Hành trình từ Kon Tum đến Quảng Nam, nhìn từ Google Map, cứ thấy nơi nào có người đồng bào đang sinh sống thì chúng tôi lại tìm đường ghé thăm.
Cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên
Nếu nhà rông là biểu tượng văn hóa cộng đồng của người Bana thì nhà Gươl chính là linh hồn của buôn làng người Cơtu. Đấy đều là nhà cộng đồng truyền thống Tây Nguyên, có kiến trúc đặc sắc mang tính nghệ thuật cao, là trung tâm văn hóa sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn ra các cuộc họp và lễ hội làng.
Cách xây những căn nhà này rất độc đáo, bằng vật liệu tự nhiên như: gỗ, tre, nứa, dây rừng, cỏ tranh... Nhà cộng đồng như bảo tàng về văn hóa, kiến trúc và điêu khắc; chứa đựng hàng ngàn câu chuyện xa xưa.
Chúng tôi may mắn đến làng Kon Xom Luh vào đúng dịp Tết của người Bana. Mỗi gia đình đến nhà rông sẽ mang theo ghè rượu và một vài số món ăn dân dã.
Nào ta cùng vui, bất kể dân tộc nào.
Đội cồng chiên đi trước, đội múa phụ họa theo sau
Nhà rông Đăk Wak khá mới mẻ khang trang, phía trước có khoảng sân rộng và nhiều cây to cho bóng mát.
Nhà rông của người Bana thường có mái thẳng cao vút lên trời, biểu tượng hình lưỡi búa rìu mạnh mẽ
Hoa văn bắt mắt của nhà rông Đăk Wak
Chiếc dây bện được làm thủ công để giữ chặt thanh gỗ.
Những đứa trẻ trong nắng gió Tây Nguyên.
Qua đèo Lò Xo, đến huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi thăm làng truyền thống Cơtu vào một ngày nắng nhạt. Có vẻ nơi này bị lãng quên và xuống cấp sau đại dịch COVID-19.
Nép trầm mặc của công trình độc đáo
Dẫu vậy, quần thể làng vẫn rất đẹp gồm nhà Gươl ở trung tâm và 10 nhà sàn truyền thống khác đại diện cho 10 xã của huyện.
Làng yên bình bên hàng thông xanh
Có nhiều tấm phù điêu dưới mái nhà Gươl khắc họa đời sống lao động, văn hóa của người Cơtu như cảnh đâm trâu, giã gạo chày đôi, mặt nạ, đầu trâu....
Những câu chuyện kể qua tấm phù điêu
Đường nét chạm trổ thủ công của người đồng bào Cơtu
Từ lối vào nhà Gươl cho đến đà ngang trên trần, đâu đâu cũng có thể thấy những hình ảnh chạm trổ chau chuốt với đủ loại muông thú: sóc, chồn, voi, trăn, rắn…
Tôi thích nhất là chú rồng này
Có những ngăn hầm để chứa đồ ẩn dưới sàn nhà, được thiết kế khéo léo và độc đáo.
Một chiếc hầm giấu kín dưới sàn nhà gỗ.
Mái nhà Gươl của người Cơtu có hình dạng trái xoài, trên đỉnh có biểu tượng hai chú gà trống
Mái lợp lá phủ chút rêu phong và một họa tiết hoa văn lạ mắt
Mái nhà lợp lá được chống đỡ và cố định bằng vật liệu tự nhiên.
Từ trên làng nhìn xuống thị trấn Tây Giang, tôi có chút ngẩn ngơ, cứ ngỡ như nhìn thấy Đà Lạt một thưở.
Thị trấn Tây Giang nhìn từ làng truyền thống Cơtu
Đến tham quan nhà Gươl ở xã Lăng, chúng tôi may mắn phát hiện có một hộ dân đang sinh sống trong ngôi nhà sàn truyền thống.
Nhà Gươl ở Xã Lăng
Ngôi nhà sàn đã che nắng mưa cho hai ông bà qua mấy độ xuân, hạ, thu, đông
Chớp lấy thời cơ, chúng tôi xin phép vào nhà tham quan. Bà chia sẻ nhà sàn mùa hè thì mát nhưng lại rét buốt khi vào đông, phải đốt lửa sưởi ấm và lót nệm thật dày mới có thể ngủ được.
Bếp ở giữa nhà rông.
Có thể không? Một ngày nào đó, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Ấy hẳn là bức tranh đẹp về mảnh đất và con người Tây Nguyên.
Nhớ nhớ, thương thương ánh mắt…
… nụ cười Tây Nguyên.
TRƯƠNG LAN