụ lớn. Mọi người chỉ có thể dành một từ "hoàn hảo" để miêu tả khi chúng được sắp xếp theo một đường thẳng tắp khiến bạn cảm thấy trước mắt mình đang hiện ra không gian 3D ảo diệu đủ khiến đầu óc quay cuồng.
Ảnh chụp của khách tới checkin (Ảnh: Twitter)
Ngoài ra, nhiều người cũng chẳng thể rời mắt khỏi phần mái mỏng manh cùng những chi tiết, hình thù trang nhã phía trong gồm 4 pavilion hình chữ nhật nhỏ mang phong cách Ý và hệ thống lan can đặc biệt.
Đứng dưới chân cầu mới cảm nhận được hết quy mô của nó (Ảnh: Sussexlife)
Cho đến nay, cây cầu vẫn là cầu nối, vận chuyển hành khách giữa London và Brighton. Với những tín đồ đam mê du lịch, cây cầu đặc trưng của người Anh còn là điểm check-in nhất định phải ghé tới một lần.
Hằng Đoàn/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/du-lich/cay-cau-song-ao-an-tuong-bac-nhat-nuoc-anh-20210729101340409.htm