Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa

Thứ 3, 26.04.2022 | 00:00:00
619 lượt xem

Ngay sau lán 1 là sống lưng khủng long dài 3km, thử thách lớn nhất của cung leo Tà Xùa mà không cung leo nào khác ở Việt Nam có được. Đoạn đường hẹp với địa hình dốc đá dựng đứng, hai bên là vực sâu.

Đỉnh Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là một trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, có độ cao 2.865m so với mực nước biển. Đỉnh Tà Xùa là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La.

Tà Xùa có ba đỉnh hợp thành, nhìn trông giống như một con khủng long đá khổng lồ với sống lưng nhấp nhô gai góc và hiểm trở. Ngoài hướng đi từ thị trấn Trạm Tấu, có thể lên đỉnh Tà Xùa từ phía huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Đường này ngắn, dễ leo hơn và không đi qua sống lưng khủng long.

Theo anh Nguyễn Mạnh Chiến, quản trị viên của Hội những người đam mê leo núi với gần 70 ngàn thành viên, cung leo Tà Xùa thu hút du khách chú ý vài năm gần đây bởi sở hữu đoạn sống lưng khủng long độc đáo, dài và đẹp, mang lại cho du khách cảm giác mạnh không nơi nào sánh được.

Trên đỉnh Tà Xùa còn có một khu rừng phủ rêu có một không hai ở Việt Nam. Và tuyệt vời hơn nữa, nơi đây cũng là thiên đường của mây.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 1

Cung leo Tà Xùa thu hút du khách chú ý vài năm gần đây bởi sở hữu khung cảnh thiên nhiên độc đáo (Ảnh: Dũng Khuất).

Trung tuần tháng 4, nhóm 6 người chúng tôi lên đường đi chinh phục Tà Xùa, sau gần một năm hoạt động leo núi ở Tây Bắc bị ngừng do dịch bệnh Covid. Chúng tôi thuê xe ô tô và đi từ Hà Nội lúc 17h lên thị trấn Trạm Tấu, nơi chúng tôi nghỉ đêm để chuẩn bị cho chuyến leo 3 đỉnh của Tà Xùa trong 3 ngày 2 đêm.

Sau khi vượt qua 7km đường đồi núi quanh co, xe ô tô đưa chúng tôi vào xã Bản Công, điểm xuất phát của cung leo. Tại đây, chúng tôi gặp 3 người gùi đồ (porter) địa phương. Đến 8h sáng chúng tôi bắt đầu cung leo có tổng chiều dài khoảng 17km.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 2

Mỏm đá đầu rùa để check in sống ảo trên đường lên đỉnh Tà Xùa (Ảnh: Phạm Hiền).

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 3

Ảnh chụp từ mỏm đá Đầu rùa (Ảnh: Đức Hùng).

Từ điểm xuất phát lên tới mỏm đá Đầu rùa dài khoảng 4km. Đoạn đường đồi dốc thoai thoải có nhiều cây cối hai bên nên khá thoáng mát cho người leo. Mỏm đá hình đầu con rùa nhô ngoài là điểm check in không thể thiếu trong cung leo.

Từ mỏm đá này có thể ngắm trọn trong tầm mắt khung cảnh bao la và hùng vĩ: Những ngọn núi ở phía xa, những cánh rừng bạt ngàn trải ra bên dưới.

Chúng tôi dừng chân nghỉ ăn trưa lúc 12h trưa ở khu đất bằng phẳng ngay gần mỏm đá Đầu rùa. Sau khoảng 1 tiếng nghỉ và nạp năng lượng, chúng tôi đi tiếp hơn 2km đến khu vực lán 1. Khu vực này đi qua khu rừng trúc thấp mọc san sát nhau. Đoàn 6 người chúng tôi đi xuyên qua rừng trúc dưới ánh nắng nhẹ xiên. Khung cảnh thật là thơ mộng.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 4

(Ảnh: Đức Hùng)

Do leo khá nhanh, trong đó có một phần là nhờ thời tiết mát nên chúng tôi không nghỉ ở lán 1 mà lên thẳng lán 2 ở gần đỉnh Tà Xùa. Qua lán 1, địa hình và cảnh sắc hoàn toàn thay đổi. Các tảng đá lớn cùng các cây gỗ lớn bắt đầu xuất hiện nhiều.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 5

Đường lên đỉnh Tà Xùa (Ảnh: Dũng Khuất).

Ngay sau lán 1 là sống lưng khủng long dài 3km, thử thách lớn nhất của cung leo Tà Xùa mà không cung leo nào khác ở Việt Nam có được. Đoạn đường hẹp với địa hình dốc đá dựng đứng, hai bên là vực sâu, một trong những đoạn đường leo nguy hiểm nhưng cũng hấp dẫn nhất với du khách. Những người sợ độ cao được khuyến cáo không nên chinh phục cung leo này.

Tháng 9 năm 2019, để đảm bảo an toàn cho du khách, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nguyên vật liệu còn người dân địa phương bỏ công để dựng một các cọc sắt và dây thép ở những đoạn leo khó nhất của sống lưng khủng long.

Anh A Vảng, 48 tuổi, người dân tộc Mông, cho biết anh là một trong 8 người đã lắp đặt lan can dây thép này. "Chúng tôi xuống dưới thị trấn lấy sắt thép và xi măng được chính quyền địa phương cung cấp. Sau 7 ngày làm việc, chúng tôi hoàn thiện hệ thống lan can này. Từ đó chúng tôi cảm thấy an tâm hơn mỗi khi đưa du khách qua đây", anh A Vảng nói.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 6

Du khách check-in tại sống lưng khủng long (Ảnh: Đức Hùng).

Khi bắt đầu chinh phục sống lưng khủng long, chúng tôi thu hết gậy leo núi lại và đeo găng tay để trèo và bám vào lan can dây thép. Lan can dây thép chỉ được dựng ở một số đoạn nguy hiểm nhất cung leo, còn lại các trekkers vẫn phải tự mình bò, trườn và bám bằng cả hai tay để vượt qua con đường mòn nhỏ, dễ trơn trượt, chênh vênh vắt qua bốn đỉnh núi.

Đứng ở trên sống lưng khủng long lộng gió có thể phóng tầm mắt ra xung quanh thấy bạt ngàn mây núi và các cánh rừng già dưới làn mây phảng phất ở phía dưới. Vẻ đẹp không từ ngữ hay hình ảnh nào tả xiết đã giữ chân chúng tôi lâu hơn ở đây.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 7

Sống lưng khủng long của Tà Xùa (Ảnh: Đức Hùng).

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 8

Cánh rừng đỗ quyên cổ thụ chụp từ sống lưng khủng long (Ảnh: Đức Hùng).

Sau hơn 2 tiếng, chúng tôi vượt qua sống lưng khủng long và đi thêm khoảng gần 1 tiếng nữa tới lán nghỉ 2. Lúc này là 4h30 chiều. Trời se lạnh và bắt đầu tối dần.

Lán nghỉ chứa được khoảng 60 người mới được dựng vào tháng 12 năm 2021. Theo anh A Chìa, chủ lán, anh và 5 người ở bạn mất một tháng để dựng xong khu lán khang trang và sạch sẽ này với tổng số tiền đầu tư khoảng 60 triệu đồng, chưa gồm công sức của 6 người. Trước đó, du khách phải ngủ ở khu lán nhỏ chứa được khoảng 30 người và nằm ở khu vực không thuận tiện.

Toàn bộ cung leo Tà Xùa không có con suối hay ngọn thác nào. Để có nước phục vụ khu lán nghỉ, chủ lán đã dẫn nước bằng ống cao su từ khe núi cách đó khoảng 4km. Nước từ khe suối này cũng được dẫn xuống lán 1.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 9

Lán nghỉ 2 (Ảnh: Đức Hùng).

Chúng tôi ăn tối lúc 19h, các món gồm thịt lợn nướng, gà luộc, canh măng và rau rừng. Sau khi ăn tối, chúng tôi nhanh chóng đi nghỉ để chuẩn bị cho ngày hôm sau chinh phục hai đỉnh núi Tà Xùa 1 và 2.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ dậy từ 5h sáng để lên đỉnh núi Tà Xùa 2 ngắm bình minh và sau đó quay trở về ăn sáng rồi lên đỉnh Tà Xùa 1, đỉnh núi cao nhất của cung leo, nơi có chóp inox. Tuy nhiên, cơn mưa đêm kéo dài tới tận sáng đã phá hỏng kế hoạch của chúng tôi. Sau khi để hết đồ đạc ở lán, chúng tôi xuất phát leo lên đỉnh lúc 7h30 khi trời đã tạnh.

Sau khoảng 30 phút leo, chúng tôi tiến vào khu rừng đỗ quyên cổ thụ được rêu phủ kín. Rừng cây cổ thụ có nhiều nhánh dài ngoằng phủ đầy rêu phong có hình thù kỳ dị. Sương mù che kín tầm mắt cùng tiếng gió rít mạnh khiến khu rừng trở lên huyền bí và ma mị hơn, dường như chỉ có ở trong truyện cổ tích.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 10

(Ảnh: Phạm Hiền).

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 11

Khu rừng rêu ma mị (Ảnh: Đức Hùng).

Có một điều đặc biệt đó là hoa đỗ quyên vàng và đỏ ở khu rừng ở gần đỉnh Tà Xùa vẫn đang nở rực rỡ trong khi hoa đỗ quyên ở khu rừng phía dưới đã tàn. Theo anh A Đẳng, người dẫn đường của chúng tôi, độ ẩm cao và kín gió giúp cho hoa đỗ quyên ở đây nở muộn hơn.

Sau khoảng hơn 3 tiếng vừa leo vừa chụp ảnh, chúng tôi lên tới đỉnh lúc 11h. Anh A Đẳng cho biết, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, từ đây có thể quan sát được ra các đỉnh núi xung quanh và thường có cơ hội gặp biển mây ở ngay bên dưới.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 12

Ảnh chụp từ trên đỉnh Tà Xùa (Ảnh: Đức Hùng).

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 13

Sáu thành viên của đoàn chụp kỷ niệm với chóp inox trên đỉnh Tà Xùa (Ảnh: Đức Hùng).

Sau khi ăn trưa với xôi và thịt gà, chúng tôi xuống núi lúc 12h. Trên đường trở về lán, chúng tôi leo lên đỉnh Tà Xùa 1. Đỉnh này nằm cách lán 2 khoảng 20 phút leo. Đây là nơi lý tưởng để ngắm bình minh và biển mây vào ngày thời tiết đẹp. Từ đây có thể thấy toàn bộ sống lưng khủng long vắt qua bốn đỉnh núi ở phía dưới.

Sau khoảng 30 phút ở đỉnh Tà Xùa 1, chúng tôi quay trở lại lán 2 thu dọn đồ đạc và di chuyển xuống lán 1 để nghỉ đêm thứ 2. Vượt qua sống lưng khủng long cheo leo, kỳ vĩ lại đem cho chúng tôi một cảm giác mạnh và hấp dẫn mới. Hôm nay thời tiết đẹp hơn hôm qua nên chúng tôi dành nhiều thời gian để chụp cảnh từ sống lưng khủng long.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 14

(Ảnh: Đức Hùng).

Về tới lán 1 lúc 17h, chúng tôi nghỉ ngơi, ăn tối để sáng sớm hôm sau lên đường xuống núi về lại bản Công để từ đó lên xe ô tô về Hà Nội, kết thúc hành trình chinh phục Tà Xùa, một kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ và huyền bí có một không hai. 

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa - 15

Khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh (Ảnh: Dũng Khuất).


Đức Hùng/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/chinh-phuc-song-lung-khung-long-va-rung-reu-ma-mi-tren-dinh-ta-xua-20220425165022419.htm

  • Từ khóa