Theo World Atlas, đây là quốc gia duy nhất trên thế giới có lãnh thổ nằm trên cả 4 bán cầu của trái đất, trong khi hầu hết lãnh thổ các nước chỉ nằm trong một hoặc hai bán cầu.
Thuật ngữ "bán cầu" (hemisphere) có từ thời Hy Lạp cổ đại, dùng để chỉ một nửa của vật thể hình cầu. Trái đất có hình cầu, do vậy có thể chia thành 2 nửa. Theo truyền thống, thế giới được chia thành 4 bán cầu, cụ thể gồm Đông bán cầu, Nam bán cầu, Tây bán cầu và Bắc bán cầu.
Với Bắc bán cầu và Nam bán cầu được chia dọc theo đường xích đạo nằm ngang, một đường tưởng tượng còn gọi là vĩ độ không. Bắc bán cầu chứa khoảng 68% khối lượng đất liền của trái đất, bao gồm toàn bộ lục địa châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, một phần đáng kể của Nam Mỹ và châu Phi.
Bắc bán cầu và Nam bán cầu (Ảnh: Atlas).
Nam bán cầu gồm Nam Cực, Australia cũng như các phần phía nam của Nam Mỹ và châu Phi khiến nơi này chỉ chiếm khoảng 38% diện tích trái đất.
Diện tích bề mặt Nam bán cầu gồm 80% các vùng nước như đại dương, trong khi phần còn lại là đất liền. Nam bán cầu chỉ là nơi sinh sống của khoảng 10% dân số thế giới do diện tích đất tương đối nhỏ.
Đông và Tây bán cầu được phân chia bởi một đường kinh độ tưởng tượng chạy dọc toàn cầu gọi là kinh tuyến gốc. Tuy nhiên, hai bán cầu Đông và Tây thường được dùng trong bối cảnh chính trị, văn hóa, hơn là yếu tố địa lý.
Trên thực tế, lãnh thổ các quốc gia thường nằm trong một bán cầu, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như Mali, Algeria và Pháp nằm ở hai bán cầu.
Quay trở lại với câu chuyện vậy đâu là quốc gia nằm ở 4 bán cầu?
Theo World Atlas, Kiribati (tên chính thức Cộng hòa Kiribati) là quốc đảo trải dài trên diện tích khoảng 811 km2, nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, thuộc châu Đại Dương, là quốc gia duy nhất có lãnh thổ nằm cả 4 bán cầu của trái đất. Châu Phi cũng là lục địa duy nhất được biết tới với đặc điểm địa lý tương tự.
Kiribati là quốc gia duy nhất trên thế giới nằm ở cả 4 bán cầu (Ảnh cắt từ clip).
Quốc gia này gồm 32 đảo san hô, 21 đảo trong số đó có người sinh sống. Các hòn đảo được tìm thấy ở khu vực Nam Thái Bình Dương của Polynesia và Micronesia.
Trước đây, Kiribati từng chịu sự thống trị của Vương quốc Anh. Tới năm 1979, quốc đảo này giành được độc lập. Hiện tiền tệ quốc gia này là đồng đôla Kiribati, nhưng đôla Australia cũng được chấp nhận ở đây.
Cá là nguồn xuất khẩu chính của Kiribati (Ảnh: Travel).
Do thiếu hụt nguồn tài nguyên thiên nhiên nên Kiribati được xem là một trong những quốc gia phát triển kém nhất trên thế giới. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước này là cá. Thủ đô Kiribati là Nam Tarawa. Tính tới năm 2020, dân số quốc gia này đạt gần 120.000 người.
Quốc Việt/dantri.com.vn