Những bí ẩn về cách người Ai Cập cổ đại di chuyển hàng triệu khối đá nặng 2 tấn qua sa mạc để xây dựng kim tự tháp dần được hé lộ
Kỳ quan vĩ đại thời cổ đại hiếm hoi còn tồn tại
Đại kim tự tháp là một trong số bảy kỳ quan nổi tiếng của thế giới cổ đại, đồng thời là công trình hiếm hoi còn tồn tại tới ngày nay. Ban đầu kim tự tháp cao khoảng 146m (đến nay chỉ còn cao khoảng 139m), trở thành cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới trong gần 4.000 năm.
Đại kim tự tháp Giza là công trình vĩ đại có cấu trúc hình học gần như hoàn hảo, nằm ở ngoại ô của thủ đô Cairo, là biểu tượng cũng như chứng minh quyền lực, sự giàu có tột đỉnh của các Pharaoh vào giai đoạn hoàng kim của Ai Cập cổ đại.
Kim tự tháp Giza là công trình vĩ đại thời cổ đại còn tồn tại (Ảnh: Pyramid).
Khu phức hợp không chỉ gồm một kim tự tháp mà là 3 cái khác nhau cùng tượng nhân sư Giza. Công trình được xây làm lăng mộ cho 3 vị Pharaoh nổi tiếng gồm Khufu, Khafre và Menkaure suốt 20 năm, từ năm 2560 trước Công nguyên tới năm 2540 trước Công nguyên.
Theo số liệu của National Geographic (Mỹ), mỗi khối đá làm từ đá vôi và đá granit trong số hàng triệu viên đá xây dựng kim tự tháp lớn. Chúng nặng ít nhất 2,5 tấn đến 15 tấn.
Du khách chụp ảnh trước đại kim tự tháp (Ảnh: Getty).
Vậy vào thời cổ đại, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, mọi thứ còn thô sơ của 4.000 đến 5.000 năm trước, làm cách nào công trình vĩ đại này được xây dựng? Được biết, hàng triệu tấn đá vôi và hàng nghìn tấn đá granit được khai thác cách nơi xây đại kim tự tháp tới 800km.
Chưa kể tới việc đặt các khối đá xếp chồng lên nhau một cách đối xứng gần như hoàn hảo về hình học, là vấn đề nan giải.
Những bằng chứng dần hé lộ
Câu hỏi về cách người Ai Cập cổ đại xây dựng kim tự tháp làm "đau đầu" các chuyên gia suốt hàng thế kỷ. Nhưng theo nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra manh mối về một phương pháp đơn giản hơn nhiều. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tìm thấy một nhánh của sông Nile cạn khô, từng dẫn thẳng tới đại kim tự tháp 4.500 năm về trước.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Mỹ, giải thích cách người cổ đại di chuyển hàng triệu tấn đá qua 6.5km của vùng đất từng bị nhầm tưởng hoàn toàn là sa mạc khô hạn.
Tượng nhân sư gần kim tự tháp (Ảnh: Travel).
Theo nhà nghiên cứu Hader Sheesh, "việc xây dựng kim tự tháp mà không có phần nhánh nhỏ của sông Nile là điều bất khả thi".
Để tìm ra nhánh sông Nile này, nhóm nghiên cứu phải đào lỗ trên sa mạc xung quanh kim tự tháp để tìm kiếm loại phấn hoa cổ đại. Đó là phấn hoa của các loài thực vật vốn phát triển mạnh trong môi trường nước.
Kết quả cho thấy, nhánh sông nhỏ này vốn đã biến mất từ lâu. Trong khi phấn hoa của những loài thực vật từng sống ở nhánh sông đã cạn kiệt trong nhiều thế kỷ vào thời điểm vua Tutankhamun lên nắm quyền. Đó là vào khoảng năm 1350 trước Công nguyên.
Một trong những tấm giấy cói là tài liệu cổ nhất ghi chép việc xây dựng đại kim tự tháp Giza (Ảnh: Bộ cổ vật Ai Cập).
Trên thực tế, trước khi tìm thấy những dấu tích về nhánh sông Nile từng cạn khô, giới chuyên gia sớm dự đoán phương pháp nhờ đường thủy hỗ trợ để vận chuyển đá.
Một tấm giấy cói 4.500 năm tuổi phát hiện vào năm 2013, ghi chép chi tiết về việc xây dựng đại kim tự tháp. Bản nhật ký viết bằng chữ tượng hình, chép nhiều hoạt động liên quan tới việc xây dựng kim tự tháp Giza và công việc tại mỏ đá vôi bên bờ kia sông Nile dưới dạng thời gian biểu.
Trong đó có mô tả công trình đã gần hoàn thành. Công việc còn lại tập trung vào xây dựng lớp vỏ đá vôi bên ngoài kim tự tháp. Công nhân khai thác đá ở Tura, gần Cairo ngày nay. Họ vận chuyển những khối đá khổng lồ tới kim tự tháp bằng thuyền dọc theo sông Nile và một hệ thống kênh rạch.
Huy Hoàng/dantri.com.vn