Nằm trên ngọn núi cao nhất khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, động Huyền Không là một trong những điểm đến thu hút du khách check-in Đà Nẵng.
Động Huyền Không nằm trên đỉnh Thượng Thai với nền phẳng, vòm tròn, có 5 khoảng giếng trời rọi ánh sáng tự nhiên vào bên trong khiến không gian động trở nên huyền ảo (Ảnh: Hoài Sơn).
Ngay từ đường vào động đã có cổng khắc 3 chữ "Huyền Không Quan" và các tượng ông Ác, ông Thiện nằm giữa cửa động. Các bức tượng là lời nhắc nhở mọi người khi đến chốn cửa Phật nên cởi bỏ hết tà niệm (Ảnh: Hoài Sơn).
Bên trong động, ánh sáng xuyên qua vòm cây, phản chiếu vào đá cẩm thạch tạo nên vẻ đẹp huyền ảo. Vào cuối thế kỷ 19, dựa vào chất liệu đá, người Pháp đã từng đặt tên danh thắng này là "những ngọn núi cẩm thạch" (Ảnh: Hoài Sơn).
Vị trí cao nhất trong động là tượng Phật Thích Ca do nghệ nhân Nguyễn Chất điêu khắc vào năm 1960.Bên dưới là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát (Ảnh: Hoài Sơn).
Phía trái động có đền thờ bà Ngọc Phi (bà Chúa Tiên). Nơi đây cần giữ tôn nghiêm nên ban quản lý gắn biển thông báo khách tham quan đặt giày dép bên ngoài (Ảnh: Hoài Sơn).
Nằm bên phải có Trang Nghiêm Tự được xây dựng năm 1825 mang vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính. Đền gồm ba gian, gian chính thờ Phật Quan Âm, bên trái thờ 3 vị Thánh (Quan Công, Quan Bình và Châu Xương) tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành. Đặc biệt, gian phải thờ ông Tơ, bà Nguyệt, nơi các đôi trai gái đến cầu duyên (Ảnh: Hoài Sơn).
Không chỉ mang giá trị tâm linh, động còn là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử. Trong những năm kháng chiến nơi đây đã trở thành căn cứ bí mật cho cán bộ địa phương, du kích... (Ảnh: Hoài Sơn).
Du khách Phạm Thị Thùy Duyên (21 tuổi) chia sẻ: "Đến với Đà Nẵng là phải ghé động Huyền Không để tìm về chốn thanh tịnh. Tôi cảm thấy rất thanh bình khi bước vào đây. Điều đặc biệt là những điểm đẹp như vậy lại hoàn toàn miễn phí" (Ảnh: Hoài Sơn).
Ngoài động Huyền Không, trên tuyến đường di chuyển có động Vân Thông. Động có hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi, một mặt là cửa, mặt kia là đỉnh núi nên còn được gọi là đường lên trời (Ảnh: Hoài Sơn).
Lòng động hình ống, đỉnh động cao hơn miệng 40m, có đoạn rất tối, quanh co và chỉ đủ một người qua lọt. Điều này tạo cho du khách cảm giác vất vả, kỳ bí khi lên trời (Ảnh: Hoài Sơn).
Giữa động có một tượng Phật bằng đá, cao 2,5m, ngang thân khoảng 0,5m. Tượng có tư thế đứng, tay trái duỗi thẳng theo thân, tay trái giương cao ra phía trước, thế bắt ấn (Ảnh: Hoài Sơn).
Sâu trong động có một tấm bia khắc trực tiếp vào đá dòng chữ "Ngũ Uẩn Sơn". Sau lưng là đường đi lên "trời", càng vào sâu bên trong động càng hẹp và phải bám vào các tảng đá mới di chuyển được (Ảnh: Hoài Sơn).
Hoài Sơn/dantri.com.vn