Rừng Cấm được người dân làng Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) đặc biệt giữ gìn và xem như báu vật của làng suốt nhiều thế kỷ.
Báu vật giữa làng
Lưng tựa dãy núi Trường Sơn, mặt hướng ra thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, làng Đại Bình được thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú, thích hợp với nhiều loại cây ăn quả, trồng được cả những loại trái cây xuất xứ Nam Bộ. Đặc biệt, giữa làng Đại Bình còn tồn tại một khu rừng Cấm, được người dân bảo vệ nghiêm ngặt.
Rừng Cấm là báu vật của làng Đại Bình (Ảnh: Quốc Tuấn).
Dân làng Đại Bình không ai gọi rừng Cấm, mà chỉ đơn thuần là Cấm. Họ đi Cấm, vào Cấm để kiếm củi, kiếm thuốc. Ở Cấm, có hàng chục cây cổ thụ thân to hơn hai vòng tay người ôm. Rừng Cấm nằm gần như ngay trung tâm làng Đại Bình với diện tích 11,5ha.
Ông Trần Kim Hùng, nguyên trưởng thôn Đại Bình, cho hay khu rừng Cấm này đã có từ lâu đời.
Rừng rộng 11,5ha với hệ thống thực vật phong phú, rừng như "van điều hòa" sinh thái quý giá của làng (Ảnh: Ngô Linh).
Mỗi khi lũ về, nước sông Thu Bồn cuồn cuộn dâng cao như muốn nhấn chìm cả làng. Lúc đó, rừng Cấm chính là nơi người dân chạy lụt. Đối với dân làng Đại Bình, Cấm được xem như báu vật, được giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Từ trên cao nhìn xuống, rừng Cấm như tấm bình phong che chắn cho cả làng trước cuồng phong, bão lũ. Hệ thống cây rừng lớn nhỏ đan xen, dây leo tầng tầng lớp lớp như chiếc "máy điều hòa" khổng lồ tạo nên khí hậu mát mẻ cho cả ngôi làng.
Hơn ai hết, người dân Đại Bình hiểu rõ ngoài mạch nước ngầm sông Thu Bồn cung cấp độ ẩm cho đất, rừng Cấm chính là "van điều hòa" sinh thái quý giá của làng.
Ngoài huỳnh đàn, rừng Cấm còn có giáng hương, mít nài, mù u, cây trai và nhiều loại dược liệu quý khác (Ảnh: Ngô Linh).
"Không quy định, không chế tài, không người canh giữ, thế nhưng rừng Cấm vẫn uy nghiêm tồn tại hàng trăm năm nay theo kiểu làng trong rừng và rừng giữa làng", ông Hùng chia sẻ.
Những người già trong làng luôn tự hào rằng, người làng Đại Bình sống lâu bởi được hít thở dưỡng khí từ cánh rừng nguyên sinh này. Rừng có những cây thuốc quý và cây ăn quả, nên cứ mặc nhiên là nơi người dân chốn này tựa vào đó những lúc khó khăn, ngặt nghèo.
Ở rừng Cấm có một giống mít mà hình như bất cứ người nào từ làng này đều "lớn lên trong mùi thơm của nó" - đó là mít nài (Ảnh: Ngô Linh).
Ông Nguyễn Thanh Tuyền, trưởng thôn Đại Bình, cho biết thực ra đến năm 2017, làng mới có một bản hương ước bằng giấy trắng mực đen bổ sung cho quy ước năm 1988. Trong đó, Điều 16 quy định về bảo vệ và phát triển rừng Cấm.
"Có lẽ do hiểu được tác dụng quý giá của rừng Cấm nên mỗi người dân đều tự ý thức giữ gìn, không xâm phạm", trưởng thôn Đại Bình nói.
Tài nguyên rừng phong phú
Theo nghiên cứu từ nhóm chuyên gia của Trường Đại học Đà Lạt, rừng Cấm vẫn là khu rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ lớn. Về mặt sinh thái, rừng Cấm được xem như lá phổi xanh, tạo ra sự hài hòa về không gian, điều hòa sinh thái cho làng.
Về mặt tài nguyên, qua đánh giá ban đầu, hiện trong rừng có 10 nhóm tài nguyên gỗ và tài nguyên cây thuốc.
Mỗi năm, địa phương tổ chức trồng bổ sung thêm cây ở khu vực trống. Năm 2023, Ban Quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn kết hợp với xã Quế Trung tổ chức chương trình đưa lan về rừng, ghép trồng các giống lan quyên góp được lên các cây gỗ trong rừng (Ảnh: Ngô Linh).
Tuy không rộng nhưng khu vực rừng Cấm còn tồn tại nhiều danh mộc. Ngoài huỳnh đàn, nơi đây còn có giáng hương, mít nài, mù u, cây trai và nhiều loại dược liệu quý khác. Đặc biệt, trong rừng Cấm có 51 cây huỳnh đàn, đây là cây gỗ quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Thấy được chức năng, tầm quan trọng của rừng Cấm, các cấp chính quyền ở huyện Nông Sơn đã thực hiện nhiều động thái để nghiên cứu, đánh giá kỹ về tài nguyên thảm thực vật tại đây.
Tại hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch Đại Bình do UBND huyện Nông Sơn tổ chức vào năm 2021, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, đánh giá, nhấn mạnh việc phát huy tiềm năng thảm thực vật tại làng Đại Bình, đặc biệt là rừng Cấm.
Để có cơ sở xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái Đại Bình, đơn vị tư vấn đã điều tra, đánh giá tổng quan về tài nguyên thực vật của làng, đặc biệt trong rừng cấm. Trong đó, thảm thực vật và yếu tố văn hóa là một trong những tiềm năng tạo nên dấu ấn riêng của làng.
Ngoài các loại cây trái bản địa, các loại rau truyền thống thì thảm thực vật trong rừng Cấm là tiềm năng rất quý và đa dạng. Vấn đề là Đại Bình không chỉ ra sức giữ gìn "báu vật của làng", mà còn phải biết cách phát triển một cách hiệu quả nhất, để câu chuyện làm du lịch sinh thái địa phương mới thu hút du khách.
Ngô Linh